Thứ Năm, 23/01/2025 12:04 CH
Một di tích văn hóa - lịch sử bị “bỏ quên”
Thứ Năm, 24/02/2011 18:05 CH

Giữa lòng TP Tuy Hòa có một ngôi đình - lẫm còn lưu giữ chín sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng, là nơi ghi dấu nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm và thời kỳ bình dân học vụ. Thế nhưng, hằng ngày ngôi đình - lẫm này là địa điểm tập kết của hàng chục xe chở rác thủ công và có nguy cơ bị giải tỏa.

 

DINH-3110224.gif

Đình phường 4 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Đình phường 4 nằm trên đường Lương Văn Chánh. Theo Ban quản lý đình và những bậc cao niên trong vùng, ngôi đình - lẫm có tên chữ là “Bình Mỹ đình”, gồm 2 bộ phận chính là Bình Mỹ đình và Bình Mỹ lẫm được ghép từ địa danh hai thôn Bình Thản và Mỹ Lợi (thuộc huyện Tuy Hòa xưa). Theo di tích Hán tự còn lại, Bình Mỹ đình được xây dựng để thờ thành hoàng làng của hai thôn trên và do người dân trong vùng, chủ yếu làm nghề biển lập nên.

 

Niên đại xây dựng đình chưa được xác định cụ thể ở một tài liệu nào, tuy nhiên xét theo các sắc phong chỉ biết đình có từ trước năm 1851. Hiện nay, bên trong đình phường 4 còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá. Đáng kể nhất là chín sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng còn nguyên vẹn được ban vào các thời Tự Đức thứ 5 (1851), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1886), Duy Tân thứ 3 (1909) và năm Khải Định thứ 9 (1925). Các sắc phong đều được ban theo cặp, một cho thôn Bình Thản và một cho thôn Mỹ Lợi. Riêng năm Khải Định - 1925 chỉ có một tờ (có thể một tờ đã bị thất lạc). Các sắc phong được viết lối Chân thư Hán tự trên giấy sắc với nhiều kích cỡ khác nhau, có trang trí cảnh “Long - Vân” và chữ “Thọ” làm nền theo lối Triện thư, đều được ghi rõ ngày, tháng và đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo” của vua. Ngoài ra, đình còn có bộ “lân mẫu bế Lân nhi” bằng sa thạch có từ thế kỷ XIX, chiếc mõ bằng gỗ lim, bảy bài vị thần... Ông Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng Ban quản lý đình phường 4 cho biết: Bộ “lân mẫu bế Lân nhi” bằng đá có một cặp, nhưng đã bị kẻ gian lấy mất một đôi, đôi còn lại không dám để ngoài sân nên phải đặt bên trong đình. Đình phường 4 là một di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng của người dân địa phương. Nhưng hơn thế, nơi đây từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử trong và sau thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập ngành bình dân học vụ, lớp xóa mù chữ đầu tiên ở tỉnh Phú Yên được khai giảng tại đình phường 4 vào tối ngày 15/9/1945. Ngày 1/6/1946, người dân phường 4 lần đầu tiên cầm lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (khóa I) và sau đó là bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Trong khoảng thời gian này, các đợt tuyển quân tham gia kháng chiến đã được tổ chức tại đây. Hàng nghìn thanh niên đã lên đường từ ngôi đình này đi bảo vệ Tổ quốc.

 

Tại đình phường 4, hằng năm vào ngày 12 và 13 tháng tám âm lịch người dân trong vùng tổ chức lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an. Ngoài việc tổ chức đăng đàn cúng tế như nhiều đình làng khác, tại đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc riêng, có giá trị rất lớn về văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử. Thế nhưng, không nhiều người ở TP Tuy Hòa và cả tỉnh biết về bề dày lịch sử, văn hóa của đình phường 4. Nhìn từ bên ngoài, người đi đường chỉ thấy toàn những rác. Hàng chục xe chở rác thủ công được tập kết tại đây và mùi rác cũng theo đó mà lan ra cả khu vực xung quanh. Toàn bộ khuôn viên của đình đã bị lấn chiếm. Khu di tích giờ nằm giữa khu dân cư ồn ào với nước thải và rác sinh hoạt; không gian văn hóa, tín ngưỡng hoàn toàn bị phá vỡ. Sân lẫm thì trở thành nơi tập kết xe chở rác của phường. Ngay trước lẫm, dưới gốc cây bồ đề còn có một thùng rác lớn; trên hàng rào nhếch nhác quần áo của người dân phơi. Trên cổng vào của đình, thay vì tên di tích, người xem chỉ thấy tấm bảng lớn “Câu lạc bộ văn hóa khu phố 4”.

 

Trưởng Ban quản lý đình, ông Nguyễn Xuân Tiến nói, ngoài lễ hội hằng năm, đình chỉ được dùng để chứa xe rác, trống, kèn, cờ phướn dành cho tang ma và đầu lân của thanh niên trong phường. Khi ông Tiến lấy những sắc phong cho chúng tôi xem thì một lớp bụi mù bay tung khắp đình. Các sắc phong không hề có hộp bảo quản. Ông Tiến cho biết, số tiền người dân đóng góp chỉ đủ dùng để tổ chức cúng tế hàng năm, không đủ để sửa sang, trùng tu ngôi đình hay bảo quản những giá trị sẽ còn được lưu giữ lâu đời như những bản sắc phong.

 

Ông Lê Thế Vịnh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa - Thể thao- Du lịch tỉnh Phú Yên) nói: “Đình phường 4 thừa tiêu chí để được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh. Nhưng phần lớn diện tích ngôi đình - lẫm nằm trong khu vực cần giải tỏa để mở rộng tuyến đường Lương Văn Chánh. Nếu tuyến đường được thi công, di tích này sẽ bị xóa sổ. Nếu được công nhận rồi mà bị xóa sổ thì không còn ý nghĩa. Nhiều ý kiến tâm huyết đề nghị thay đổi thiết kế tuyến đường nhưng tỉnh và TP Tuy Hòa vẫn chưa có quyết định chính thức”.

 

Qua nhiều năm, ngôi đình cũng không được cấp kinh phí tôn tạo hay bảo quản những giá trị vốn có, trong đó có những bản sắc phong. Tỉnh Phú Yên đang đăng cai sự kiện Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, nhiều chương trình, dự án về lịch sử, văn hóa đang được tôn tạo, nâng cao giá trị. Lẽ nào đình phường 4 lại bị “bỏ quên”?        

                                              

LY KHA -  (TTXVN)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek