Ngành Văn hóa đang khảo sát một quần thể mộ chum vừa phát lộ sau trận lũ lịch sử cuối năm 2009, trên khu vực rộng hơn 10 ha dọc sông Kỳ Lộ thuộc địa phận hai thôn Tân An và Tân Phú (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân).
Cán bộ bảo tàng đang khảo sát khu vực mộ chum ở thôn Tân An xã Xuân Sơn
Trên bãi cát rộng và bằng phẳng do nước sông dâng lên cuốn trôi đi những lớp đất đá và cây cối từng được trồng bên trên, hàng trăm ngôi mộ lớn nhỏ không giống nhau, quay ngang dọc nhiều hướng khác nhau đã phát lộ phần bên trên, nổi hẳn trên mặt đất. Phần nắp các ngôi mộ đều bị vỡ, đất và cát đã tràn vào bên trong. Những ngôi mộ này hình bầu dục, xung quanh có vỏ đất nung rắn chắc bao bọc, hai đầu có chừa những khoảng trống. Quanh các ngôi mộ có nhiều mảnh chum vỡ, nhiều chén dĩa vỡ, có cả những viên gạch tuy mỏng nhưng rất nặng. Có những mộ chỉ dài 1,2 mét, rộng khoảng 0,5 mét, nhưng có mộ dài đến 2 mét và rộng hơn 0,6 mét. Phần thân bằng đất nung đều dày khoảng 5 cm hoặc 6 cm.
Ông Bùi Văn Tấn, 62 tuổi, dân thôn Tân An, nhà ở gần khu vực này cho biết trên trăm năm trước, ở ngay trên phần đất những ngôi mộ mới phát lộ này đã có nhà cửa vườn tược và cư dân sinh sống. Xóm nhà ở ven sông ấy khá trù phú có tên là xóm Tân An, còn gọi là soi Ông Bảy Cấy. Ông nội của ông Tấn cũng có nhà ở đó, nhưng cơn bão lịch sử năm Tý (1924) đã xóa sổ cả làng. Những người còn lại đã bỏ bờ sông vào ở ven núi, chỗ làng ấy trở thành ruộng trồng mía, trồng sắn. Cơn lũ lịch sử đêm 2/11/2009 vừa qua lại cuốn trôi cả sắn, cả mía, cả những bụi tre già hàng trăm năm tuổi. Nước lũ xói sâu xuống lớp đất xưa, làm phát lộ hàng trăm ngôi mộ chum như đã nói.
Xung quanh các ngôi mộ có nhiều mảnh chum vỡ – Ảnh: D.TX
Những người dân địa phương, ngay khi phát hiện, đã đoán già đoán non rằng đó là những lò gốm cổ(?!) vì thấy có những mảnh chum vỡ, chén dĩa vỡ ở xung quanh. Ông Nguyễn Văn Phụng, công an viên thôn Tân Phú cho biết vài năm trước, những người đi rà sắt ven sông đã đào được một thanh kiếm và chiếc vương miện bằng vàng nằm sâu trong lòng đất nhưng họ đã vội vã bán cho những người buôn đồ cổ vì sợ bị… tịch thu. Thạc sĩ Lê Thế Vịnh Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa-Thể thao - Du lịch Phú Yên có mặt tại hiện trường cho biết, đang tiếp tục khảo sát, hiện chưa có kết luận về niên đại của các ngôi mộ cũng như thời gian và lý do nào cả quần thể rộng lớn này bị vùi sâu xuống cát sông Kỳ Lộ. Tuy nhiên, sự hiện diện của quần thể cũng cho thấy xưa kia vùng ngã ba sông này đã từng có thời kỳ phồn thịnh, cư dân sinh sống đông đúc. Việc khảo cứu quần thể mộ chum này có thể sẽ hé lộ thêm nhiều thông tin mới về vùng đất Phú Yên bốn trăm năm.
DƯƠNG THANH XUÂN