Những bức thư từ Sơn Mỹ, bộ phim truyện nhựa do Trung tâm UNESCO điện ảnh đa truyền thông Việt Nam thực hiện, là bức thông điệp yêu chuộng hòa bình của con người Việt
Đoàn làm phim đang thực hiện một cảnh quay tại chùa Hoằng Pháp
Cuộc thảm sát 504 thường dân vô tội ở làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi mà quân đội Hoa Kỳ gây ra đã trôi qua gần nửa thế kỷ. Ngày 19/8/2009, William Calley, viên trung úy đã chỉ huy cuộc thảm sát đó đã công khai xin lỗi trước thế giới: “…Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra ở Mỹ Lai…”.
Từ sự kiện này, NSƯT - đạo diễn Lê Dân có suy nghĩ, nếu William Calley đích thân đến Việt Nam tạ lỗi cùng nhân dân Sơn Mỹ thì tốt biết mấy. Và, những ý tưởng đó đã tạo nguồn cảm xúc để đạo diễn Lê Dân xây dựng kịch bản Những bức thư từ Sơn Mỹ. Đạo diễn Lê Nguyễn Khôi Nguyên, người vừa thực hiện loạt phim tài liệu về Phú Yên để giới thiệu trên HTVC, tham gia thực hiện bộ phim nhựa dài 120 phút này. Phim có sự góp mặt của Hoa hậu Đền Hùng Giáng My.
Câu chuyện về trung úy William Calley - viên sĩ quan Mỹ từng chỉ huy cuộc thảm sát ở Mỹ Lai năm 1968 được dựng lại qua nhân vật trong phim tên là Peter Cage. Sau 42 năm bị dằn vặt, đau khổ vì hành động dã man của mình trong quá khứ, Peter đã quay lại Việt Nam, tìm về Sơn Mỹ để thú tội với người dân nơi đây. Vùng quê đau thương trước đây đã có bao đổi thay mà Peter không thể tưởng tượng. Hằng ngày, Peter gửi thư về cho vợ ở Mỹ và kể những câu chuyện hiện tại mà ông ta cảm nhận được tại đất nước vươn mình mạnh mẽ sau chiến tranh.
Nhân vật Peter do ông Saub Gérard, một người Pháp, đảm nhận. Tuy không phải là diễn viên chuyên nghiệp, nhưng khi đảm nhận vai diễn này, Saub Gérard đã tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ về nội tâm của con người William Calley để lột tả được nỗi dằn vặt, sám hối về quá khứ mà ông ta đã gây ra cho Sơn Mỹ. Ông Saub Gérard nói: “Tôi biết là vai diễn này rất khó, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện một cách thành công như ý đồ của đạo diễn. Tôi yêu Việt
Ngày 31/1, đoàn làm phim Trung tâm UNESCO điện ảnh đa truyền thông Việt Nam đã bấm máy quay lễ tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai, đoạn kết của bộ phim truyện nhựa Những bức thư từ Sơn Mỹ, tại khu chứng tích Sơn Mỹ. Những nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, du khách nước ngoài cùng hàng trăm người dân, học sinh Sơn Mỹ đã tham dự buổi lễ tưởng niệm đặc biệt này. Lễ tưởng niệm có nhiều chi tiết xúc động như: một cụ già Nhật sống sót từ thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima đến dự, cùng nhân dân Sơn Mỹ lên án chiến tranh, cựu binh Hoa Kỳ mang 504 hoa hồng đến dự... Trong buổi lễ tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai, ở đoạn kết bộ phim Những bức thư từ Sơn Mỹ, nhân vật chính trong phim là Peter Cage thu hết can đảm, thú nhận ông chính là một trong ba sĩ quan từng chỉ huy cuộc hành quân thảm sát dân thường Mỹ Lai vào buổi sáng 16/3/1968 và ông cúi đầu nói lời tạ lỗi, cầu mong nhân dân Sơn Mỹ tha thứ.
“Thay mặt các nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai, tôi chấp nhận lời xin lỗi của ông Peter Cage. Hy vọng rằng đằng sau lời xin lỗi, ông Peter Cage nên hành động thiết thực, kêu gọi thế giới hãy vì hòa bình, đừng để nơi nào trên trái đất này lặp lại đau thương như vụ thảm sát ở Sơn Mỹ nữa” - ông Phạm Thành Công, trưởng ban quản lý các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Ngãi, nói.
Vợ chồng ông Peter Cage xúc động khi được nhân dân Sơn Mỹ tha thứ. Họ ngước nhìn lên bầu trời, lòng thanh thản chiêm ngưỡng đàn chim bồ câu trắng đang tung cánh trước tượng đài Sơn Mỹ.
Những bức thư từ Sơn Mỹ nói lên tiếng nói yêu chuộng hòa bình của con người Việt
Y.LAN (tổng hợp)