Với thời tiết thuận lợi, các chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ Festival Huế 2010 đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự.
Tái hiện cảnh thao diễn của thủy binh trên sông Hương – Nguồn: VNN
Hôm qua (7/6), ngày thứ ba của Festival Huế 2010, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc đã diễn ra tại TP Huế. Điểm nhấn của Festival Huế tối qua là chương trình nghệ thuật hoành tráng tái hiện “Cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn” bên bờ sông Hương. Trong lần đầu tiên được tổ chức, “Cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn” đã thu hút sự tham gia của 1200 nghệ sĩ, diễn viên cùng hơn 70 chiến thuyền. Chương trình nhằm tái hiện các nghi thức truyền thống, các cuộc thao diễn trên bờ, tập trận thủy chiến trên sông Hương. Lễ hội còn là hoạt động kỷ niệm 375 năm chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định xây dựng kinh đô xứ Đàng Trong bên bờ sông Hương (1635-2010).
Cũng trong tối 7/6, chương trình nghệ thuật đặc sắc “Đêm Phương Đông” tại sân Điện Thái Hòa đã thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả trong và ngoài nước. Du khách được thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy cùng những sắc thái độc đáo trang phục 9 dân tộc châu Á như: Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Ông Nguyễn Xuân Oanh, một du khách nhận xét: “Một chương trình rất hấp dẫn, đặc biệt là mang màu sắc của các nước, rất thích hợp với khung cảnh của cổ thành Huế và khiến cho người xem có cảm giác như dự một ngày hội có tính chất toàn cầu”.
Cùng ngày, tại chùa Từ Đàm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Ban tổ chức Festiaval tổ chức lễ tái hiện đầy đủ toàn bộ tiết mục Lục cúng hoa đăng. Một hoạt động văn hóa đáng chú ý khác là Triển lãm bộ sưu tập tranh “ Muôn mặt một lời” của họa sĩ Lê Bá Đảng.
Tối nay (8/6), lễ hội áo dài “Vọng thiên niên” sẽ diễn ra tại cổng Thượng Tứ, TP Huế. Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh cho biết: “Festival Huế năm nay diễn ra rất gần với thời gian cả nước hướng về kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, lễ hội áo dài trong festival năm nay được các NTK hưởng ứng theo tinh thần đó. Tên lễ hội “Vọng thiên niên” cũng vì mục đích đó. Một ngàn năm trôi qua, vẻ đẹp ấy không hề phai nhạt, mỗi ngày qua đi hoa sen lại thêm tươi thắm, áo dài trở nên cao quý hơn”.
Có 17 NTK ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam tham dự, với 160 người mẫu, gần 1.000 bộ áo dài cho cả nam, nữ ở mọi lứa tuổi. Ở phía Nam có các NTK: Minh Hạnh - chủ đề áo dài “Mẹ và con”, Sỹ Hoàng với bộ sưu tập “Chị và em”… Hà Nội có các NTK Quang Huy, Việt Liên, Thanh Danh với các bộ sưu tập áo dài cưới. Ở Huế, các NTK Thương Huyền, Viết Bảo, Ngân Khai… với các bộ sưu tập áo dài hoa sen. Vẻ đẹp thanh cao của sen và áo dài đã đem đến niềm cảm xúc vô tận cho mọi người.
Nhạc nền trình diễn là những bản nhạc, bài hát về Hà Nội. Tất cả các NTK muốn thể hiện một đêm lễ hội “Vọng thiên niên” - hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội qua nét đẹp của áo dài.
Bên cạnh lễ hội áo dài “Vọng thiên niên”, tối nay còn diễn ra chương trình nghệ thuật Đêm hoàng cung cùng nhiều tiết mục đặc sắc của các đoàn quốc tế như âm nhạc Cu Ba, Haiti...
Tại cung An Định (Huế), từ ngày 7 đến 13/6, người xem sẽ được chiêm ngưỡng và khám phá cung điện với những bức tranh tường và trần độc đáo được phục hồi thông qua Dự án Bảo tồn, phục chế và đào tạo Đức (GCREP).
Tranh tường ở Khải Tường Lâu, cung An Định - ảnh: Phan Lê
Công chúng có thể tìm hiểu công tác bảo tồn và trùng tu, quy trình nghiên cứu các loại vật liệu truyền thống cũng như việc đào tạo các học viên có chuyên môn được nhóm chuyên gia Đức thực hiện như thế nào. Tại đây cũng đã diễn ra triển lãm sách “An Định - Báu vật tiềm ẩn của Huế” bằng ba thứ tiếng (Việt, Anh và Đức), giới thiệu chi tiết quá trình bảo tồn, trùng tu các họa tiết tranh tường nội thất của cung An Định trong những năm qua.
Người xem sẽ chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp hiếm thấy của bức tranh tường tại Khải Tường Lâu (cung An Định) với sự kết hợp độc đáo giữa phong cách cổ điển Việt Nam và phong cách Baroc châu Âu, đã được bảo tồn phục chế một cách công phu từ năm 2005-2008.
Y. LAN (tổng hợp)