Thứ Hai, 03/02/2025 11:45 SA
Ngày sân khấu Việt Nam (12 tháng tám âm lịch):
Tự hào sân khấu Việt
Chủ Nhật, 19/09/2010 07:17 SA

Kể từ năm 2010, ngày 12 tháng tám âm lịch hằng năm được chọn là Ngày Sân khấu Việt Nam, nhằm tôn vinh nền sân khấu và đội ngũ nghệ sĩ sân khấu nước nhà.

 

to-san-khau-2100919.jpg

Biểu diễn tuồng trong một lần giổ Tổ Sân khấu tại Phú Yên: Ảnh: K.CHI

 

Sáng 18/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ công bố Ngày Sân khấu Việt Nam lần đầu tiên tại Hà Nội. Đông đảo các thế hệ nghệ sĩ sân khấu lão thành khu vực phía Bắc cùng đại diện các nhà hát, các sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tới dự buổi lễ, dâng hương tôn vinh, tưởng nhớ tổ nghề sân khấu nước nhà. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tới dự, thay mặt Đảng, Nhà nước tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

 

TÔN VINH SÂN KHẤU VIỆT NAM

 

Tại Phú Yên, tối nay (19/9, tức 12 tháng tám âm lịch), tại Trung tâm Giải trí và sinh thái Thuận Thảo, chương trình Ngày Sân khấu Việt Nam sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú. Lễ tế sẽ diễn ra long trọng với các nghi thức truyền thống: văn tế, dâng hương, trống tế. Phần hội sẽ diễn ra với nhiều tiết mục tiêu biểu như: trích đoạn tuồng Mã Phụng Triều cứu nước (tác giả Nguyễn Phụng Kỳ), cải lương (ca cổ) Hướng về Thăng Long - Hà Nội, Khúc hát quê hương, Mừng ngày giỗ Tổ  và kết thúc sẽ là hội bài chòi.

Phát biểu tại buổi lễ, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh: Trong những thành tựu đóng góp chung cho chiến công, sự phát triển của đất nước và dân tộc qua các thời kỳ, sân khấu dân tộc và cách mạng luôn có vị trí đáng trân trọng. Các nghệ nhân dân gian trước đây đã làm nên nghệ thuật sân khấu dân tộc từ chính cuộc sống đời thường nơi thôn dã, để lại di sản nghệ thuật vô giá trong các tích chèo cổ, tuồng cổ, rối nước, làn điệu dân ca mượt mà, những trò khéo của xiếc... Trong thời kỳ phong kiến, những người làm nghề sân khấu không được đón nhận và bị coi thường nhưng một bộ phận nghệ sĩ không vì điều đó mà từ bỏ niềm đam mê, quả cảm, hy sinh giữ nghiệp cầm ca như giữ ngọn lửa nồng ấm trong tiếng đàn, câu hát, điệu múa cho con cháu muôn đời... Các hình thức sân khấu truyền thống được gìn giữ từ xa xưa nay đã hòa vào dòng chảy đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập, giao lưu quốc tế. Sân khấu luôn phát triển có định hướng, hướng tới đông đảo nhân dân lao động đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về truyền thống văn hóa nghệ thuật của Việt Nam... Một số năm gần đây, bên cạnh những thành tựu, sân khấu gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà coi đó là thử thách cần vượt qua để tạo cơ sở cho sự đổi mới toàn diện, tạo hiệu quả thực sự, khẳng định một diện mạo mới của sân khấu Việt Nam...

 

Sự công nhận Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch hàng năm) của Đảng và Nhà nước giúp ngành Sân khấu nước nhà có một ngày lễ chính thức để tôn vinh; đồng thời tạo niềm tin, lòng tự hào của người nghệ sĩ sân khấu, tạo cơ sở cho sự gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của sân khấu Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới...

 

to-san-khau100919.jpg

Biểu diễn tuồng trong một lần Giỗ Tổ Sân khấu tại Phú Yên  - Ảnh: K.CHI

 

PHÚ YÊN TỰ HÀO VỚI NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU

 

Ông Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu (Hội Văn học – Nghệ thuật Phú Yên) cho biết: Từ nhiều năm nay, Phú Yên thường xuyên tổ chức Giỗ Tổ Sân khấu cũng vào ngày 12 tháng tám âm lịch để tôn vinh và bày tỏ lòng tri ân của toàn xã hội đối với các thế hệ nghệ sĩ đã đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Ban đầu, giỗ Tổ chỉ bó hẹp ở địa hạt của nghệ thuật truyền thống như hát bội, cải lương, rồi dần dần đã trở thành ngày hội chung của mọi người làm việc trong lĩnh vực giải trí với sự tham gia của đông đảo những nghệ sĩ kịch nói, diễn viên điện ảnh, ca sĩ, người mẫu… Hàng năm, mỗi đơn vị thường tổ chức giỗ Tổ riêng với các hoạt động chủ yếu như: thắp hương dâng Tổ nghiệp, biểu diễn trình Tổ các tiết mục đặc sắc…

 

Phú Yên là một trong những cái nôi của nghệ thuật sân khấu tuồng, bài chòi. Từ lâu, Giỗ Tổ Sân khấu được trang trọng tổ chức hàng năm. Riêng từ năm 2006 đến nay, Chi hội Sân khấu Phú Yên đã có sáng kiến tổ chức Giỗ Tổ Sân khấu chung cho tất cả giới nghệ sĩ sân khấu, bao gồm cả tuồng, cải lương, bài chòi, ca nhạc vào tối 12 tháng tám âm lịch. Đây không chỉ là ngày hội của riêng giới nghệ sĩ sân khấu, mà là ngày hội chung - một trong những hoạt động văn hóa mang tính xã hội hóa thu hút đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân trong tỉnh tham gia.

 

Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Phú Yên Lê Văn Hiếu cho biết: Đây thực sự là ngày hội tôn vinh nền sân khấu nước nhà, động viên, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu có nhiều tác phẩm sân khấu có ý nghĩa. Đồng thời sẽ là ngày của liên hoan, hội diễn tôn vinh những vở diễn, những vai diễn xuất sắc trong năm.

 

Với sự ra đời của Ngày Sân khấu Việt Nam, hy vọng Phú Yên cùng với sân khấu cả nước sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ; anh chị em nghệ sĩ sân khấu tiếp tục phát huy tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã có công xây dựng nên loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc.

 

VIÊN PHONG - KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek