Tối 1/4 tới, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 35 năm giải phóng Phú Yên sẽ tưng bừng diễn ra tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa). Gần 20 ngày qua, 180 diễn viên chuyên và không chuyên miệt mài tập luyện để mang đến cho người xem một đêm diễn ấn tượng trong dịp kỷ niệm hết sức đặc biệt. Báo Phú Yên phỏng vấn nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, về chương trình nghệ thuật này.
Diễn viên luyện tập một tiết mục hát múa – Ảnh: MINH NGUYỆT
* Trong các năm qua, Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển đã dàn dựng, biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật mang tính sử thi, trong những dịp chào mừng, kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh. Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 35 năm giải phóng Phú Yên có gì mới, thưa ông?
- Trong nghệ thuật, phải luôn tìm tòi cách thể hiện mới. Lần này cũng vậy, đoàn Sao Biển muốn làm một chương trình lạ hơn và mới hơn. Anh em đã suy nghĩ rất nhiều, xây dựng kịch bản như một câu chuyện, với sự dẫn chuyện của hai cựu chiến binh. Họ cùng các diễn viên “kể” câu chuyện về quê hương Phú Yên bằng nghệ thuật, từ giai đoạn kháng chiến cho tới lúc hòa bình.
Đoàn cũng đã tìm ngôn ngữ mới trong múa, đưa lên sân khấu hình ảnh hàng rào ấp chiến lược, tiếng mõ tre…, đồng thời đưa bài chòi vào một sân khấu có múa. Trước đây, trong các chương trình biểu diễn, bài chòi được thể hiện bằng hình thức đơn ca hoặc đưa vào kịch. Còn bây giờ, chúng tôi đưa bài chòi vào một chương trình ca múa nhạc. Bên cạnh đó, một bài thơ cũng được đưa vào, cùng với múa minh họa. Hy vọng người xem sẽ cảm thấy bất ngờ.
* Những chương trình nghệ thuật mang tính sử thi thường quy mô, hoành tráng, tuy nhiên cũng có phần “cứng” hơn các chương trình khác. Đoàn Sao Biển làm thế nào để chương trình “mềm” hơn và thu hút nhiều khán giả hơn?
- Nói chung, dàn dựng các chương trình nghệ thuật mang tính sử thi không khéo sẽ bị “cứng” và lặp lại, vì nhiều nơi đã làm và đoàn Sao Biển cũng đã làm nhiều lần. Lần này, chúng tôi có những nét mới trong hòa âm phối khí, để những bài hát “mềm” hơn, cách dàn dựng múa cũng nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi không diễn minh họa một cách khô cứng mà chú trọng yếu tố nghệ thuật. Trong cách chọn ca khúc cũng như dẫn chuyện, chúng tôi cố gắng để tạo nên sự cuốn hút người xem.
* Ông có thể tiết lộ đôi nét về chương trình nghệ thuật kỷ niệm 35 năm giải phóng Phú Yên?
- Đợt này, đoàn được chỉ đạo xây dựng hai chương trình. Một chương trình phục vụ lễ mít tinh vào sáng ngày 1/4. Chương trình này khoảng 20 phút, khái quát hình ảnh Phú Yên trong kháng chiến, trong xây dựng và ngày hôm nay. Chương trình thứ hai biểu diễn vào tối 1/4, cũng tại quảng trường, được chú trọng đặc biệt về mặt nghệ thuật. Chương trình gồm hai phần với gần 20 tiết mục, trong đó có một tiết mục thơ múa và hoạt cảnh bài chòi.
![]() |
Các ca sĩ, diễn viên đang luyện tập - Ảnh: M.NGUYỆT |
* Đoàn Sao Biển chuẩn bị chương trình nghệ thuật này từ khi nào?
- Ý tưởng thì có khá lâu rồi, nhưng phải chờ lãnh đạo quyết rồi mới triển khai. Anh em bắt đầu tập luyện từ ngày 10/3. Bên cạnh các ca sĩ, diễn viên của Sao Biển, đoàn còn huy động sinh viên Trường Đại học Phú Yên, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, Trường Cao đẳng Xây dựng số 3. Khoảng 180 diễn viên. Đây là chương trình nghệ thuật đông diễn viên nhất từ trước tới nay mà đoàn Sao Biển dàn dựng. Đây cũng là đợt tập dượt chuẩn bị lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011.
* Được biết, đêm diễn này còn có sự tham gia của Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chung Buk. Họ sẽ mang đến chương trình những tiết mục gì, thưa ông?
- Theo thông tin từ Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chung Buk, đơn vị bạn sẽ biểu diễn hai tiết mục, trong đó có một bài hát ca ngợi hòa bình, một tiết mục dân ca Hàn Quốc và dân ca Việt Nam.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ!
LÂM VY (thực hiện)