Gỗ lũa (hay còn gọi là rễ khô tạo dáng, kiểng khô, rễ lũa…) là một bộ môn trong nghệ thuật sinh vật cảnh. Ở Phú Yên, thú chơi gỗ lũa hình thành đã lâu và nhiều tác phẩm đã tham gia các hội hoa xuân truyền thống của tỉnh, các festival Sinh vật cảnh trong nước, được đông đảo người xem đánh giá cao.
Gian trưng bày gỗ lũa ở Hội hoa xuân.
Nghệ thuật gỗ lũa khác với sự tạo hình của trường phái điêu khắc vì yêu cầu vẻ đẹp sẵn có của cây, gốc, rễ và tạo ra đường nét hài hòa, đồng thời phải giữ nguyên dáng vẻ hình thể của tác phẩm. Người tạo ra tác phẩm không được can thiệp nhiều làm mất đi dáng vẻ ấy; trước hết nhìn tổng thể tác phẩm rồi cắt bỏ đoạn thừa của nhánh rễ; tiếp tục phác thảo chủ đề được chọn rồi tỉa gọt, tách vỏ, chà nhám, phủ dầu bóng… Ngoài đôi bàn tay nhuần nhuyễn, người tạo ra tác phẩm còn phải có sự nhạy cảm nghệ thuật, tạo nên tác phẩm sinh động.
Tất cả những tác phẩm rễ khô tạo dáng này luôn bật lên nét tinh xảo điêu luyện từ đường cong thớ gỗ, sắc màu của lõi, vân của cây và hình tượng trong thiên nhiên, dễ làm người xem nhận biết ngay chủ đề mà tác giả đã chọn.
Gọi bầy của Đinh Văn Thắng.
Tìm mồi của Lê Viên.
Vũ điệu chào Xuân của Lê Cao Trọng Đức.
HUỲNH THẠCH THẢO