Với hơn 10 tiết mục ca múa nhạc, chương trình nghệ thuật mở đầu Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên phần nào phác họa bức tranh văn hóa đa màu sắc của đồng bào trên dải đất này.
Tiết mục hát múa "Tiếng dân chài" của đoàn Khánh Hòa tại ngày hội - Ảnh: M. NGUYỆT |
Một trong những làn điệu đặc trưng của khu 5 chính là dân ca bài chòi. Với làn điệu này, các nghệ sĩ, diễn viên đất võ đưa người xem về với “biển trời Bình Định”. Điệu nhạc câu ca mộc mạc như người dân miền Trung dãi dầu mưa nắng, song chính sự mộc mạc đó lại lôi cuốn người nghe. Đoàn chủ nhà Phú Yên giới thiệu “đặc sản” dân ca khu V, quảng bá những thắng cảnh, di tích lịch sử và sản vật của Phú Yên trong bài hát Đất Phú Yên quê tôi (sáng tác Bình Thảng), sau đó đưa người xem đến với các làng biển dọc miền duyên hải, với những chuyến ra khơi bằng tiết mục Hò bá trạo. Đoàn Bình Thuận mang đến không khí trẻ trung với hát múa Gió về biển khơi, một sáng tác của Trần Xuân Chiến.
Tiết mục “Đất Phú Yên quê tôi” của đoàn Phú Yên - Ảnh:M.NGUYỆT |
Đến với ngày hội, nghệ sĩ, diễn viên ở các tỉnh Tây Nguyên mang theo những nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào mình. Và trong đêm 1/7, âm thanh của cồng chiêng, của trống đôi đã vang lên trên Quảng trường 1 Tháng 4, TP Tuy Hòa. Trong âm thanh của đại ngàn, đoàn nghệ nhân người K’Ho ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) biểu diễn tiết mục múa Sức sống
Trong chương trình nghệ thuật mở đầu cuộc hội ngộ của các dân tộc anh em trên vùng đất duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, các nghệ nhân, diễn viên ở Ninh Thuận gây ấn tượng với đơn ca Apsara - vũ nữ Chăm (thơ: Inrathara, nhạc: Amưnhân). Giọng hát đẫm chất Chăm, bản phối mang đậm bản sắc cộng thêm phần múa minh họa, Apsara - vũ nữ Chăm quả thực rất lôi cuốn.
Tiết mục Apsara - vũ nữ Chăm của đoàn Ninh Thuận - Ảnh: M.NGUYỆT |
Với một sắc thái hoàn toàn khác, nhắc nhớ về những người “có đi không có về, vong thân vì nước”, tiết mục Hải đội Hoàng Sa (sáng tác: Trần Bắc Hải) của đoàn Quảng Ngãi như một “khoảng lặng” lay động trái tim khán giả sau những rộn ràng sôi động. Trước đó, tiết mục hát múa Tiếng dân chài (sáng tác: Phạm Đình Chương) do đoàn Khánh Hòa thể hiện đã mang đến nhiều cảm xúc về cuộc sống vất vả mà vui, đồng thời cũng không kém phần thi vị của các ngư dân vạn chài. Trần Thị Đào Nguyên, giọng ca đến từ Khánh Hòa, nói: “Nha Trang, Tuy Hòa là hai thành phố biển và có nhiều điểm chung. Chúng tôi muốn mang cái chung đến đây để tình cảm dâng trào. Ngày hội là dịp để anh em gặp nhau. Rất vui”.
Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc Việt Nam khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, tuy chưa thật sự gắn kết song cũng đã cho khán giả hiểu thêm về bản sắc văn hóa của người dân trên vùng đất này.
LÂM VY