Thứ Ba, 11/02/2025 07:52 SA
Người về bỗng nhớ...
Chủ Nhật, 11/04/2010 14:00 CH

Trăm năm vô biên chưa lần hội ngộ

Lại thấy trong ta hiện bóng con người

(Một cõi đi về)

 

TCS-100410.jpg

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tôi đã được vinh hạnh hơn một lần hội ngộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng hình bóng ông không hiện lên qua đôi lần gặp gỡ mang tính xã giao mà in đậm trong tôi qua từng ca khúc.

 

Không phải bàn đến sự dâng hiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho đời, bởi có nhiều người khẳng định rằng: Chỉ cần một tình khúc của Trịnh Công Sơn là đã làm nên một tên tuổi! Và cũng không phải nói gì thêm về tình đời, tình người của nhạc sĩ họ Trịnh, bởi những ca khúc phản đối chiến tranh và tất cả những tình khúc của ông đã nói lên điều đó. Điều tôi muốn nói là âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã đi vào lòng người, thấm đẫm tình cảm trong mỗi con người ở mọi tầng lớp xã hội. Ai nghe nhạc ông cũng cảm thấy có cái gì “giống như là của mình” ở trong đó. Nó có niềm an ủi sẻ chia và trong hoàn cảnh nào nó vẫn tồn tại giữa lòng công chúng.

 

Còn nhớ, vào những năm đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân bắt đầu xây dựng cuộc sống mới, rồi chiến tranh biên giới nổ ra. Lúc đó hoàn cảnh xã hội không cho phép mọi người “lơ là” mà phải quyết liệt đối đầu với thực tế khó khăn để tập trung lao động sản xuất và chiến đấu. Thời này “nhạc vàng” gần như cấm tiệt; những ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn cũng không đến được với khán thính giả. Tuy nhiên trong lòng những người yêu nhạc, nhạc Trịnh vẫn luôn hiện hữu. Lúc nhỏ tôi đã có lần bắt gặp một chị thanh niên xung phong lén ra bờ suối hát những bài tình ca của Trịnh Công Sơn rồi khóc. Nhìn đôi vai gầy của chị rung lên, tôi thấy thương chị quá, chắc là chị nhớ nhà hay nhớ người yêu. Từ đó trong tôi đã có âm hưởng của nhạc Trịnh.

 

Lớn lên một chút, tôi theo các anh trong đội chiếu phim lưu động phục vụ bà con miền núi. Ngoài giờ chiếu phim phục vụ, tôi thấy các anh ấy cứ bật đi, bật lại một trường đoạn trong phim Như thế là tội ác, trong đó có cảnh ca sĩ phòng trà (diễn viên Thẩm Thúy Hằng đóng) hát bài Diễm xưa. À, hóa ra các anh ấy “ghiền” nhạc Trịnh. Những năm tháng đó, mỗi lần có dịp từ Tuy Hòa vào Nha Trang, suốt một đoạn đường dài ở đèo Cả, thỉnh thoảng lại thấy trên vách những hòn đá to ai đó đã ghi những dòng chữ: Diễm xưa, Cát bụi, Tình xa... Trên những chuyến xe về chiều nắng hắt, khi bắt gặp những dòng chữ như tiễn biệt, như hoài niệm, lòng sao mà bâng khuâng nhung nhớ.

 

Từ khi tôi tham gia công tác thanh niên, giai điệu và lời ca Nối vòng tay lớn cứ rung lên như giục giã trong trái tim tôi. Rồi những khi vấp ngã trên đường đời cơ hồ không gượng nổi, có những đêm vắng ôm đàn tôi tự nhủ mình: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng!”. Có lần, một ông già gốc Huế bảo tôi: “Cậu thấy không, không có nhạc sĩ nào được nhiều người biết đến như Trịnh Công Sơn. Không có tư gia nào, quán cà phê nào mà không có nhạc Trịnh. Ông ấy là nhạc sĩ của mọi người!”.

 

Một chiều Sài Gòn “mưa rồi chợt nắng...”, trên góc hẹp của ban công nhà trọ nhìn ra cầu Lê Văn Sĩ với dòng người xe cuồn cuộn chảy, trước mặt tôi là con kênh Nhiêu Lộc dòng nước lững lờ trôi, xa kia là những cánh chim chiều bảng lảng. Vệ cỏ bên đường, sỏi đá vô tri, hoa dại trôi trong miền hoài cảm... Những ca từ của Trịnh Công Sơn cứ rưng rưng trong nắng trong mưa.

Thật sâu, thật sâu trong tâm tưởng người yêu nhạc, ông mãi là Đóa hoa vô thường.

 

HOÀNG CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek