Thứ Bảy, 08/02/2025 22:55 CH
Văn công ngày ấy...
Thứ Sáu, 30/04/2010 18:00 CH

Một thời vượt núi băng rừng, cất cao tiếng hát ngợi ca lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm, một thời đói cơm lạt muối nhưng vẫn giữ trọn niềm tin. Câu chuyện về Đoàn Văn công của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên là câu chuyện về tình yêu và lòng quả cảm của những nghệ sĩ trong khói lửa.

 

vc100429.jpg

Các thành viên của Đoàn Văn công (từ phải sang trái): Văn Huynh, Phương Yến, Ngọc Thừa, Thu Thao, Bá Kỷ, Tuyết Mai, Phụng Kỳ, Mai Hương, Tấn Ngọc, Công Phường

 

VƯỢT GIAN LAO CẤT CAO GIỌNG HÁT

 

Một trong những thành viên Đoàn Văn công ngày ấy là ông Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Hơn 30 năm đã trôi qua, kỷ niệm dường như vẫn tươi rói trong hồi ức của nghệ sĩ này. “Hồi đó, đèn sân khấu là đèn măng - xông. Có những lúc, tụi tui đổ dầu lửa vô lon sữa bò, lấy vải làm tim đèn để thắp hai bên sân khấu. Micro là cái máy “ấp chiến lược” cột dây kéo. Diễn viên đi đến đâu hát thì có người kéo máy đến chỗ đó. Phục trang của chúng tôi không có kim sa kim tuyến, anh em lấy giấy bạc trong gói thuốc Rubi, Cotab dán lên trang trí. Những khi không gởi mua được ngân phấn, phấn chì, tụi tui đành lấy bột sắn làm phấn, thuốc đỏ làm son, lấy lọ nồi trộn ít dầu ăn để vẽ chân mày...” - ông Nguyễn Phụng Kỳ nhớ lại.

 

Người nghệ sĩ này được điều về Đoàn Văn công của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên vào tháng 9/1970, sau khi kết thúc khóa học trinh sát an ninh hai tháng ở suối Ché (huyện Sơn Hòa) và về trinh sát an ninh tỉnh được khoảng một tuần. Ông nhớ, Đoàn Văn công lúc bấy giờ có khoảng 15 người, ông Võ Văn Duật (Vũ Trung Uyên) là chính trị viên, ông Nguyễn Ngọc Thừa làm trưởng đoàn; hai ông Nguyễn Trọng Kim (Chín Đạm) và Nguyễn Bá Kỷ làm phó đoàn. Diễn viên nữ chính có: Trần Thị Mai Hương, Lê Thị Tuyết Mai, Đỗ Thị Hồng Nhị…; nam có Tuấn Điểm, Trương Công Hạnh, Nguyễn Công Phường… Một hai năm sau, các ông: Lê Hữu Phước, Huỳnh Như Ngân, bà Đặng Thị Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Phương Yến… vào đoàn. Văn công biểu diễn ở vùng Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân), xã An Lĩnh, An Nghiệp, An Xuân (huyện Tuy An) và phục vụ các đơn vị bộ đội, các đại hội, hội nghị của huyện, tỉnh. “Đoàn diễn chương trình tổng hợp gồm hát, tấu hài, kịch ngắn - ông Nguyễn Phụng Kỳ kể. Các vở kịch ngắn Tấm ảnh đánh rơi, Người mẹ cầm súng, hoạt cảnh Đường ra phía trước… thường diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ. Ngoài ra còn có tiết mục ngâm thơ, do ông Ngọc Trường biểu diễn. Cũng có những đêm tụi tui diễn tuồng. Ba vở chủ lực của đoàn là Tuy Hòa đồng khởi do ông Chín Đạm sáng tác, vở Trần Bình Trọng của tác giả Kim Hùng và Ngọn lửa Hồng Sơn  của  tác giả Hoàng Châu Ký.  

 

Đoàn Văn công của Ban Tuyên huấn “đóng quân” tại huyện Sơn Hòa, lúc thì ở phía sau hội trường Mùa Xuân, có lúc lên trên suối Ché, có lúc ra Tổng Binh. Thường trực trong bữa ăn của họ là sắn mì hoặc bắp ghé gạo. Đoàn Văn công 15 - 17 người, nấu chỉ 2 - 3 sét gạo, còn lại là sắn. Hết gạo thì ăn sắn mì luộc, ăn bánh, cháo nấu từ sắn. Có những lúc đến sắn mì cũng chẳng còn, anh em vô rừng hái trái sung lót dạ. Bà Phương Yến bồi hồi: “Năm 1973, có lúc lương thực chẳng còn, chúng tôi phải ăn trái sung. Chị Tuyết Mai có thai, bưng chén sung lên mà nuốt không vô, chảy nước mắt. Tôi tìm hái rau dền, đem về luộc chấm muối. Hai chị em ăn, thấy ngon nhứt hạng”. 

 

Chỉ trong những dịp đặc biệt, như liên hoan chẳng hạn, văn công mới có một bữa thịnh soạn: được ăn cơm trắng. Những khi biểu diễn phục vụ đại hội, văn công được tỉnh đãi cơm trắng với cá đánh ở sông Hà Roi, có khi còn được ăn thịt rừng.

 

Lương thực thực phẩm thiếu thốn nên ngoài việc luyện tập, biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào, văn công còn tăng gia sản xuất, trồng sắn, bắp, nuôi gà, heo…

 

VĂN CÔNG DIỄN, ĐỊCH “ĐÁNH CHẦU”

 

Với cây đàn guitar, madoline, đàn cò, Đoàn Văn công đưa tiếng hát, các vở tuồng khơi dậy tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm đến các vùng giải phóng và vùng tranh chấp. Diễn ở vùng giải phóng, họ chọn những mô đất cao cao để thuận tiện cho bà con xem. Tết năm nọ, họ diễn phục vụ đồng bào tại vùng 10 xã An Nghiệp, diễn sát bên “hông” địch. Dân dưới vùng địch lên xem khá đông. Diễn đến màn hai vở Ngọn lửa Hồng Sơn thì địch bắn pháo, anh em vội tắt đèn măng - xông, lánh vào rừng. Sau khi tiếng pháo ngớt, khán giả hỏi: “Có còn diễn nữa không?”. Nghe câu hỏi đó, văn công ai nấy đều xúc động. Sáng hôm sau, bà con khán giả trở về thì bị địch chặn lại hỏi: “Hồi tối coi sộng sản diễn có hay không?”. Lúc đầu có người bảo “không có”, nhưng địch cũng đâu có vừa, chúng mở máy ghi âm. Vậy là bà con nói thiệt: “Cộng sản trẻ trẻ không hà, diễn hay lắm!”.

 

Sau lần đó, anh em trong đoàn nói vui: Mình diễn, địch “đánh chầu” bằng pháo!

 

Cũng có lần, các ông bà: Ngọc Thừa, Công Phường, Tuyết Mai, Phụng Kỳ… đi xuống vùng đồng bằng mua gạo, muối cho đoàn, gặp địch càn nên không trở về căn cứ được. Vậy là, ngay tại vùng địch ở thôn Phú Thường, xã An Hòa (huyện Tuy An), họ diễn cho bà con xem vở Người mẹ cầm súng...

 

Vào Đoàn Văn công từ năm 14 tuổi, bà Phương Yến có những kỷ niệm khó quên. “Hôm đó, địch càn lên Hòn Rùa - An Lĩnh. Anh em trốn trong lùm cây. Trên đầu thì máy bay quần, dưới đất địch đi sát bên. Ai nấy đều nín thở” - bà Phương Yến nhớ lại.

 

Theo lời một số văn công ngày ấy, niềm hạnh phúc của họ giản dị vô cùng, đó là được biểu diễn phục vụ, và nhận được những lời khen. Mỗi khi có lệnh là lên đường, ngay cả những người đang bị sốt rét run lập cập cũng chống gậy lên đường; có khi đi cả ngày mới tới, như từ Sơn Định đi Kỳ Lộ. Tinh thần của văn công rất cao.   

 

Không chỉ đưa tiếng hát, tiếng đàn và những vở kịch, vở tuồng khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh chống ngoại xâm đến với bộ đội, với đồng bào vùng giải phóng và vùng tranh chấp, Đoàn Văn công của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên còn tham gia các chiến dịch. Theo lời ông Nguyễn Phụng Kỳ, trong chiến dịch xuân - hè 1972, chiến dịch lấn đất giành dân năm 1973, tất cả văn công đều đi tải đạn, tải thương, chốt ở các điểm. Anh em tay đàn tay súng.

 

* Hơn một năm sau giải phóng, một bộ phận của Đoàn Văn công tuyển thêm diễn viên và thành lập Đoàn Nghệ thuật tuồng Phú Khánh, một bộ phận sáp nhập vào Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh. Có người theo nghề y, trở thành bác sĩ như bà Mai Hương. Ông Phụng Kỳ và bà Phương Yến nên vợ nên chồng. Cuộc sống đời thường với bộn bề lo toan, nhiều người trong số họ vẫn dành tình yêu cho nghệ thuật sân khấu. Và một vài diễn viên của Đoàn Văn công ngày ấy đã thành người thiên cổ. Song họ vẫn sống trong ký ức của đồng đội - những người từng một thời vượt núi băng rừng, cất cao tiếng hát.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek