Thứ Tư, 02/10/2024 23:24 CH
Nguyên Hồ - cây bút ca dao của Phú Yên thời kháng chiến 9 năm
Chủ Nhật, 03/09/2006 08:14 SA

Ở tuổi 79, ông vẫn mê mải viết. Ông viết bằng những trải nghiệm của người từng đi qua hai cuộc chiến, bằng ký ức của những ngày mùa thu lịch sử, hàng triệu người dân Việt “rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Tuy ông sáng tác khá nhiều thơ, ca dao, truyện thơ, diễn ca, nhưng nhắc đến ông là người ta nhớ đến những câu ca dao. Người mà nhà thơ Chế Lan Viên ca tụng “cây bút ca dao lão luyện thời 9 năm kháng chiến chống Pháp” chính là Nguyên Hồ, nhà thơ, “nhà” ca dao của Phú Yên.

 

CUỘC HỘI NGỘ GIỮA CÁCH MẠNG VÀ NHÀ THƠ

 

Năm tháng đi qua, với một số người những kỉ niệm đã trở thành ký ức, nhưng với nhà thơ Nguyên Hồ, kỷ niệm như vẫn hiện hữu quanh mình. Nhất là khi cả nước rộn ràng tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hồi ức về những tháng năm tươi đẹp, hào hùng của tuổi trẻ như ùa về với ông.

 

060903-pa.jpg

Nhà thơ Nguyên Hồ (giữa) – Ảnh: ĐOÀN PHÁP

 

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông chỉ mới 16 tuổi, đang học nghề thợ mộc. Nhưng sống trong không khí hàng triệu người dân Việt “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” ấy, người ta không thể đứng ngoài cuộc. Vì thế, ông đã không theo nghề thợ mộc mà trở thành giáo viên bình dân học vụ dạy chữ quốc ngữ cho bà con trong thôn Phú Lộc, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà của mình một năm sau đó. Lúc ấy, không có bài vở soạn sẵn, vì thế ông sáng tác ca dao để đọc cho bà con viết chính tả. Sự nghiêïp sáng tác của ông bắt đầu từ sự ngẫu nhiên ấy.

 

Cuộc kháng chiến đã tạo nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca và nó ùa vào trong thơ với những cảm xúc mới mẻ, bề bộn, nguyên sơ nhất. Người ta viết say mê, hồ hởi mà không cần biết những điều mình viết ra có phải là thơ không. Lúc ấy, ca dao là thể loại được đón nhận nồng nhiệt nhất, vì nó dễ thuộc, dễ nhớ và gần gũi với người lao động. Ông cười: “Chúng tôi làm văn nghệ rất “hăng” mà không hề đòi hỏi nhuận bút, thù lao. Phần thưởng lớn nhất ngày ấy là sự tán thưởng, hoan nghênh, hưởng ứng của quần chúng nhân dân đối với tác phẩm của mình”.

 

Nguyên Hồ tên thật là Hồ Công Hãn. Ngoài bút danh Nguyên Hồ, ông còn có các bút danh khác như Yên Hoà, Uyên Hồng. Ông từng là Đội trưởng Đội văn công tỉnh Phú Yên, Phó Chủ nhiệm Nhà xuất bản Phổ Thông, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Khánh.

 

Những tác phẩm chính: Áo rách tim vàng (truyện thơ, 1956), Nhắn nhủ đôi lời (tập ca dao, 1958), Cô gái Phú Yên (truyện thơ, 1963), Dân quân làng Triều (truyện thơ, 1965), Bài ca dâng Đảng (diễn ca 1970), Ngọc càng mài càng sáng (diễn ca 1970), Bài ca bốn ngàn năm lịch sử Việt Nam (sử ca, 1970), Cu Tý gặp Long Vương (truyện thơ, 1994).

Mặc dù sau này sáng tác khá nhiều thơ, ca dao, truyện thơ, diễn ca, nhưng nhắc đến nhà thơ Nguyên Hồ người ta nhớ đến những câu ca dao hồi 9 năm kháng chiến. Có những câu ca dao đi vào đời sống của người dân mà sau này ít người biết đến tác giả của nó: “Lẻ loi như cụm núi Sầm/ Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan/ Từ ngày giặc Mỹ kéo sang/ Núi Sầm lửa dậy, Ô Loan sóng trào”. Ca dao của ông là hiện thực cuộc sống, là tâm tư tình cảm, lời ăn tiếng nói mộc mạc của người dân lao động. Ở đó có những lời lẽ, ý tứ pha chút khôi hài, dí dỏm giúp cho người dân quên đi những mệt nhọc trong lao động: “Thằng Tây phá máng phá lù/ Nước sông rút xuống căm thù trào lên”  hay “Chặt cọc mà móc đèn lên/ Để chi phải tốn một em cầm đèn…”

 

Ngày ấy, tài sáng tác ca dao ứng khẩu tại chỗ của ông được nhiều người biết đến. Có những câu ca dao được người ta thuộc rồi truyền miệng nhau mà không cần phải viết ra giấy. Ông không chỉ sáng tác ca dao tuyên truyền về sản xuất, về chủ trương, chính sách kháng chiến, mà tham gia vẽ tranh, hát bài chòi, biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con trong lúc họ đắp đập, làm lại hồ để dẫn nước về đồng cứu lúa, khắc phục hậu quả chiến tranh. Ban ngày phải ẩn tránh trong xóm, ban đêm người dân đổ ra công trường làm việc  thắp đuốc sáng rực. Ông bảo, thời ấy gian khổ nhưng vui, vì cả dân tộc đồng lòng chung sức bảo vệ quê hương trước bom đạn của kẻ thù. 

 

Tuổi trẻ hăng say, nhiệt tình và không khí cách mạng sục sôi ngày ấy đã tạo ra chất men để Nguyên Hồ sáng tác thơ ca. Ông được xem là cây bút ca dao số một trong kháng chiến và đóng góp tích cực cho thơ ca Phú Yên lúc bấy giờ. Ông là một trong những người đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực sáng tác của Phú Yên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam  vào tháng 9-1963.

 

“CÀNG GIÀ CÀNG THẤY NHỚ QUÊ”

 

Nhà của ông, một căn nhà nhỏ khiêm tốn nằm trong hẻm phố Đông Cát, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Đồ đạc trong nhà bài trí đơn sơ, giản dị. Gặp đoàn nhà báo Phú Yên ra thăm, đôi mắt ông ngời lên những niềm vui hạnh phúc. Hà Nội những ngày đầu thu trời lất phất mưa. Bên tách trà nóng câu chuyện về quê nhà như gần gụi hơn. Ánh mắt xa xăm, giọng nói ông như chừng nghẹn lại: “Vì điều kiện gia đình mà tôi phải sống xa quê. Quê hương thì nhớ lắm, nhất là khi nhớ lại quãng thời gian thơ ấu cho đến 9 năm kháng chiến. Có nhiều thứ không thể quên được. Càng về già lại càng thấy nhớ quê”.

 

Năm 1961, khi công tác ở Nhà xuất bản Phổ thông, ông đã muốn viết điều gì đó về Phú Yên. Có dịp đi thăm Hải Dương (tỉnh kết nghĩa với Phú Yên) ông đã viết tác phẩm “Cô gái Phú Yên”. Trong tập truyện thơ này, ông tái hiện những sự kiện ở Phú Yên trong thời gian khởi nghĩa cho đến ngày tập kết. Lần ấy, tác phẩm của ông được Nhà xuất bản Phổ thông in hơn một vạn quyển. Đó là một kỉ niệm, một minh chứng cho thấy tuy xa quê nhưng ông vẫn luôn dành tình cảm cho quê nhà.

 

Ông bảo: Tết nào ở đây cũng họp Hội đồng hương Phú Yên. Theo dõi tin tức biết được Phú Yên đang từng ngày đổi mới, chúng tôi rất vui và càng vui hơn khi thấy nhiều cây bút trẻ của tỉnh nhà viết tốt. Thời chúng tôi, ít người hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng bây giờ thì đã qui tụ được khá nhiều gương mặt. Tiếc rằng, tôi đã già không đi được nhiều, không viết được nhiều. Mình là người đi trước nhưng đã tụt dần, không theo kịp anh em trẻ nữa. Bản thân cũng không đóng góp được nhiều như trước đây. Nhưng tôi tin đội ngũ viết trẻ của Phú Yên sẽ làm tốt điều này. Vì họ còn trẻ, học hành đến nơi đến chốn, có nhiều điều kiện tốt hơn mình ngày xưa rất nhiều.

 

NGỌC DUNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek