Chủ Nhật, 09/02/2025 08:01 SA
Nguyễn Thu Thủy và “Con đường gốm sứ”
Thứ Ba, 20/04/2010 18:00 CH

Thủy gốm” là nữ nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - tác giả dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” - quà tặng Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi. Chị đang bận bịu, bị cuốn đi với các công việc để hoàn thành dự án. Chị bảo: “Các nghệ sĩ cam kết sẽ hoàn thành “Con đường gốm sứ” vào tháng 8/2010". 

 

chi-thuy100420.jpg

Chị Nguyễn Thu Thủy (thứ hai, bên phải) gắn các mảnh gốm trên “Con đường gốm sứ bên sông Hồng”

 

Để kịp tiến độ, Nguyễn Thu Thủy đang cùng các nghệ nhân miệt mài làm việc không kể ngày đêm, lắp ghép các mảnh gốm, hoàn thành dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”. Chị Thủy cho biết: “Hơn 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên các trường nghệ thuật đã tự nguyện tham gia, chấp nhận vất vả để có thể hoàn thành sớm công việc. Vào mùa thu năm 2010, “Con đường gốm sứ” sẽ hiện diện tươi sáng và hoành tráng như một món quà ý nghĩa được thực hiện với công sức của rất nhiều cá nhân, tập thể, của người Việt và bạn bè quốc tế. Một lần nữa, lịch sử làm gốm lâu đời của Việt Nam được tôn vinh qua ngôn ngữ của nghệ thuật gốm đương đại. Riêng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc ở Báo Hà Nội Mới, đồng thời tiếp tục dành hết công sức và tâm huyết cho dự án này”.

 

Với người dân Hà Nội gốc, tôi biết ai cũng dành cho thành phố này một tình yêu. Khi tìm hiểu về Nguyễn Thu Thủy, tôi biết chị là một người có nhiều ký ức đẹp với phố xá thân yêu và cũng từ tình yêu đối với thủ đô, chị đã có cảm hứng để làm nên dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, cũng như họa sĩ Văn Thơ đã từng có đề án “Thành phố bên sông Hồng”; cả hai có tên trong danh sách giải thưởng “Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội”.

 

Nguyễn Thu Thủy tâm sự rằng ý tưởng “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” ra đời khi chị được chứng kiến cuộc khai quật khảo cổ tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào cuối năm 2003. Những đầu phượng, đầu rồng lớn bằng đất nung, những lá đề và đầu ngói ống trang trí, viên gạch trang trí hoa cúc dây thời Lý, thạp gốm lớn hoa nâu thời Trần, bình gốm men lam và men trắng rạn thời Lê... đã khiến chị xúc động mạnh và nghĩ về một dòng chảy lịch sử xuyên suốt được lưu giữ trên chất liệu gốm, được cất giữ ngay giữa trái tim thủ đô. Chị ấp ủ ý tưởng về một con đường gốm sứ tôn vinh chất liệu gốm truyền thống lâu đời của cha ông và sẽ tái hiện lại một phần những họa tiết, hoa văn đẹp theo dòng chảy lịch sử trên con đường này.

 

Nhưng phải đến khi sang Đức học một khóa ngắn hạn về báo chí, chị mới có dịp tiếp xúc với nhiều công trình kiến trúc ốp gốm đồ sộ. Qua thời gian làm báo, chị hiểu rằng ở Việt Nam cũng có nhiều làng gốm nổi tiếng. Tại sao không dùng gốm Việt để làm đẹp cho Hà Nội? Cũng từ đó, chị chụp nhiều bức ảnh công trình ốp gốm của nước ngoài về tham khảo. Đến tháng 11/2006, đề án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” ra đời. Tác giả đề án muốn thực hiện nó trên đường đê Yên Phụ nối từ cửa khẩu An Dương tới cửa khẩu Vạn Kiếp. Đó là con đường thân thuộc mà hàng ngày chị vẫn đi làm qua. Với sự quyết tâm, sự động viên giúp đỡ của gia đình và bè bạn, đề án thành công, được UBND TP Hà Nội phê duyệt và cho phép triển khai vào cuối năm 2007. Đây là công trình nghệ thuật cộng đồng mang đến một không gian mới, đẹp hơn cho thủ đô. Mục tiêu của dự án là thực hiện một bức tranh gốm khổng lồ dọc theo bờ đê sông Hồng dài 6km. Dự án đã nhận được quyết định của UBND TP Hà Nội cho phép triển khai. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP Hà Nội là đơn vị chủ trì dự án; Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội được giao là đơn vị triển khai dự án. Thành phố cũng ra quyết định thành lập Hội đồng Nghệ thuật gồm 9 thành viên đến từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Liên hiệp các hội VHNT Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc. Chị Thủy nói: “Tôi muốn kêu gọi sự đóng góp, xã hội hóa của các cá nhân, tập thể đối với những tấm lòng yêu Hà Nội và không dùng ngân sách của Nhà nước. Dự án này rất mở. Mở cả cho các nghệ sĩ tham gia sáng tác và mở cho những ai yêu mến muốn có một quà tặng cho Hà Nội”.

 

Với dự án này, làm để trưng ngoài tường đê, chịu được tác động của thời tiết, các họa sĩ phải tìm tòi những chất men không bị bong rộp ngoài trời nóng, nhiệt độ nung đạt 1.200 độ C để chịu được mưa nắng. Sau đó, còn phải tìm cộng sự, những nghệ sĩ phù hợp với dự án. Vào tháng 5/2007, chị Thủy tổ chức một trại sáng tác gốm ở Bát Tràng và trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học - vừa để thuyết minh với các nhà quản lý, vừa để chọn những nghệ sĩ có phong cách phù hợp với dự án. Không ai biết chồng chị Thủy - anh Nguyễn Huy Cường - đã bán đi chiếc Peugeot cổ lấy 90 triệu cho vợ mở trại sáng tác và triển lãm. Sự quyết tâm, táo bạo đó đang làm nên một “Con đường gốm sứ” thực sự. Chị Thủy vui vì những gì mình đã làm, vì được góp sức làm đẹp cho thủ đô, cho thành phố mến yêu của mình.

 

Một tin vui lớn, UNESCO cũng sẽ đóng góp một trường đoạn gốm tái hiện các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam: Cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ... Chẳng bao lâu nữa, Đại lễ mừng Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi sẽ được tổ chức. Khắp cả nước đang có nhiều sự kiện hướng tới đại lễ này. Cũng có những món quà giá trị vật chất, giá trị tinh thần được đăng ký dâng lên đại lễ. Trong đó, dự án “Con đường gốm sứ bên sông Hồng” là món quà của nhà báo Nguyễn Thu Thủy và các cộng sự của chị, là một trong số những món quà ý nghĩa, thiết thực nhất.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek