Thứ Năm, 23/01/2025 16:27 CH
Hồ kiểng - người đóng nhiều vai phụ nhất:
Tóc giả, răng giả, tim giả…và tình thật
Thứ Ba, 22/02/2011 13:00 CH

Với việc xuất hiện ở hơn 500 vai diễn, Kỷ lục guinness Việt Nam đã ghi nhận ông là người đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Ông già tuổi 85 này còn đóng nhiều “vai” khác trong nghệ thuật, trong đó có vai “nhạc sĩ” với hơn 200 bài vọng cổ, vai “nhà thơ” từ năm 25 tuổi... Và cho đến nay, dù toàn thân, đến cả quả tim cũng phải xài “hàng giả”, nhưng cái tình của ông với nghệ thuật, với cuộc đời vẫn chứa chan...

 

ong-Kieng110222.gif
Ông Hồ Kiểng - Ảnh: H.NHÂN

 

Già dê, bợm nhậu, ăn mày… là những vai NSƯT Hồ Kiểng thường hóa thân vào. Nhưng ông già Hồ Kiểng còn có một tâm hồn thơ mà ít “khán giả” được chiêm ngưỡng. Nhiều người nói ở Sài Gòn có 2 ông nghệ sĩ đa tài, diễn được rất nhiều vai, cùng chịu cảnh đời cơ cực và cùng bị chữ nghĩa ám như nhau. Một ông mang danh “nhà văn trẻ” tên Mạc Can. Giờ ông Mạc Can đang ở bên Mỹ hay lang bạt chốn nào không ai “kiểm chứng” được. Ông còn lại già tuổi đời hơn, đang sống trong một căn nhà lụp xụp trên đường Cao Thắng (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Ông Mạc Can viết văn, còn ông già này làm thơ với bút danh Hồ Kiểng.

 

Già Hồ Kiểng sinh năm 1926 tại Bến Tre, xuân Tân Mão này tròn 85 tuổi. Nói đến Hồ Kiểng, khán giả xem kịch sân khấu, phim truyền hình hẳn biết ngay đến ông già chuyên đóng các vai phụ thuộc “hàng độc”. Năm 1992, ông được bình chọn là người đóng nhiều vai phụ nhất, cả vai chính diện lẫn vai phản diện. Năm 2005, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận ông là người đóng vai phụ nhiều nhất Việt Nam.

 

KỶ LỤC

 

Kỷ lục của Hồ Kiểng có thể đếm được bằng những con số chứng minh bằng một đời lao động không mệt mỏi, như: đã tham gia 206 bộ phim, 48 vở kịch nói, 304 kịch truyền thanh, 12 vở cải lương, lồng tiếng thú vật cho 16 phim múa rối. Hồ Kiểng còn là một họa sĩ phim hoạt hình, ông đã vẽ 6 phim hoạt hình cho thiếu nhi. Ông còn sáng tác khoảng 200 bài vọng cổ để đi chạy show “góp vui” cho các sân khấu, đám tiệc. Với một cuộc đời trải qua chừng ấy thời gian, làm được chừng đó công việc quả là đáng nể.

 

Đáng nể hơn, có những con số liên quan đến Hồ Kiểng cũng cần liệt kê ra đây. Ít người biết được rằng, lão nghệ sĩ này có tuổi Đảng hơn 60 năm. Ông từng đi bộ đội tại miền Nam trước khi tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 29 tuổi, Hồ Kiểng mới đi học diễn viên ở Hà Nội. Năm 1962, ông đóng bộ phim đầu tiên là Lửa trung tuyến của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Với những đóng góp vào thời kỳ đầu của điện ảnh Việt Nam, có thể nói Hồ Kiểng là lớp diễn viên tham gia xây dựng nền móng cho ngành nghệ thuật thứ Bảy này tại Việt Nam.

 

Nhưng chưa hết, trong quá trình cống hiến cho nghệ thuật thứ Bảy, ông suýt chết ba lần theo đúng nghĩa đen của từ “chết”. Lần thứ nhất khi ông vào vai đồn trưởng trong phim Rừng xà nu quay ở Cao Bằng thời chiến tranh chống Mỹ. Ông cưỡi ngựa bị ngựa quăng gãy xương sống nằm điều trị từ bệnh viện Cao Bằng đến Bạch Mai - Hà Nội hơn một năm mới khỏi, tưởng đã thành người tàn phế. Lần thứ hai ông bị rắn cắn khi vào vai bắt rắn độc trong phim Đêm săn tiền quay ở Biên Hòa. Nọc độc của rắn đã khiến Hồ Kiểng chết lâm sàng 3 ngày trong Bệnh viện Sài Gòn. Gia đình ông lúc đó đã xin bệnh viện mang ông về lo hậu sự. Cũng may, bác sĩ bệnh viện Sài Gòn cứu sống ông. Lần thứ ba đóng phim Cảnh sát hình sự, ông bị bạn diễn xô mạnh tay nên đập đầu tụ máu ở hộp sọ phải mổ. Lần này, ông mổ mà không phải gây mê, vì gây mê ảnh hưởng đến trí nhớ sẽ không thể đóng phim được nữa.

 

Tôi là học sĩ diễn viên phim

Lành dữ đủ vai cổ chí kim

Rắn cắn, ngựa quăng, người bất tử

Danh chưa được nổi cũng chưa chìm

 

Tôi là người nặng nghiệp yêu thơ

Từ thuở đôi mươi viết đến giờ

Cũng có những bài nghe được được

Tất nhiên chưa nổi mới lờ đờ

 

Tôi người yêu kịch, kịch là nghề

Diễn cũng có lần khán giả chê

Mấy chục năm trời vai lớn nhỏ

Bằng khen đồng nát thấy đam mê

 

Tôi người cầm bút viết bài ca

Nhiều điệu cải lương tạm gọi là

Cũng phát trên đài nghe lõm bõm

Tiếng như chuông bể đánh từ xa

Tiền nhân người đã dạy dân mình

Nhứt nghệ tinh thân mới hiển vinh

Nghề ngỗng tôi gieo nhiều mộng quá

Cho nên cuộc sống cứ lình bình

   (Trích Tôi là nghệ sĩ của Hồ Kiểng)

 

TOÀN THÂN XÀI “ĐỒ GIẢ” NHƯNG SỐNG THẬT

 

Đến nay, toàn thân Hồ Kiểng gần như xài “đồ giả” - đây được xem như một “kỷ lục vui” của bản thân ông. Cụ thể, hàm răng của ông là răng giả, tất nhiên vì tuổi cao phải xài răng giả. Do đầu hói từ lâu nên Hồ Kiểng thường dùng tóc giả. Các đốt sống lưng của ông, có đốt bằng kim loại - cũng giả tuốt. Trong một lần bị trụy tim khi đang diễn, ông phải mổ tim và dùng máy trợ tim - quả tim cũng giả chỉ đập 41 lần/phút. Tuy người xài nhiều đồ giả như thế, nhưng Hồ Kiểng sống rất thật - thật trong nghệ thuật và thật cả trong đời.

 

Có một con số “kỷ lục nho nhỏ” nữa mà mỗi khi nhắc đến ông không khỏi ngậm ngùi. Ấy là Hồ Kiểng đã ba lần bị… vợ bỏ. Hỏi có phải vì số ông đào hoa quá không mà các bà vợ không chịu nổi phải chia tay? Ông chân thành nói: “Gia đình không yên ấm là lỗi tại tôi. Tôi ham nghệ thuật quá, có năm đi đóng phim liền một lèo nửa năm trời mới về nhà thì bà vợ nào chịu nổi. Số tôi không hợp với gia đình”. Trong ba lần cưới vợ, ông sinh được 4 người con, chết 2 người còn 2. Giờ cả 2 người con ông đều có gia đình riêng và ông sống một mình như thuở nào.

 

Năm 1997, Hồ Kiểng được phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2006, Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh bình chọn ông là 1 trong 5 nghệ sĩ đạt chuẩn NSND. Thế nhưng đến nay, Hồ Kiểng vẫn chỉ “ưu tú”. Hỏi ông sao không làm đơn xin NSND? Ông thẳng thắn: “Ngày xưa, tôi làm đơn xin đi bộ đội vì tôi thấy mình cần cống hiến cho Tổ quốc. Giờ làm đơn xin NSND thì tôi chỉ được lợi cho riêng mình. Nếu Nhà nước thấy tôi xứng đáng NSND thì cứ phong tặng, bảo làm đơn tôi mắc cỡ lắm”.

 

NSƯT Hồ Kiểng ở tuổi 85 hiện sống trong “cái gọi là nhà” - thực ra là nhà chứa máy phát điện cũ, rộng chừng 15m2, của khu chung cư cũ kỹ thuộc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Hồ Kiểng nhận sổ hưu ở Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Số tiền lương hưu này so với vật giá tại TP Hồ Chí Minh không biết ông phải sống thế nào trong tuổi già bệnh tật. Hồ Kiểng cho biết, ông không hút thuốc, uống rượu dù hay diễn các vai bợm nhậu cũng vì để tiết kiệm.

 

ĐEO KÍNH LÃO, LÀM THƠ TÌNH RẤT MƯỚT

 

Sau những giờ đi diễn, Hồ Kiểng đối diện với chính mình và trải lòng bằng những vần thơ. Đọc thơ tình của ông, khó có thể nghĩ một “cây hài” như ông lại có thể làm thơ tình mướt đến vậy.

 

Chẳng hạn như bài Chưa trọn cuộc tình, ông viết về cảnh chồng vợ chia lìa, có lẽ ông viết tặng một trong các bà vợ hoặc là cho chính ông: Tạo hóa trớ trêu vẽ cuộc tình/ Cả đời chưa trọn nợ ba sinh/ Vợ chồng bao lượt đi rồi đến/ Rốt cuộc phòng đơn lẻ một mình.

 

Hồ Kiểng cho biết ông làm thơ khoảng 25 tuổi, từ trước khi đến với điện ảnh, sân khấu. Thơ như “tiếng lòng” của ông nói với chính ông về những dằn vặt nội tâm. Việc Hồ Kiểng đeo kính không tròng, ông cũng làm thơ tự bạch theo một hướng khác với nghĩa thực của việc này: Hồ Kiểng đeo kiếng không tròng/ Nhưng anh vẫn thấy ngoài trong cuộc đời/ Dù rằng bè bạn trêu cười/ Kiếng còn nhìn thấu dạ người trắng đen. Sự thực thì, vào các vai người già Hồ Kiểng thường đeo kính không tròng là vì ông diễn bằng mắt, nếu đeo kính có tròng sẽ bị ánh đèn sân khấu làm chói lóa khiến việc diễn bằng mắt không đạt. Việc đeo kính không tròng đơn giản vậy nhưng khi được chính ông “thi hóa” thì câu chữ đã đẩy ý nghĩa đi xa hơn, bay hơn và cũng chất chứa nhiều tâm sự hơn.

 

Đến nay, Hồ Kiểng có 3 tập bản thảo nếu chọn lọc lại có thể in thành một tập thơ đầy đặn. Nhưng ông bảo không có tiền để thực hiện công việc “xa xỉ” này. 3 tập bản thảo được ông cất rất kỹ trong cái tủ sắt cũ và khóa cẩn thận. Có lẽ, 3 tập thơ là tài sản được Hồ Kiểng quý giá nhất vì trong căn nhà của ông cũng không có vật gì quý đáng để cho vào tủ sắt khóa lại cả.

 

Sự nghiệp thơ ca của Hồ Kiểng có thể được tính bằng rất nhiều giải thưởng có giấy khen hẳn hoi của các câu lạc bộ phường, quận. Với nhiều bậc cao niên làm thơ như một thú vui hưởng nhàn thì các giấy khen đó rất có ý nghĩa. Riêng Hồ Kiểng thì khác, ông làm thơ như thể để “tự trào” hay “an ủi” chính mình sau những vui buồn.

 

Hồ Kiểng làm thơ bắt đầu từ những lời ru của mẹ. Ông bảo mẹ ông hát ru rất hay nên thơ ca đã thấm vào ông từ nhỏ. Ông viết về mẹ mình: Mẹ đem một nắng hai sương/ Đem ra chợ đổi làm đường con đi.

 

Đường Hồ Kiểng đi là do ông chọn sau con đường thuở thiếu thời do mẹ sắp đặt. Đường ông đi qua nghệ thuật được bộc bạch qua thơ: Nghệ thuật nuôi cuộc đời/ Bầu trời thay nhà ở/ Trần gian chưa hết nợ/ Ngang trái hóa sân chơi. Và đi qua cuộc đời như một quan niệm sống: Bạc tiền quăng đáy giếng/ Của cải liệng lưng trời/ Con chim nào cất tiếng/ Gieo hồn thơ trong tôi. Để rồi ông đúc kết đời mình: Mẹ sinh tay trắng thuở lọt lòng/ Lớn làm cách mạng trắng tay không/ Hòa bình vui với đôi tay trắng/ Hết kiếp xuống mồ trắng tay không.

 

HOÀNG NHÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek