Thứ Tư, 02/10/2024 13:30 CH
Làng văn nghệ: “Áo rách thương nhau”
Thứ Bảy, 23/09/2006 09:11 SA

Bây giờ người giàu có không ít, nhưng không phải ai cũng có ý thức và có nhu cầu sẵn sàng giúp người khác thực hiện ước nguyện. Văn nghệ sĩ đắm đuối với khao khát tác phẩm, chả mấy người đủ khả năng toan tính kinh tế.

 

060923-thanhthuy.jpg

Ca sĩ Thanh Thúy - Ảnh:hoaphuongnam.com

Tôi rất thích cái không khí quê mùa xôn xao trong hai ca khúc “Áo gấm đầu làng” và “Cô Thắm về làng” của nhạc sĩ Giao Tiên, nên có lần nhìn thấy ông đạp xe đi bán nem chả ở Cam Ranh – Khánh Hòa, tự nhiên thấy vừa thương vừa trọng. Thương cảnh bần hàn của ông và trọng sự lặng lẽ của ông. Không thể ngờ, ẩn chứa bên trong người đàn ông cao gầy có khuôn mặt khắc khổ ấy lại ngầm chảy nhiều giai điệu trìu mến. Vậy mà, mới đây, ông lời qua tiếng lại với bạn thân là nhạc sĩ Vinh Sử vì một chút quyền lợi nhỏ nhoi. Cũng may, đang ngơ ngẩn buồn khi nhớ đến nụ cười hiền lành với hàm răng lởm khởm của nhạc sĩ Giao Tiên thì tôi nhận được…CD “Đồi trăng Phương Bối”. Không ngạc nhiên sao được, tác giả đĩa nhạc này là Nguyễn Đức Vân, một người bạn vất vả của tôi. Nguyễn Đức Vân sống khép kín ở ngoại ô Bảo Lộc thì tiền đâu anh ta làm CD nhỉ? Hay là anh ta bán đất? Hay là có nhà tài trợ hào hiệp nào? Nhiều câu hỏi nửa mừng nửa lo cứ xô đẩy về phía tôi mãi cho đến lúc bóng áo thô của Nguyễn Đức Vân xuất hiện ở điểm hẹn.

 

Ngồi nghe Nguyễn Đức Vân kể cuộc phiêu lưu âm nhạc của anh, tôi bỗng thấy rộn ràng. Thực tế, anh chẳng có một đồng nào, tất cả đều nhờ sự giúp đỡ, hòa âm miễn phí, ca sĩ trình diễn cũng miễn phí. Những bài hát do Nguyễn Đức Vân viết chưa có đột phá về khúc thức, nhưng công chúng vẫn có thể nhận ra sự gặp gỡ giữa tác giả và ca sĩ ở niềm chia sẻ sự sống tự nhiên và dung dị “tôi băng băng trên đồi, trăng sáng quá trăng ơi” khá thú vị. Sau khi hồ hởi dành cả buổi chiều cuối tuần cho “Đồi trăng Phương Bối”, tôi gọi điện có ý thay mặt bạn mình để cảm ơn Thanh Thúy, một trong bốn ca sĩ thể hiện đĩa nhạc. Ca sĩ Thanh Thúy cười thật nhộn kèm một câu lém lỉnh: “Hình như các ông hay đưa lên báo chuyện ca sĩ hét giá và chảnh chọe thôi mà!”. Ừ nhỉ, lòng tốt nếu bị lãng quên rất dễ trở thành xa xỉ phẩm lắm chứ!?

 

Nhìn Nguyễn Đức Vân hớn hở chở chồng đĩa CD rong ruổi trên phố xá Sài Gòn bằng chiếc xe máy do một nhà thơ nữ tặng (mà hoàn cảnh chị này một nách hai con có dư dả gì đâu) bất giác tôi nghĩ đến tập thơ “Xem đêm” của nhà thơ Phùng Cung. Mỗi dịp ra Hà Nội, tôi đều đi thật chậm qua phố Mai Hắc Đế, nơi có con ngõ nhỏ dẫn vào căn hộ nhỏ của nhà thơ Phùng Cung để bái vọng về những người nhiều tài năng, nhiều hoạn nạn và cũng nhiều tình nghĩa. Cách đây 12 năm rồi, cảm nhận được sự thua thiệt của bạn, nhà thơ Phùng Quán dự định làm một chuyến đọc thơ xuyên Việt để lấy tiền in tập thơ cho Phùng Cung. Không ngờ chuyện đến tai nhà văn Nguyễn Hữu Đang. Chẳng chút đắn đo, nhà văn Nguyễn Hữu Đang đưa ngay sổ tiết kiệm có hơn bốn triệu đồng dành dụm được của mình để in thơ Phùng Cung. Theo nhà thơ Phùng Quán kể lại: “Anh móc túi áo bộ đội cũ mặc bên trong, lấy ra cuốn sổ bọc ba lần giấy nhựa bóng, chằng ngang dọc bốn dây cao su. Anh đặt sổ trước mặt tôi và bảo: Chú cầm lấy. Tôi sẽ làm giấy ủy quyền cho chú rút tiền ra sử dụng. Nếu số tiền này chưa đủ, tôi sẽ về quê đòi vài tạ thóc cho vay, bán đi rồi gửi thêm tiền cho chú!”. Nhờ hành động cao đẹp ấy, tập thơ “Xem đêm” của nhà thơ Phùng Cung đã ra đời, và thế hệ trẻ như tôi được đón nhận những câu thơ thật dân dã mà thật nồng ấm: “Thoảng mùi ruộng ải/Thóc giống cựa mình/Nắng vắt ngọn tre đuôi én/Đủng đỉnh điệu cu cườm/Lay nhịp gió may”.

 

Bây giờ người giàu có không ít, nhưng không phải ai cũng có ý thức và có nhu cầu sẵn sàng giúp người khác thực hiện ước nguyện. Văn nghệ sĩ đắm đuối với khao khát tác phẩm, chả mấy người đủ khả năng toan tính kinh tế. Thế nhưng, không lẽ họ mỏi cổ chờ đợi sự hảo tâm bất ngờ. Thôi đành áo rách thương nhau, người nghèo giúp người nghèo hơn. Tôi cứ mơ hồ rằng, nếu văn nghệ sĩ không biết rộng lượng với văn nghệ sĩ thì những điều họ sáng tạo chắc cũng chỉ là son phấn khoa trương. Cùng thời với Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán và Phùng Cung, nhà thơ Trần Dần có hai câu thơ xa thẳm cho cõi đời run rủi: “Đừng ngại mây che từng cây số buồn rầu. Đừng ngại mở trong lòng vài khung cửa nhớ thương”. Còn tôi, chàng trai lơ ngơ của đô thị ồn ả, mỗi khi xao xác vì tiếng còi xe chộn rộn lại giật mình tự an ủi mình: Hú vía, người tốt vẫn còn đây!

 

LÊ THIẾU NHƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek