Trong hai đêm 15 và 16 tháng Giêng, tại khu di tích quốc gia Núi Nhạn, đông đảo bạn yêu thơ trong và ngoài tỉnh đã gặp nhau dưới ánh trăng huyền ảo để thưởng thức những vần thơ chan chứa niềm tin yêu cuộc sống, con người… Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên hằng năm đã trở thành một hoạt động sinh hoạt văn hóa mang tính đại chúng, là cầu nối để các thi hữu gặp gỡ và gửi gắm nỗi niềm với cảnh sắc thiên nhiên và công chúng yêu thơ.
Toàn cảnh Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 32 - Ảnh: K.MY
Trong hơn 500 thi phẩm gởi về Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tham dự Đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ 32, qua quá trình thẩm định, Ban tổ chức đã tuyển chọn 53 bài, in thành tập Thơ Nguyên tiêu 2012 trình bày rất ấn tượng. Nét mới trong thơ Nguyên tiêu năm nay không chỉ về số lượng tác phẩm mà chất lượng cũng được các tác giả chăm chút hơn. Không chỉ những người viết trong tỉnh mà nhiều cây bút ở TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Huế, Quảng Trị, An Giang… cũng gởi về các sáng tác tâm đắc của mình. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: “Đêm thơ Nguyên Tiêu hàng năm đã trở thành nỗi nhớ, niềm thương, là nơi hò hẹn của người làm thơ và những bạn yêu thơ từ khắp mọi miền đất nước. Ba mươi hai năm đã trở thành duyên nợ, hàng ngàn tác phẩm của các thi hữu gần xa gửi về tham gia, đã góp cho đêm thơ xuân hàng năm tràn đầy hương sắc và để cho Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên lần thứ 32 này càng ấm áp nghĩa văn chương”.
Chương trình Hội thơ Nguyên tiêu lần thứ 32 được đầu tư khá công phu và để lại nhiều ấn tượng cho khán giả. Trong đêm thơ rằm tháng Giêng, qua những giọng ngâm mượt mà, các thi hữu đã gửi đến cho công chúng yêu thơ gần 20 thi phẩm. Mở đầu chương trình, người yêu thơ đã bắt gặp, bên cái hào sảng quen thuộc như máu thịt của tuyệt tác thơ thần Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) - được ví như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc; nét ung dung mang cốt cách nhà hiền triết phương Đông của lãnh tụ - thi nhân Hồ Chí Minh trong Nguyên tiêu, là những rung động, cảm xúc của các tác giả trước mùa xuân, tình yêu cuộc sống và quê hương tươi đẹp. Có một Bài thơ quê hương mà Lưu Phúc đã chắt chiu, ươm ấp để:
Chờ em về quê anh
Khoe bài thơ mới viết
Bên chân tháp cổ
Nơi Đà Rằng nhập hội trùng dương.
Lấp lánh trong mỗi câu thơ là một niềm tự hào, tình yêu quê hương của tác giả. Trong Bài thơ quê hương bốn trăm năm tuổi ấy, Lưu Phúc đã dẫn dắt người đọc lang thang trong những miền ký ức với Đường biển, Vũng Rô, những con tàu Không số/Ngăn bước giặc càn, mẹ già chặn xe tăng; để rồi, vỡ òa trong sung sướng khi nhận ra Non nước thanh bình/ Qua mỗi bước Xuân/ Bức tranh quê mỗi ngày thêm mới. Với anh, tình yêu quê hương, ba mươi năm lẻ vẫn vẹn nguyên câu thề:
Một tình yêu
Từ buổi tóc xanh, câu thơ còn vụng
Đến hẹn lại về
Trăng tròn vành vạnh
Thương nhau chín bỏ làm mười
Núi Nhạn, sông Đà đón bạn muôn nơi
Còn nữ doanh nhân Bích Hợp, bên những rạo rực đầu xuân mới với mưa tháng Giêng, hoa cúc nở vàng, là nỗi niềm Đếm thời gian canh cánh tuổi xuân thì. Trong Nguyên tiêu ước hẹn của chị, có một cô bé miền Trung mắt ướt môi mềm dù trải qua bao đa đoan, đục trong của cuộc đời, dù cơm áo gạo tiền, nào dốc cạn túi thơ. Và đến hẹn lại lên:
Nguyên tiêu ước hẹn trăng rằm em đến
Tháp xưa vẫy gọi, hồn thơ vỗ về
Hương xuân thi phú trữ tình sông núi
Bóng nguyệt lung linh vang vọng xuân
Trong Đường xuân trải rộng… ta về Phú Yên, tác giả Nguyễn Tường Thuật đã mở ra cho người yêu thơ một con đường về với cội nguồn bốn trăm năm lịch sử:
Đường xuân trải rộng, gọi ta về Phú Yên
Về với cội nguồn bốn trăm năm lịch sử
Kính chào tiền nhân: Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Bá Sự
Và Săm BRăm, Võ Trứ, Phan Lưu Thanh…
Nghe biển reo vui, sóng vỗ đầu gành
Nhịp điệu thơ nhanh, giọng thơ khỏe, mỗi câu thơ tươi vui như một lời mời gọi. Mời gọi người hôm nay về thăm lại quá khứ, mời gọi cả quá khứ và hôm nay cùng xây đắp tương lai…
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên Nguyễn Ngọc Quang trao giải Người đẹp Nguyên tiêu cho thí sinh Võ Thu Thảo - Ảnh: K.MY
Ở huyện Đồng Xuân, cây bút trẻ Nguyên Hậu góp mặt đêm thơ với thi phẩm Soi mình trong sắc tháng Giêng. Còn Phạm Dạ Thủy (tỉnh Khánh Hòa) cũng không quên chia sẻ một Lời hứa với công chúng yêu thơ Phú Yên. Tại đêm thơ Nguyên tiêu, khán giả đã được đắm chìm trong đêm hội rộn rã tiếng cồng chiêng do tác giả Ksor Ma Thoi mang về từ buôn Bầu, được dạo Chợ Hoa xuân rực rỡ sắc màu do cô bé khiếm thính Thùy Dung (Trường Niềm Vui) mang đến và lắng mình trong dòng chảy rất êm của dòng Sông Chùa lấp lánh do Huỳnh Duy Hiếu sáng tác.
Trong đêm thơ 16 tháng Giêng với chủ đề “Tổ quốc nhìn ra biển”, các giọng ca, giọng ngâm đã gửi đến cho khán giả hơn 14 tác phẩm thơ, nhạc, trong đó có 10 tác phẩm thơ thẳm sâu xúc cảm về biển đảo và tình yêu Tổ quốc Việt Nam. Sống trên đất liền trong mùa xuân này, nhưng tác giả Song Anh thổn thức một nỗi niềm Đón xuân đất liền nhớ lắm Trường Sa, còn Nguyễn Quý lại trăn trở Bạn tôi vẫn ở Trường Sa. Không chỉ thu hút những cây bút quen thuộc, đêm thơ còn có sự tham gia của chiến sĩ trẻ người Phú Yên đang công tác tại đảo Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau. Sống giữa đảo khơi, qua những vần thơ dung dị nhưng ấm áp, chiến sĩ Cao Vũ Linh đã mang Mùa xuân trên đảo về giữa lòng Tuy Hòa. Đặc biệt, có những tác phẩm đã làm lay động trái tim của hàng triệu người như ca khúc Tổ quốc nhìn từ biển (thơ Việt Chiến, nhạc Quỳnh Hợp), Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long. Qua các giọng ca của Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, hai nhạc sĩ của Phú Yên cũng góp mặt cho đêm thơ thêm ấn tượng và xúc động với hai ca khúc Hướng ra biển Đông (Tấn Phát), Biển, Tổ quốc (Cao Hữu Nhạc).
Phần trình diễn, giao lưu của các nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc cũng làm cho không khí đêm thơ thêm màu sắc. Đó là bài hát Cảm ơn (lời thơ Lê Xuân Huy) do nghệ sĩ Kim Kan Kôn thể hiện, là liên khúc dân ca Hàn Quốc vui tươi, rộn rã, bài hát Vào ngày xuân nào đó của nhóm nhạc truyền thống Hàn Quốc, bài thơ Thơ và phong cảnh cũng được tác giả Kim Seong Jang gửi đến cho công chúng yêu thơ bằng tiếng Việt.
Ông Nguyễn Thanh Hào ở Hà Nội cho biết: “Tôi đến Tuy Hòa thăm học trò vào ngày 14 tháng Giêng. Nghe em quảng bá về đêm thơ Nguyên tiêu, nên tôi nán lại thêm hai ngày. Tôi đã rất xúc động khi được hòa mình vào không gian thơ dưới chân tháp Nhạn. Có trăng thanh, gió nhẹ, có tiếng nhạc, tiếng thơ ngâm, thi hữu và bạn yêu thơ cùng gặp gỡ, trải lòng… mọi thứ đều rất thơ. Ấn tượng nhất vẫn là Quán ảnh Nguyên tiêu treo rất nhiều hình ảnh đẹp về con người và phong cảnh Phú Yên. Đúng là có dịp tham gia Hội thơ Nguyên tiêu của Phú Yên, tôi mới hiểu được tại sao nơi đây lại là nơi thắp lửa cho Ngày hội thơ của cả nước”.
HÀ KIỀU MY