Hàn Mặc Tử, nhà thơ nổi tiếng của Việt
70 năm - gần ba phần tư thế kỷ với biết bao thăng trầm, biết bao mùa trăng đã đi qua. Những ngày này, mưa gió vần vũ, hoành hành ở miền Trung trong đó có Quy Nhơn - nơi Hàn Mặc Tử yên nghỉ. Mưa không làm ngập được đồi Ghềnh Ráng thơ mộng nhưng mưa tầm tã làm trời đất và cả trăng sao đều mờ mịt. Có chút gì đó thật xót xa khi nhớ tới những câu thơ Hàn Mặc Tử viết cách một năm trước khi ông qua đời:
“Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm”
Hàn Mặc Tử sinh ra cùng với trăng và đã ra đi cùng với trăng. 70 năm qua, thơ của ông đã tiếp nối sự sống cho người tạo nó. Sự nổi tiếng của Hàn Mặc Tử, nhất là từ sau khi ông chết, không phải chỉ do chứng bệnh phong hay do những giai thoại đồn đãi, thêu dệt mà chính bởi sự độc đáo trong tư duy thơ của Hàn Mặc Tử. Trong vòng 10 năm cầm bút, Hàn Mặc Tử đã đi rất nhanh từ cổ điển sang lãng mạn rồi sang tượng trưng; từ hiện thực chuyển nhanh sang siêu thực. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử vì vậy cũng không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác. Trăng vừa như niềm khát khao thánh thiện (Chỉ có trăng sao là bất diệt) vừa như nỗi đau quằn quại, ứa máu (Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa/Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô/Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy…) vừa là sự chiêm nghiệm, đối chiếu với cuộc đời bằng một tư duy rất kỳ cục (Đêm qua trăng vướng trên cành trúc/ Cô láng giềng bên đã chết rồi)…
Trăng không chỉ soi chiếu, ám ảnh thơ Hàn Mặc Tử mà cả tập thơ văn xuôi duy nhất của ông cũng có tên Chơi giữa mùa trăng. Thơ Hàn Mặc Tử không chỉ có “sông trăng”, “thuyền trăng”, “trăng nằm”, “trăng đầu hạ”, “trăng thơm”, “trăng mờ” “trăng tự tử” …; mà còn có ăn trăng, uống trăng, say trăng, rượt trăng… thậm chí bán cả trăng:
“…Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò…
…Áo ta rách rưới trời không vá
Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng…
… Nước hóa thành trăng, trăng ra nước,
Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm
Người trăng ăn vận toàn trăng cả …
… Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột…”
Nhiều người cho rằng do bị bệnh phong nên Hàn Mặc Tử nhạy cảm với trăng, với ánh sáng của trăng; nhưng thưa không - vì ngay khi còn rất trẻ, khi mới bắt đầu con đường thơ với những thi phẩm cổ điển, niêm luật đăng đối chặt chẽ, trăng đã soi chiếu rất gợi cảm, ma mị trong thơ Hàn Mặc Tử:
“…Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn…”
“…Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt
Khép phòng đốt nến, nến rơi châu…”
Đây không phải là sự nhân hóa hay thủ thuật lạ hóa hiện thực của nhà thơ, trăng lưu trú trong thơ Hàn Mặc Tử tự nhiên như bản năng, trăng như đối tượng để khám phá, sáng tạo không ngừng nghỉ. Biểu tượng trăng trong thơ Hàn vì vậy rất đa nghĩa, nhiều màu sắc, đẹp lung linh, quyến rũ cho đến hôm nay. Bài Đây thôn Vỹ Dạ là một trong những tác phẩm được nhiều người yêu thích nhất. Trăng xuất hiện ở khổ giữa:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
“Sông trăng” với “thuyền chở trăng” là điều ai cũng hiểu nhưng chữ “kịp” đầy khắc khoải đặt trong câu nghi vấn cùng với thời gian xác định (tối nay) đã khiến cho ý thơ trào dâng nỗi niềm bi thương, trắc ẩn. Có kịp không? Trăng có về kịp không? Trên đường đời ngắn ngủi, yêu thương không đủ để bù đắp, chia sẻ; Hàn Mặc Tử vẫn chỉ là một “khách đường xa” đang tìm kiếm “cái phi thường, cái ước mơ” hay ông cũng chính là trăng sao bất diệt: gần mà xa, thực mà mộng?
Chế Lan Viên đã từng nhận định rằng: “Trước không có ai, sau không có ai. Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi quét qua bầu trời Việt
Hôm nay, tìm trăng không thấy trăng đâu nhưng 70 năm qua hay xa hơn nữa trăng đã tràn đầy, lai láng chảy trong thơ Hàn Mặc Tử.
Thắp một nén tâm hương thành kính dâng lên người thi sĩ tài hoa bạc mệnh của miền Trung, của Việt
NGUYỄN THỊ THU TRANG