Thứ Năm, 03/10/2024 01:14 SA
Nhân chuyện nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết “Tiểu Long Nữ”:
Đã đến lúc cần đánh giá lại tiểu thuyết bình dân
Thứ Tư, 30/08/2006 08:21 SA

Thị trường sách bỗng dưng nóng lên, không phải vì sự có mặt của những cuốn sách lừng danh toàn cầu như “Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman hay “Chuyện dài bất tận” của Michael Ende, mà do nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tung ra “Tiểu Long Nữ” thuộc thể loại tiểu thuyết bình dân. Xung quanh sự kiện này có gì đáng nói chăng?

 

060830-Tieu-long-nu.jpgLấy tình tiết từ vụ án có liên quan đến một thiếu nữ trẻ gần đây, tiểu thuyết “Tiểu Long Nữ” được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết theo đơn đặt hàng. Theo bộc bạch của tác giả thì chỉ bỏ ra khoảng 15 ngày đã hoàn thành cuốn sách. Nổi tiếng với những truyện ngắn góc cạnh vào thời đổi mới như “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”…và đến tận hôm nay tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn “ăn khách” trong làng văn chương nước ta. Nếu trái mít gọt hết gai đi, vẫn không thể là trái bưởi. Phong cách Nguyễn Huy Thiệp rất rõ trên từng tác phẩm. Ngay cả khi trang viết của Nguyễn Huy Thiệp đã chuyển thể sang ngôn ngữ điện ảnh như “Thương nhớ đồng quê” hay “Những người thợ xẻ” thì chất dữ dội và khốc liệt luôn vướng víu người ta.

 

Trước đây, Nguyễn Huy Thiệp đã cho in tiểu thuyết “Tuổi hai mươi yêu dấu” nhưng chưa thành công lắm. Cái tựa “Tuổi hai mươi yêu dấu” rất bình thường, đã gián tiếp nhấn chìm nỗ lực tăng trọng lượng trang viết của Nguyễn Huy Thiệp. Lần này, cái tựa “Tiểu Long Nữ” cũng không hay, có vẻ như bắt chước nhân vật trong “Thần điêu hiệp lữ” nức danh truyện chưởng Kim Dung. Thế nhưng, gạt bỏ tiểu tiết ấy đi thì tròm trèm 200 trang tiểu thuyết “Tiểu Long Nữ” không phải không đáng bàn luận. Chính nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng “dễ viết và dễ đọc” thì đánh giá “Tiểu Long Nữ” chỉ đành trông chờ vào sự cảm thụ riêng từng độc giả. Vượt lên trên hết phải nhắc đến tính chân thành và mạnh dạn của một nhà văn đã có chỗ đứng như Nguyễn Huy Thiệp.

 

Tự nhận đang viết “tiểu thuyết ba xu”, tự nhận đang bông phèng với “thương hiệu” mình dày công gầy dựng, bản lĩnh ấy của Nguyễn Huy Thiệp không phải nhà văn nào cũng  dám làm. Không chút đắn đo, ông ngửa bài sòng phẳng: “Tôi nghĩ nhà văn nên có một chút tỉnh táo, biết dung hòa giữa cái độc giả cần và cái mình cần. “Tiểu thuyết ba xu” thì có gì là xấu? Tôi không muốn khoác cho văn chương nhiều sứ mệnh quá nặng nề, hoặc nhìn nó dưới góc độ kinh viện, sách vở…Trong đời nhà văn, không phải hễ viết ra cái gì cũng được in, và cũng được nhất loạt ngợi khen. Và không phải ai cũng có sức bền, sức dẻo mãi được. Vì thế, không phải lúc nào cũng viết được mãi một thứ nghiêm túc!”. Ý kiến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đáng để suy nghĩ, bởi lâu nay, hình như do sinh ra và lớn lên trên truyền thống trọng nho sĩ, nên có nhiều người cầm bút cứ tưởng dăm câu ba chữ viết ra là có thể dời non lấp bể hay vần xoay thế cuộc. Văn chương có loại bác học thì cũng phải có loại bình dân chứ. Tại sao chúng ta không đứng về phía quyền lợi người đọc để suy xét thấu đáo.

 

Nhân việc xuất bản tiểu thuyết “Tiểu Long Nữ” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, thử quay lại với câu hỏi tiểu thuyết bình dân có tội tình gì không? Xin thưa, hoàn toàn không. Người này có dạ dày khỏe mạnh, tiêu hóa được thịt mỡ, cá tươi thì cũng không có quyền rẻ rúng người kia chỉ có thể ăn rau muống, dưa cà. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đủ chỗ cho tất cả mọi giác quan thẩm mỹ. Những tiểu thuyết đầu tiên của nước ta như “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách viết năm 1922 tại Hà Nội hay “Ân oán vì tình” của Phạm Minh Kiên do Nhà xuất bản Xưa Nay ấn hành tại Sài Gòn năm 1925 đều được công nhận một cách khách quan. Tại sao chúng ta không nghiêm túc đánh giá sự góp mặt đàng hoàng của tiểu thuyết bình dân? Và đến bao giờ, bộ “Từ điển văn học” trang trọng, sẽ nhắc đến tiểu thuyết bình dân ngang vai phải vế với các loại tiểu thuyết khác như: Tiểu thuyết chí quái, tiểu thuyết anh hùng ca, tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết truyền kỳ?

 

TUY HÒA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek