Đoàn Lê sinh năm 1943 ở Hải Phòng, khởi nghiệp bằng nghề diễn viên điện ảnh, cùng khóa với Trà Giang, Lâm Tới, Minh Đức, Thụy Vân... Rồi bà chuyển sang viết kịch bản phim, làm đạo diễn, vẽ tranh. Cuộc đời bà, như những thước phim quay nhanh, như những phác họa của một họa sĩ khó tính. Bà là nghệ sĩ đa tài, đa đoan, như lời thơ em gái bà tặng: “Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan...”.
Họa sĩ, nhà văn Đoàn Lê (bên trái) và em gái – nhà thơ Đoàn Thị Tảo
Trong tâm cảm của tôi, bà là mẫu phụ nữ dịu dàng, nhân hậu, lời ăn tiếng nói đều nhỏ nhẹ. Cuộc đời tạo cho bà nhiều sóng gió, nhưng cũng cho người đàn bà đa đoan ấy sự tài hoa. Cả điện ảnh, hội họa, văn chương bà đều thành công mỗi khi bước vào địa hạt của nó. Giờ bà sống bình yên với người em gái ruột - nhà thơ Đoàn Thị Tảo ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Hai người thường uống cà phê, đàm đạo văn chương vì độ này, nhà thơ Đoàn Thị Tảo vẫn làm thơ đều, còn viết cả truyện nữa. Cả hai vẫn lao động nghiêm túc, Đoàn Lê mấy năm nay ra sách thường xuyên, rồi triển lãm tranh, cứ như càng có tuổi, bà càng tràn trề khả năng sáng tác. Vào buổi chiều, hai chị em bà lại đi dạo trên bãi biển. Như thế với cả hai, cuộc sống là bình yên, là đẹp đẽ và nó cứ trôi đi bình dị.
Hai chị em Đoàn Lê - Đoàn Thị Tảo “đóng đinh” vào lòng người yêu âm nhạc, yêu thơ bằng bài “Cho một ngày sinh”, bởi mức độ truyền cảm thâm trầm của nó, bởi sự xốn xang của tình em - nghĩa chị. Bài thơ đó, Đoàn Thị Tảo sáng tác, tặng chị Đoàn Lê nhân dịp sinh nhật, nhưng do chiến tranh, hai chị em không gặp được nhau. Sau đó, khi Đoàn Lê làm phim Người Hà Nội, bà mới đặt nhạc sĩ Trọng Đài phổ, làm bài hát cho phim, đổi tên thành Chị tôi. Cứ thế, bài hát nhận được sự yêu mến của khán, thính giả.
Đoàn Lê theo học khóa diễn viên điện ảnh đầu tiên (1959-1962), sau đó bà bị cuốn vào công việc với những vai phụ, mãi đến năm 1976 mới có một vai chính, là vai cô giáo trong phim Quyển vở sang trang. Rồi bà lại chuyển sang bộ phận thiết kế của xưởng phim. Thời gian này, bà học vẽ và tiếp xúc với những người thầy nổi tiếng để làm giàu vốn kiến thức của mình. Công việc của bà, đôi khi phải vẽ những cảnh giả thay cho cảnh thật, có khi phải leo lên giàn giáo cao để vẽ. Đã có lúc, Đoàn Lê chán nản, muốn bỏ nghề điện ảnh. Bà thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật, nhưng cơ quan không cho đi học, bà xin đi làm báo, nhưng cũng không được. Nghề điện ảnh cứ bám riết lấy bà, rồi bà cầm bút viết kịch bản phim. Bình minh xôn xao là kịch bản đầu tay, thành công, đã đem lại hứng khởi mới cho Đoàn Lê. Bà lại bắt tay vào viết kịch bản Làng Vũ Đại ngày ấy, dựa vào một số tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Rồi bà liên tiếp có những kịch bản mới, nhiều phim đoạt giải trong các kỳ liên hoan phim. Ở mỗi phim, bà đều thể hiện quan niệm về nhân tình thế thái; ở đó có cá tính, có hình ảnh con người Đoàn Lê.
Với hội họa, Đoàn Lê thực sự là cây cọ trẻ trung. Tranh của bà có sự tươi trẻ của tuổi thanh xuân. Bà đặc biệt quan tâm đến thể loại tranh nude, mà mẫu họa là do bà thuê những cô gái bán hoa làm. Sau này, chính những bức tranh nude đó lại là cảm hứng cho bà viết truyện ngắn, ví như truyện Người đẹp xóm chùa...
Tranh của Đoàn Lê
Thế mạnh của Đoàn Lê là tranh sơn dầu, và đề tài chủ đạo là nét đẹp xuân thì của thiếu nữ. Những bức như Thiếu nữ và hoa quỳ, Thiếu nữ và hoa địa lan, Tắm trăng, Giếng lan tiêu… và những bức phong cảnh như Xóm vắng, Xóm núi 2, Ngã ba mờ sương… đều là những góc lặng đầy tâm sự của người phụ nữ tài hoa.
Đoàn Lê còn là một người đàn bà viết đầy cá tính, một nhà văn hăng hái viết và ra sách thường xuyên. Mới đây, bà có tiểu thuyết Tiền định vào chung khảo giải thưởng Bách Việt - một tiểu thuyết tự truyện của đời bà. Mỗi chi tiết đều bộc lộ sự hóm hỉnh tinh nghịch cố hữu, nhưng vẫn giữ một giọng văn nền nã. Đoàn Lê đôi lúc cũng thích làm cho không khí hiện thực trở nên đa diện và hấp dẫn hơn bằng cách sử dụng yếu tố huyền ảo. Nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét: “Lối viết của Đoàn Lê như một người đi ở trung đạo, giữa một bên là văn chương theo kiểu truyền thống và một bên là văn chương cách tân. Có thể vì vậy mà tác phẩm của Đoàn Lê khó rơi vào sự lỗi mốt, cũng không thời thượng, mà khá dễ thưởng thức với độc giả các lứa tuổi”.
Đoàn Lê từng tâm sự rằng, với bà, một thứ nào đó như thơ, truyện ngắn hay kịch bản đều không đủ diễn tả mọi xúc cảm. Niềm đam mê hội họa giải phóng cho bà những thôi thúc khi không viết được. Chính hội họa lại giúp bà diễn tả những cảm xúc, những vẻ đẹp. Nhờ tranh mà khi viết truyện, bà cũng triển khai có bố cục, cấu tứ chặt chẽ, mạch lạc hơn. Nhờ tranh, bà đã giấu đi được nhiều phiền muộn mà cuộc sống xô bồ, gấp gáp và đôi khi vô tình này mang lại. Một phụ nữ đa đoan, đa tình như bà, làm sao tránh khỏi những vết thương… Có điều, bà ít tâm sự về những nỗi đau, chỉ hay nhắc đến những điều đẹp đẽ.
NGUYỄN VĂN HỌC