* Với người Phú Yên, chèo không còn xa lạ nhưng cũng không
phải là một loại hình nghệ thuật gần gũi. Ông nhận thấy khán giả Phú Yên đón
nhận chèo của miền Bắc như thế nào?Nghệ sĩ Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát chèo
tỉnh Hải Dương. - Ảnh: M.NGUYỆT
- Chèo đúng là chưa gần gũi với đất Phú Yên trong khi ở đồng bằng Bắc Bộ, đây là một loại hình nghệ thuật dân gian rất gần gũi với đời sống. Lần này vào Phú Yên, Nhà hát chèo tỉnh Hải Dương mang theo hai chương trình, một là vở chèo lớn về danh nhân - thiền sư Tuệ Tĩnh, thứ hai là chương trình tạp kỹ, có biểu diễn nghệ thuật chèo truyền thống và có cả những tiết mục ca múa dân gian về đồng bằng Bắc Bộ xem chúng tôi diễn, bà con rất thích.
* Sự đón nhận chèo của khán giả Phú Yên có gì khác so với khán giả miền Bắc - những người rất gần gũi và mê chèo, thưa ông?
- Tôi thấy không có gì khác. Đêm diễn nào, đồng bào cũng rất hào hứng. Xem xong rồi, có những khán giả muốn đi theo các diễn viên của nhà hát để xem tiếp đêm thứ hai.
* Phú Yên và Hải Dương là hai tỉnh kết nghĩa. Đoàn kịch Hải Dương đã nhiều lần về Phú Yên biểu diễn và Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển của Phú Yên cũng đã nhiều lần biểu diễn phục vụ đồng bào Hải Dương. Vì sao đến nay Nhà hát chèo tỉnh Hải Dương mới đến với khán giả Phú Yên?
- Lý do cũng rất đơn giản. Người dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ rất mê chèo nên nhà hát chèo của chúng tôi hoạt động quanh năm. Chèo đã ngấm vào máu thịt của người dân ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong những tháng đầu năm, chúng tôi rất bận rộn với công việc; các huyện, các xã, ban tổ chức các lễ hội mời chúng tôi về biểu diễn. Vì vậy, chỉ hoạt động trong tỉnh, nhiều lúc chúng tôi cũng không hết việc.
Nhà hát chèo tỉnh Hải Dương được thành lập vào năm
1960, hiện có 52 người, trong đó có 42 diễn viên, nhạc công. Nhà hát có Đoàn
chèo 1; địa bàn biểu diễn là khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
* Các loại hình nghệ thuật truyền thống ngày càng thưa vắng
khán giả, và một số đoàn nghệ thuật lớn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc làm
thế nào để sân khấu thường xuyên sáng đèn. Nhà hát chèo tỉnh Hải Dương đã làm
gì để khán giả vẫn hào hứng đến với chèo?
- Nhà hát chèo tỉnh Hải Dương vẫn thường xuyên sáng đèn. Thường thì trong sáu tháng đầu năm, chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch về biểu diễn, vượt kế hoạch về doanh thu do Nhà nước giao. Ở phía bắc, người dân rất yêu mến nghệ thuật chèo và các địa phương tìm đến Nhà hát chèo để hợp đồng biểu diễn.
Trong hầu hết các lễ hội truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ, ta đều mời đoàn chèo về biểu diễn. Không riêng gì nhà hát chúng tôi mà các đoàn chèo đều bận rộn trong những tháng đầu năm.
* Cuộc sống hiện nay có rất nhiều loại hình giải trí và nhịp sống cũng nhanh hơn, sôi động hơn trước. Theo ông, chèo có phải thay đổi để thích nghi với nhịp sống hiện đại?
- Nghệ thuật chèo hiện nay, về cơ bản vẫn là chèo truyền thống, nhưng tiết tấu nhanh hơn một chút. Thứ hai là chương trình biểu diễn đa dạng hơn, có những vở chèo kinh điển, có những vở về đề tài lịch sử, có vở diễn dã sử và có chương trình tạp kỹ, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của khán giả hiện nay. Nếu cứ giữ nguyên những gì của giai đoạn trước thì cũng rất khó. Có địa phương yêu cầu diễn chương trình tạp kỹ thì chúng tôi diễn tạp kỹ nhưng vẫn là chèo, vẫn là dòng dân gian của đồng bằng Bắc Bộ.
* Xin cảm ơn ông!
Trưởng đoàn chèo 1 Nguyễn Văn Thuật: “Lần đầu
tiên đến với Phú Yên, đến với TP Tuy Hòa, chúng tôi háo hức đếm từng ngày. Qua
các đêm diễn, anh em chúng tôi đón nhận những tình cảm đáng quý của cán bộ và
nhân dân ở các địa phương. Chúng tôi đã diễn trích đoạn chèo cổ Thị Màu lên
chùa và bà con rất thích. Bà con nói đây là lần đầu tiên họ được coi chèo Bắc
trên sân khấu. Tấm lòng cởi mở, tình cảm nồng thắm của khán giả Phú Yên đối với
các nghệ sĩ Hải Dương - những người con xa - và phong cảnh nơi đây đã để lại
trong lòng chúng tôi nhiều tình cảm. Khi chúng tôi về huyện Đồng Xuân biểu
diễn, khán giả đến xem rất đông. Điều đặc biệt là không có người Bắc, chỉ có
người bản địa nhưng họ vẫn nồng nhiệt đón nhận chèo. Tâm nguyện của các nghệ sĩ Hải Dương là có dịp
quay về Phú Yên, để được biểu diễn phục vụ đồng bào nơi đây”.
LÂM VY (thực
hiện)