Họa sĩ Lê Đình Nguyên là người yêu quê, yêu sự mộc mạc của làng quê. Có lẽ vì thế mà cây cọ sinh ra ở Hà Nội nhưng quê gốc ở Quảng Ngãi này đã đưa con trâu - bạn của nhà nông, một hình ảnh vô cùng quen thuộc của làng quê - vào các tác phẩm điêu khắc của mình. Và có lẽ, con trâu đã gợi cho anh nhiều cảm xúc, chở anh về với tuổi thơ nơi quê xa...
Họa sĩ Lê Đình Nguyên
36 tác phẩm về trâu là 36 ý tưởng, trăn trở và cũng là 36 cách nhìn về con trâu - “đầu cơ nghiệp” của nhà nông trước kia. Mỗi tác phẩm có một cái tên lạ: Trâu lá đa, Trâu mục đồng, Trâu tế, Trâu tằm, Trâu cổng...; tất cả được giới thiệu trong triển lãm đầu tiên của Lê Đình Nguyên được tổ chức mới đây.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên nói rằng, có được triển lãm này là nhờ những năm tháng tuổi thơ. Khi anh đang sống ở miền Bắc thì Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại. Anh phải sơ tán về quê. Ở đó, anh sống trong sự đùm bọc của người thôn quê, gần gũi với những chú trâu hiền lành. Hình ảnh con trâu đi vào tâm hồn cậu bé Nguyên - lúc đó mới 4 tuổi. Anh đã làm bạn với trâu, chăn trâu, cắt cỏ cho trâu và có những kỷ niệm tuổi thơ đẹp trên lưng trâu. Và vì thế, con trâu trong điêu khắc, tạo hình cũng đẫm cảm xúc tuổi thơ anh.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên sinh năm 1960, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 1987, hiện là họa sĩ chính của Nhà hát Múa rối Việt
Một tác phẩm trâu của Lê Đình Nguyên
Họa sĩ Lê Thiết Cương đã rất có lý khi nói: “Điêu khắc đâu chỉ là đục khoét, đẽo gọt. Những con trâu của Nguyên có yếu tố này nhưng chỉ là bè phụ. Cái bè chủ đạo, cái mới, cái sáng tạo của Nguyên chính là anh đã cho trâu hóa thân vào cối giã gạo, vào phố cổ, vào cổng làng... bằng cách lắp ghép, kết nối, đan cài, pha trộn phần phụ, phần điêu khắc với những đồ dùng, dụng cụ hằng ngày, bình thường của đời sống nông nghiệp như gàu sòng, giậm, hom, đó, dùi đục, chày cối, chuông mõ, dao quắm... Những đồ vật quen thuộc, bình thường bỗng trở nên khác lạ và đặc biệt”.
Một số họa sĩ nhận xét: Trâu của Nguyên được tạo bằng cái nhìn ngây thơ. Không chỉ có vậy, Nguyên làm nghệ thuật và những con trâu điêu khắc kia được chưng cất bằng cái đầu nghệ thuật. Ở đó, mỗi tác phẩm dường như đang đối thoại với Nguyên, đối thoại với người xem và đối thoại với những ai từng có hình ảnh con trâu trong lòng.
DIÊN KHÁNH