Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản quốc tế, được nhân dân ta và bạn bè thế giới gọi với một cái tên tôn kính: Bác Hồ. Không những là nhà cách mạng vĩ đại, Bác Hồ còn là một nhà văn hóa lớn. Một trong những di sản quý báu Người để lại cho chúng ta là tập thơ “Nhật ký trong tù”. Bác sáng tác tập thơ này trong thời gian bị bọn Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch cầm tù từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943 ở Quảng Tây – Trung Quốc.
Bìa tập sách “Nhật ký trong tù” bằng song ngữ Việt - Tày
“Nhật ký trong tù” được Bác Hồ sáng tác bằng chữ Hán, gồm 133 bài thơ. Tập thơ toát lên ý chí sắt đá, tinh thần lạc quan cách mạng của một người Cộng sản vĩ đại, yêu nước thương dân. Năm 1960 Viện Văn học dịch ra quốc ngữ. Sau đó “Nhật ký trong tù” được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông và đại học.
Tôi là người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Từ thời học cấp ba phổ thông (1967 – 1970), qua các giờ giảng văn của thầy Đỗ Huy Quang, tôi vô cùng thấm thía cái hay cái đẹp trong thơ Hồ Chí Minh, nhất là những vần thơ chứa chan tình cảm lãng mạn cách mạng của Người:
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa, ngắm nhà thơ.
Vì rất yêu thơ Bác Hồ, nên từ năm 1970 tôi đã manh nha ý muốn dịch thơ của Người ra tiếng Tày. Thực tế cho thấy trong các cuộc bàn luận về thơ Hồ Chí Minh, chúng tôi chỉ nói với nhau bằng tiếng Tày, nhưng khi trích dẫn thơ Người để minh họa cho một luận điểm nào đó, thì chỉ trích dẫn thơ tiếng Việt thôi. Bởi vì thơ Bác Hồ chưa được dịch ra tiếng Tày. Vì vậy cái hay cái đẹp của thơ Bác Hồ chưa đến được tâm hồn bà con người Tày một cách trọn vẹn, bởi rào cản của ngôn ngữ. Năm 2000, kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tôi bắt tay vào việc dịch tập thơ “Nhật ký trong tù” ra tiếng Tày. Lúc đầu tôi phân vân không biết nên chọn thể thơ nào để dịch. Các tác phẩm thơ truyền thống của người Tày chủ yếu là thơ bảy chữ vần lưng. Thể thơ này rất thuận lợi cho việc hát then theo nhạc đàn tính. Dịch theo thể thất ngôn tứ tuyệt, thì chỉ phù hợp với giới trí thức Tày, bởi vì họ có dịp tiếp xúc với văn chương bác học. Còn bà con vùng sâu vùng xa, nghe thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt, thì cảm thấy “Rậm tai” (không thuận tai). Qua khảo sát thực tế ở các bản làng vùng sâu vùng xa của người Tày, tôi thấy bà con rất thích thể thơ lục bát của người Kinh nên tôi quyết định dịch “Nhật ký trong tù” ra tiếng Tày theo thể thơ lục bát.
Tôi xin trích dẫn ba bài cụ thể tôi dịch lại theo thể thơ lục bát như sau:
Ngắm trăng
Trong tù không rượu, không hoa
Đêm nay cảnh đẹp, hững hờ được chăng
Người chiêm ngưỡng nguyệt ngoài song
Trăng nhòm khe cửa, ngắm lòng thi nhân.
Nghe tiếng giã gạo
Gạo đem vào giã đớn đau
Giã xong rồi, gạo trắng màu tựa bông
Ở đời, người cũng vậy chăng
Gian nan, rèn luyện mới thành ngọc trong.
Mới ra tù, tập leo núi
Mây ôm núi, núi ôm mây
Không mờ chút bụi, sông đầy sáng tươi
Non Tây bước một bồi hồi
Trông trời Nam thẳm, nhớ người bạn xưa.
Tôi dịch “Nhật ký trong tù” để tỏ lòng tôn kính đối với Hồ Chủ tịch. Và mong muốn phổ biến đến đồng bào Tày – Nùng một tác phẩm văn học tuyệt tác, một tinh thần lạc quan cách mạng của người Cộng sản Hồ Chí Minh. Tập thơ dịch tiếng Tày “Nhật ký trong tù” (Xeéc mai chang rườn xăng) của Hồ Chí Minh, đã được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành quý 2/2009 và được nhiều bạn đọc đón nhận. Cô giáo Bế Thị Hồng ở Trường phổ thông cơ sở Thị Xuân (Đa Thông, Thông Nông, Cao Bằng) cho biết, các thầy cô giáo nơi đây rất tâm đắc với bản dịch tiếng Tày “Nhật ký trong tù”.
Nhân kỷ niệm 120 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tôi xin có vài lời tâm sự như vậy, để chúng ta cùng thấm sâu thêm tư tưởng và hồn thơ lồng lộng của Người.
Nhà thơ TRIỆU LAM CHÂU