Thứ Bảy, 30/11/2024 10:30 SA
Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp:
Chuyện tranh, chuyện người
Chủ Nhật, 12/02/2012 18:00 CH

Sau mấy mươi năm cầm cọ, nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp mới có một triển lãm tranh của riêng mình. 28 bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh, tĩnh vật và chân dung được giới thiệu với công chúng tại triển lãm mang tên Sắc xuân quê hương ở Thư viện Hải Phú, TP Tuy Hòa. Những bức tranh cho thấy niềm đam mê lớn mà nhà văn - dịch giả 62 tuổi này dành cho hội họa.

Tu-hoa.jpg

“Tự họa” - tranh của Đào Minh Hiệp

1. Ở Phú Yên có một số họa sĩ mà khi xem tranh, người yêu hội họa biết ngay tác giả bức tranh đó là ai; Đào Minh Hiệp là một trong số đó, dù ông chưa bao giờ tự nhận mình là họa sĩ. Thế nhưng từ những ngày còn là sinh viên Trường đại học Thăm dò địa chất Moskva, Đào Minh Hiệp đã say mê hội họa. Cho đến bây giờ, ông vẫn trung thành với trường phái hiện thực và tranh của ông, dù vẽ phong cảnh Phú Yên thì người xem vẫn cảm nhận “hơi thở Nga” ở đó. Chất Nga được thể hiện qua từng nét cọ, qua cái cách ông tung tẩy màu sắc trên tấm toan. Điều đó cho thấy, gần 40 năm đã trôi qua, song tình yêu nước Nga trong người kỹ sư địa chất này vẫn còn nguyên vẹn.

28 bức tranh sơn dầu mà nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp giới thiệu với công chúng trong triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của ông, hầu hết là tranh phong cảnh và tĩnh vật, được sáng tác chủ yếu trong hai năm 2010-2011, sau khi ông về hưu. Nhiều người cảm thấy hụt hẫng khi tuổi tác buộc mình phải rời chức vụ đang nắm giữ, thậm chí có người còn bị sốc, riêng nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp thì khác. Không còn bận rộn với những cuộc họp, với công việc sự vụ ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, ông chủ tịch hội ngày nào dành thời gian để làm những việc mà mình yêu thích: vẽ tranh, dịch sách…, hoặc đơn giản là đến quán cà phê của một người bạn văn để chuyện trò. Sáng thứ bảy, chủ nhật, ông đi uống cà phê với vợ - nhà báo Lê Diệp - một cây bút kỳ cựu, đang làm việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên. Một số người gọi đùa ông và vợ là “cặp đôi hoàn hảo”. Mà cũng đúng thật!

 

Tinh-vat-nuoc-Nga120212.jpg

“Tĩnh vật nước Nga” - tranh của Đào Minh Hiệp

Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp sinh năm 1950 tại TP Tuy Hòa, quê ở xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Triển lãm tranh đầu tiên của ông mang tên Sắc xuân quê hương, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên và Thư viện Hải Phú phối hợp tổ chức, khai mạc vào sáng 11/2 và diễn ra cho đến hết tháng 2. Các tác phẩm hội họa của Đào Minh Hiệp ít nhiều chịu ảnh hưởng từ phong cách của các họa sĩ Nga, nhất là nhóm họa sĩ Triển lãm lưu động (Peredvizhniki), trong đó có Levitan.

2. Trên văn đàn, cái tên Đào Minh Hiệp gắn liền với những tác phẩm văn học dịch: Đức Mẹ mặc áo choàng lông, Người giàu cũng khóc, Khát vọng đổi đời, Thám tử buồn, Những ngọn cờ trắng… Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, bộ phim Người giàu cũng khóc (còn có tên khác là Nước mắt người giàu) do nhà văn Đào Minh Hiệp dịch đã tạo nên “cơn sốt” đối với khán giả truyền hình. Tiếp nối sau Người giàu cũng khóc, bộ phim Trở lại Eden do Đào Minh Hiệp dịch cũng thu hút đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ.

Say mê đọc và dịch các tác phẩm văn học từ tiếng Nga, những năm gần đây, nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp giới thiệu với công chúng một số tập truyện dịch rất thú vị, trong đó phải kể đến hai tập truyện Nô lệ của tình yêu Không nên khóc. Đào Minh Hiệp chia sẻ rằng, việc dịch một tác phẩm văn học không đơn thuần là chuyển ngữ, mà điều quan trọng là phải hiểu được văn hóa của dân tộc.

Có thể dùng từ “đa năng” để nói về nhà văn 62 tuổi này. Ngoài công việc dịch thuật, kỹ sư địa chất Đào Minh Hiệp - người có một thời gian vác búa địa chất lặn lội trên Tây Nguyên, giảng dạy tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - còn viết truyện ngắn, tản văn, kịch bản phim và viết báo. Truyện ngắn của ông hiền như chính con người ông, không có những xung đột, giằng xé dữ dội. Cũng không có bi kịch, tai ương, cho dù bản thân ông, khi còn đương chức, cũng đã không ít lần gặp phải tai ương. Nhân vật của Đào Minh Hiệp thường rất hiền, và những câu chuyện xoay quanh nhân vật ấy rất giản dị, đời thường. Thế nên tác phẩm của ông không có sự ly kỳ cuốn hút, song vẫn đọng lại trong lòng người xem chút tình nhẹ nhàng như khói, như sương.

Trien-lam-tranh120212.jpg

Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè văn nghệ sĩ trong buổi sáng khai mạc triển lãm tranh “Sắc xuân quê hương” - Ảnh: N.PHƯƠNG

3. Tôi hỏi nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp về “kinh phí” tổ chức triển lãm tranh. Ông cười, bảo rằng những điều mà mình đam mê thì không tính được bằng tiền. Tôi thích câu nói đó, cũng như bao năm qua tôi thích sự giản dị, chân tình của ông. Đào Minh Hiệp từng là một “quan văn nghệ” rất dễ mến và được nhiều người yêu mến. Bằng chứng là sau khi ông về hưu, anh em văn nghệ sĩ vẫn đến nhà ông, “cà phê cà pháo” với ông. Điều giản dị đó không phải “ông quan” nào cũng có được.

Tôi tin triển lãm tranh Sắc xuân quê hương của nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp tại Thư viện Hải Phú sẽ thu hút nhiều người xem. Bởi những bức tranh của ông có vẻ đẹp rất gần gũi, rất giản dị. Mà, sự giản dị thường đọng lại lâu hơn trong lòng người.

Đào Minh Hiệp là một người như thế. Và tranh của ông cũng thế.

 

NAM PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek