Hàng năm, trước khi tổ chức triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Hội Mỹ thuật Việt Nam đều phối hợp với các hội văn nghệ địa phương tổ chức các cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực. Đây là bước chuẩn bị, đồng thời là sân chơi mang tính quần chúng cho các nghệ sĩ tạo hình, không phân biệt hội viên địa phương hay trung ương. Trên cơ sở kết quả triển lãm khu vực, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ tuyển chọn tác phẩm để trao giải thưởng cho các hội viên trung ương và tặng giấy khen cho các hội viên địa phương.
|
Tác phẩm “Cờ lau tập trận” của hoạ sĩ Huỳnh Công Nam - Chụp lại: T.QUÝ |
Trong 8 khu vực của cả nước tổ chức triển lãm mỹ thuật gồm khu vực I (Hà Nội), khu vực II (đồng bằng sông Hồng), khu vực III (Tây Bắc-Việt Bắc), khu vực IV (Bắc miền Trung), khu vực V (Nam miền Trung và Tây Nguyên), khu vực VI (TP Hồ Chí Minh), khu vực VII (Đông Nam Bộ) và khu vực VIII (đồng bằng sông Cửu Long), thì khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều họa sĩ nhất. Những năm gần đây, mỗi cuộc triển lãm khu vực, Hội Mỹ thuật Việt Nam chỉ trao 1 bộ giải gồm: giải A (8.000.000 đồng), giải B (6.000.000 đồng), giải C (4.000.000 đồng), tặng thưởng (2.000.000 đồng) và khoảng 10 giấy khen. Mặc dù được coi là sân chơi mang tính quần chúng, nhưng với hàng trăm tác phẩm của hàng trăm họa sĩ trong khu vực gởi tới tham dự thì việc tác phẩm được chọn treo tại triển lãm cũng không đơn giản, ngay cả đối với các tỉnh đăng cai, chưa nói đến giành giấy khen hay giải hưởng. Hầu như ở các khu vực không có giải A. Những năm qua, họa sĩ Phú Yên không còn bỡ ngỡ với các cuộc triển lãm khu vực nữa vì Hội Văn học Nghệ tỉnh đã 2 lần đăng cai và tổ chức thành công triển lãm mỹ thuật khu vực vào các năm 2002, 2008.
Mặc dù việc tuyển chọn tác phẩm để dự treo và đoạt giải rất khó khăn, nhưng từ năm 2001 đến nay, năm nào Phú Yên cũng có họa sĩ được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải thưởng hoặc giấy khen. Đó là các họa sĩ Trần Quyết Thắng (4 lần), Lê Đức Thắng (2 lần), Nguyễn Hưng Dũng, Phan Đình Phúc, Nguyễn Bảo Loan, Phạm Thi, Nguyễn Lê Tường Thi (1 lần). Năm nay, Nguyễn Huy Bách (lần thứ 2) và Huỳnh Công Nam (lần thứ 1) được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giấy khen. Có một điều khá lý thú là hầu hết các họa sĩ khi được trao giải thưởng hay giấy khen đều còn khá trẻ.
Năm nay, các họa sĩ Phú Yên gửi 14 tranh của 13 tác giả tham gia triển lãm khu vực, nhưng chỉ có 10 tranh của 9 tác giả được chọn treo. Đó là tác phẩm của các họa sĩ Nguyễn Hưng Dũng, Phan Văn Trọng, Phạm Thi, Lê Văn Lượng, Lê Thị Xuân Thảo, Lê Viết Tuần, Trần Thị Ngọc Hà, Nguyễn Huy Bách và Huỳnh Công Nam. Trong số 4 hội viên TW chỉ có Nguyễn Hưng Dũng và Phan Văn Trọng là có tranh tham gia triển lãm.
Đối với người trong giới, Nguyễn Huy Bách là một cái tên quen thuộc về thể loại tranh sơn mài. Anh xuất thân trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật tạo hình, cha và ba anh em đều là họa sĩ. Năm 2008, Huy Bách đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giấy khen cho một bức sơn mài. Năm nay, tác phẩm sơn mài Xích lô của anh được Hội Mỹ thuật tặng giấy khen, đây chính là tác phẩm đã được người yêu hội họa đánh giá cao trong triển lãm của tỉnh đầu năm 2010. Bức tranh mô tả cảnh chợ chiều với nhân vật trung tâm là người đạp xích lô trong lúc chờ khách cắm cúi bên tờ báo. Nét độc đáo gây được ấn tượng mạnh cho người xem là cách xử lý ánh sáng, tạo cảm giác sinh động như các họa sĩ Ấn tượng. Với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, năm nay Huy Bách được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên xét tài trợ kinh phí để chủ trì một công trình tập thể là một tác phẩm sơn mài có quy mô, kích thước lớn. Ngoài ra, Huy Bách còn đang tập trung sáng tác để tham gia cuộc triển lãm nhóm với một số họa sĩ khác, dự kiến sẽ tổ chức vào đầu năm 2011 chào mừng kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển gắn với Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ.
Năm nay, tác phẩm của Huỳnh Công Nam được Hội Mỹ thuật tặng giấy khen là bức gò kim loại Cờ lau tập trận mô tả cảnh Đinh Bộ Lĩnh thời thơ ấu đi chơi với trẻ chăn trâu, lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Sau này, Đinh Bộ Lĩnh là người đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc, đặt nền móng sáng lập nhà nước Phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, vì vậy mà ông còn được coi là người mở nền chính thống cho các triều đại Phong kiến Việt Nam. Tác phẩm có nhiều nhân vật là các em bé và những chú trâu, với nhiều tư thế khác nhau rất sinh động trong trò chơi đánh trận giả mà nhận vật chính là chú bé Đinh Bộ Lĩnh và những ngọn cờ lau. Tác phẩm có kích thước tương đối lớn (200cm x 140cm), được nhũ đồng, tạo nên sự hoành tráng và cổ kính, phù hợp với chủ đề tư tưởng và bối cảnh lịch sử của tác phẩm.
Huỳnh Công Nam học học đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh chuyên ngành Điêu khắc. Tác phẩm của Nam được Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao bởi thể hiện rất rõ tính chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo dồi dào với những chủ đề tư tưởng sâu sắc.
ĐÀO MINH HIỆP