Những ngày này, hàng ngàn người Việt từ khắp nơi nô nức dự lễ hội Đền Hùng và lễ hội Cố đô Hoa Lư. Đây là những lễ hội giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm, giữ nước; tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc.
Trẩy hội Đền Hùng
CHÁU CON NÔ NỨC VỀ ĐẤT TỔ
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Từ rất lâu đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc, in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, 50 người con theo cha xuống biển, một nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt
Sau lễ khai mạc diễn ra vào tối 14/4 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, rất nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức. Và dù chưa phải chính hội nhưng những ngày này, hàng trăm ngàn du khách từ khắp nơi đã tìm về lễ hội Đền Hùng để tỏ lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày 19/4 (tức 6/3 âm lịch), tại đền Lạc Long Quân ở chân núi Sim (xã Chu Hóa, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), lễ dâng hương nhân ngày giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân đã được tổ chức.
Lễ vật dâng đức Quốc Tổ Lạc Long Quân gồm 100 chiếc bánh chưng, 100 chiếc bánh dày, 100 oản nếp, 100 oản cơm tẻ, 100 bánh trôi, 100 quả chuối, 100 quả cau, 100 bông hoa hồng… Giải thích về con số 100, ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: số 100 có ý nghĩa đặc biệt, liên quan đến sự tích bọc trăm trứng.
Cùng với việc tổ chức dâng hương, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn tổ chức rước kiệu, múa lân dọc trung tâm trục hành lễ lên đền Thượng, xuống đền Giếng về đền Lạc Long Quân. Tại sân quảng trường trung tâm lễ hội Đền Hùng, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, thu hút 11 tỉnh, thành phố tham gia. Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 đồng loạt khai mạc các hoạt động thể dục, thể thao và hội trại văn hóa, thu hút 14 đơn vị trong tỉnh tham gia. Tại khu vực Công Quán (Bảo tàng Hùng Vương) tổ chức thi hát xoan ghẹo, đâm đuống, đánh trống đồng và nhiều hoạt động nghệ thuật khác.
Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương cấp quốc gia sẽ diễn ra vào sáng sớm ngày 10/3 âm lịch (tức 23/4) tại đền Thượng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Cùng lúc này, các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng tiến hành lễ dâng hương linh thiêng. Ngay sau lễ dâng hương cấp quốc gia, chủ lễ sẽ phát 18.000 chiếc bánh chưng lộc cho nhân dân dự Quốc Giỗ .
“CỐ ĐÔ HOA LƯ - HÀNH TRÌNH 1042 NĂM”
Hôm qua (21/4), tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2010 bế mạc. Lễ hội kỷ niệm 1042 năm Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế lập nên nước Đại Cồ Việt, hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội bắt đầu khai hội từ tối 18/4. Phần hội có chủ đề Cố đô Hoa Lư - Hành trình 1042 năm đã diễn ra với sự tham gia của hàng trăm diễn viên các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương, thể hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động với những sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước. Chương trình có nội dung phong phú với phần trình diễn trống hội Hoa Lư và màn sử thi sân khấu tái hiện cuộc đời - sự nghiệp của anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, từ khi là một cậu bé với cờ lau tập trận, nuôi dưỡng chí lớn dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn.
Phần lễ, bên cạnh 4 phần lễ cơ bản vẫn được duy trì hàng năm là lễ mở cửa đền, rước nước, dâng hương và tổ chức cho các đoàn tế lễ cổ truyền, lễ hội năm nay có thêm 2 nội dung mới là lễ rước lửa và lễ rước kiệu. Phần hội được sung một số nội dung để làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ của lễ hội, thu hút du khách như: chương trình bình thơ Đất và người Ninh Bình, trưng bày mẫu tượng đài Vua Lê Đại Hành và Thái hậu Dương Vân Nga để xin ý kiến nhân dân, thi đi guốc 6 chân…
Sau lễ hội Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tiêu biểu hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như thi sáng tác ảnh nghệ thuật về kinh đô Hoa Lư, triển lãm Di sản văn hóa thời Đinh - tiền Lê - Lý…
Y.LAN (tổng hợp)