Thứ Tư, 02/10/2024 13:27 CH
Người gìn giữ những nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm
Chủ Nhật, 24/09/2006 10:30 SA

“Thanh niên trong làng bây giờ chỉ thích đánh đàn ghita, nghe nhạc trẻ, xem tivi và hát karaoke thôi. Không ai còn thích nghe hát khan, thổi sáo, đánh đàn đinh-goong nữa, nên cũng chẳng ai để ý đến và biết làm nhạc cụ dân tộc. Trong làng này chỉ có duy nhất ông So Minh Thứ là biết làm đàn đinh-goong, kèn môi... thôi” - Ông Mang Thông, Trưởng thôn Hà Rai (xã Xuân lãnh, huyện Đồng Xuân) nói với chúng tôi như vậy. 

 

Từ thị trấn La Hai vượt 15 km, chúng tôi tìm đến nhà ông So Minh Thứ ở thôn Hà Rai, một người biết làm nhạc cụ dân tộc. Căn nhà sàn chỉ chừng hơn 10m2 trống trước trống sau, trong nhà không có thứ gì quý giá. Chỉ thấy một trái bầu khô, hai ba khúc tre khô và một cây đàn đinh-goong cũ kỹ treo lơ lửng trên gác bếp, ám khói đen sì. Bàn tay gân guốc của ông Thứ với lên lôi trái bầu và vài khúc tre xuống để “minh hoạ”  cho chúng tôi về cách thức làm các loại đàn. Mặc dù đã lâu không còn làm các loại nhạc cụ này nữa, nhưng ông vẫn không quên một chi tiết nào!

 

060924-nhac-cham.jpg

Ông Sô Minh Thứ đang biểu diễn đinh-goong trong nhà sàn Ảnh: THU HẰNG

 

Ông Thứ kể: “Tui làm và sử dụng được 5 loại nhạc cụ, như: kèn môi, sáo, đàn pró, đàn đinh-goong và đàn kéo (giống như đàn cò của người Kinh). Ngoài ra còn có đàn kơ-ní, nhưng ít làm hơn. Vài năm trước, tui thường đánh đàn pró, đàn đinh-goong cho con cháu nghe. Bây giờ, tụi trẻ không còn muốn nghe nữa, còn tui thì lo đi làm rẫy miết. Không sử dụng, cây đàn nó hư rồi”. Ông  cười, nếp nhăn trên gương mặt giãn ra.

 

Ông So Minh Thứ cho biết, kèn môi được làm từ hai miếng tre mỏng, chẻ ra ráp vào nhau rồi dán bằng sáp cho kín lại, để lên môi thổi khi nào nhận thấy âm thanh phát ra chuẩn là đúng. Ngày trước, trai gái trong làng dùng loại kèn này để tỏ tình với nhau. Còn sáo được làm từ một ống tre khô, khi thổi lên nghe rất buồn. Khi có người bị lạc trong rừng, thân nhân của họ đi tìm, đem sáo ra thổi để người bị lạc nghe thấy, theo tiếng sáo mà tìm đường về. Ngoài ra, tiếng sáo còn được dùng để giãi bày tình yêu đôi lứa. Đinh-goong là loại đàn được làm bằng 5 sợi dây thép, một trái bầu, một ống tre và 5 trục cây nhỏ ghép lại với nhau. Tiếng đàn đinh-goong vang lên khi làng tổ chức đám cưới hay lễ hội đâm trâu, lễ hội Quại Pok-ai (mừng sức khỏe).

 

Công đoạn nào là khó nhất khi làm các loại nhạc cụ này? Ông Thứ nói: Thứ nhất là chọn tre. Nếu dùng cây tre già quá, để lâu đàn sẽ bị nứt, còn cây tre non thì bị héo, nên chọn cây tre vừa tầm. Thứ hai là chọn dây thép. Cần phải tìm một sợi dây thép cứng không pha nhôm để có độ căng tốt thì âm thanh phát ra thánh thót hơn. Ông say sưa kể cách thức và những kinh nghiệm làm các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình. Có lẽ đây là lần đầu tiên, người đàn ông Chăm này được “khoe” với mọi người về những điều đã khiến ông say mê từ tuổi ấu thơ.

 

Trước kia, gia đình So Minh Thứ không ai biết sử dụng và làm nhạc cụ dân tộc. Nhưng từ nhỏ, ông đã thích nghe tiếng kèn môi, tiếng đàn pró của buôn làng. Nơi nào có lễ hội, có tiếng đàn, tiếng trống thì nơi ấy có mặt So Minh Thứù. Những lúc rảnh, ông thường đến nhà của các già làng chơi, để thỉnh thoảng được nghe các ông thổi sáo, đánh đàn. Có già làng nhìn thấy So Minh Thứ mê mẩn cây đàn của mình nên bày cho ông cách chơi đàn. Mỗi bài nhạc già làng bắt ông tập đi tập lại cho đến khi nào thấy được mới thôi. Có khi nghe người khác chơi một bản nhạc, So Minh Thứ để ý rồi về tự tập. Đến năm 20 tuổi, So Minh Thứ mới biết chơi đàn và tự làm các loại nhạc cụ. Thỉnh thoảng, nhân lúc rảnh rỗi, ông đánh đàn đinh-goong, đàn kéo, đàn kơ-ní cho con cháu nghe. Đến bây giờ, người đàn ông 66 tuổi này cũng không nhớ mình đã làm bao nhiêu nhạc cụ. Năm tháng trôi qua, ông bận rộn nương rẫy và con cháu của ông cũng không ai còn thiết tha với tiếng đàn. Những trái bầu, khúc tre khô đã lâu và đã ám khói bên bếp.

 

Nhưng mới đây, ông So Minh Thứ có một niềm vui: Sở Văn hoá - Thông tin Bình Định vào nhờ ông làm một bộ đàn đinh-goong, đàn pró, đàn kơ-ní, kèn môi và sáo. Ông cũng nhận lời với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Yên làm một bộ đàn tương tự.

 

THU HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek