Biết tin tôi sắp có chuyến đi công tác tại quần đảo Trường Sa, nhưng thực sự trong lòng vẫn băn khoăn vì sợ xa, sợ say sóng, anh bạn đồng nghiệp chỉ cười và nói: “Cuộc đời làm báo đi hàng trăm nước cũng không thể bằng đi ra quần đảo Trường Sa một lần”. Tôi đã đi và đến. Ðiều anh bạn tôi nói là… hoàn toàn chính xác.
100% các đảo nổi, chìm, nhà giàn đều đã tự cung cấp được rau xanh. - Ảnh: Q.H
XÚC ÐỘNG, THIÊNG LIÊNG
Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2011, các nhà báo đã có mặt trên chuyến tàu 957 của Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân cùng Chuẩn đô đốc, Thiếu tướng Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân và đoàn công tác tỉnh Nam Định đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Nơi đây thực sự là vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Điều dễ nhận thấy trong cuộc đi của chúng tôi, ngoài vị tư lệnh của Quân chủng Hải quân và cán bộ, chiến sĩ tàu 957 đã ra các đảo nhiều lần thì với chúng tôi và đoàn công tác, trong đó có khá nhiều cán bộ đang công tác trong các ngành của quân đội đều thừa nhận, đây là lần đầu tiên đi biển dài ngày để đến với cán bộ, chiến sĩ thuộc quần đảo Trường Sa.
Biển vẫn xanh, trong, sâu thăm thẳm nhưng đã làm chúng tôi bật khóc khi vị chuẩn đô đốc đọc lại những gì đã xảy ra cách đây 23 năm. Đó là ngày 14/3/1988 khi cán bộ, chiến sĩ của ta đụng độ với tàu nước ngoài trên vùng biển Trường Sa.
Vị chuẩn đô đốc bắt đầu câu chuyện ngày ấy trong nghẹn ngào. Ông nói, cách đây 23 năm, vào ngày 14/3/1988, các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của các lực lượng tàu chiến hải quân nước ngoài để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ xưa và mãi mãi về sau là một phần máu thịt, là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt
Từ trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt
Đó là Anh hùng liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ - đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ 604; Anh hùng liệt sĩ - thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Đó là Anh hùng Nguyễn Văn Lanh kiên cường chiến đấu, bị thương nặng vẫn không rời trận địa, quyết giữ đảo đến cùng. Đó là Anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, đứng trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy con tàu HQ 505 vừa chiến đấu với tàu nước ngoài, vừa nhanh chóng đưa tàu lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành chiến hạm nổi chiến đấu chống lại đối phương và cũng là để khẳng định chủ quyền. Còn rất nhiều những tấm gương sáng về sự hy sinh cao đẹp của các đồng chí mà hôm nay chúng tôi không thể nói hết.
Chính nơi đây, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt
Các anh ra đi vì chủ quyền quần đảo Trường Sa của Tổ quốc là một nhẽ, nhưng đã để lại một nỗi đau tột cùng trong mọi người dân; để lại bao nỗi nhớ thương, bao nỗi niềm hy vọng hư vô của biết bao người mẹ, người cha, người vợ, người con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa mong đón anh về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ, hy vọng hư vô ấy... vẫn cứ song hành suốt cuộc đời của biết bao người cha, người mẹ, người vợ, người con hôm nay và mãi mãi về sau. Ngoài kia, tôi nghe khá rõ lời bài hát mà không biết ai sáng tác và ca sĩ nào thể hiện nhưng ca từ của bài hát đó để thế hệ chúng tôi và về sau càng phải có trách nhiệm hơn với truyền thống của cha, anh mình trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
“Vị tướng già, mắt lệ nhòa run run đôi vai nghiêng. Cả con tàu ngàn tấn thép như muốn nghiêng cùng ông. Về nơi ấy thăm thẳm đáy sâu kia như có tiếng thét gào, nghẹn ngào bóp chặt trái tim ông. Ở nơi ấy có bao người, có bao người đồng đội... của ông. Phút lặng im trên biển cả mênh mang là tấm lòng ông nghĩa tình đồng đội. Biển cả bao la như hiểu điều ông nói, tung sóng trào ôm trọn những cánh hoa... Phút lặng im trên biển cả hôm nay, người lính trẻ thấm sâu lời thề, biển đảo thiêng liêng quyết thề cùng gìn giữ, vững bước cùng bao thế hệ cha anh...”.
TRƯỜNG SA HÔM NAY
Chúng tôi có 12 ngày lênh đênh trên biển và sóng, vui cùng các anh - những chiến sĩ hải quân. Họ thực sự làm chúng tôi khâm phục.
Trên đảo cũng có khu vui chơi dành cho trẻ em.
Trường Sa hôm nay giờ đã khác nhiều. 100% các đảo nổi, chìm, nhà giàn đều đã có điện thắp sáng ổn định, liên tục thông qua hệ thống pin mặt trời, phong điện. Và tất cả đã tự cung cấp được rau xanh, nước ngọt, thực phẩm tươi sống.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đông cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2011, lượng rau xanh đã đạt 1.107kg; gần 500kg cá; 56kg gia cầm và hơn 300kg thịt các loại. Hay như thượng tá Phạm Văn Hòa vui vẻ nói, riêng công tác hậu cần, đảo đã duy trì tốt bữa ăn tập trung, nâng cao chất lượng bữa ăn. Ngoài việc trồng thêm rau xanh, đảo còn hoàn thiện hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời. “Từ nguồn năng lượng ổn định kết hợp với âu tàu có sức chứa lên tới gần 100 tàu cá công suất lớn, trong tương lai sẽ mở ra nhiều dịch vụ tiện tích như thu mua chế biến hải sản tại chỗ, sản xuất nước đá...” - thượng tá Hòa khẳng định.
Các đảo nổi, chìm thuộc quần đảo Trường Sa của ta giờ cũng đều có thể khám - chữa bệnh... lai dắt cho các tàu cá của ngư dân bị nạn, tránh gió bão. Thượng uý Nguyễn Văn Phú, bác sĩ tại đảo Song Tử Tây, cho biết, chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2011, đảo đã khám và cấp thuốc cho 1.485 lượt quân, dân; cấp cứu 31 ca, phẫu thuật 149 ca cho các ngư dân thuộc các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa...”. Với các thiết bị y tế, các đảo đều có thể điều trị các ca bệnh nặng, hiểm nghèo” - thượng úy Phú cho biết.
Tại Trường Sa, ngoài các đơn vị quân đội đóng quân, trên đảo đều có các hộ dân, công trình dân sự, văn hóa tâm linh như chùa, trạm khí tượng và âu tàu... mà mỗi khi xa bờ, bất ngờ gặp bão, dông, đau ốm... người dân đều có thể tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nước ngọt, nhiên liệu... Đặc biệt, rau xanh đã hiện hữu tại mọi nơi trên các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn...
Cháu Huỳnh Thị Tố Ngân, một công dân tại đảo Trường Sa rất vui vẻ khi nói với tôi, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng những năm qua cháu cũng như mọi học sinh trong lớp luôn đạt học sinh giỏi. Trên đảo cũng có khu vui chơi, học tập cho học sinh. Đặc biệt còn có phòng đọc sách, thực hành tiện ích trên máy tính.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Trần Vũ Lân cho biết, tất cả các chương trình học của học sinh đều tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo và chương trình của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa. “Điều kiện vật chất như đồ dùng dạy học, hình ảnh trực quan, hệ thống máy tính... đều đủ đáp ứng nhu cầu cho học sinh trên đảo nhưng thời tiết tại đây vẫn còn khắc nghiệt. Do đó rất cần sự quan tâm, đầu tư của đất liền” - ông Lân nói. Nắm chặt tay ông Lân, chúng tôi thực sự cảm thông điều ông Lân vừa chia sẻ. Trường Sa còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là tại các nhà giàn, đảo chìm.
Tháng tư tại Trường Sa đã bắt đầu xuất hiện những cơn áp thấp và cả những cơn bão đầu tiên... Thời tiết, gian khổ, nguy hiểm không làm các anh - những chiến sĩ hải quân chùn bước, bị động. Họ vẫn luôn vững chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
QUANG HIỆU (Theo LĐ)