Thứ Tư, 12/02/2025 08:08 SA
Lướt qua “một chặng đường thơ”(*)
Thứ Ba, 23/03/2010 16:00 CH

Năm Canh Dần 2010, Đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên đã tròn 30 tuổi. Việc tổ chức kỷ niệm sao cho tương xứng với bề dày của đêm thơ truyền thống này là hết sức cần thiết. Ban tổ chức đã quyết định nâng đêm thơ lên thành hội thơ với nhiều hoạt động mang tính lễ hội.

 

sach.jpg

Do nhiều yếu tố khách quan, các chương trình hoạt động phục vụ Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên và ấn phẩm Tuyển thơ 30 năm Nguyên tiêu Phú Yên 1980-2010 là công trình được hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Không quá ba tuần lễ, ban nội dung gồm 10 thành viên đã đọc hơn nghìn bài thơ trong các tập thơ Nguyên tiêu in từ năm 2000 đến nay, cùng với số lượng gần 300 bài thơ gửi về tham gia Đêm thơ Nguyên tiêu năm 2010. Cuối cùng, tập thơ cũng đã hoàn thành đúng hẹn. Một tập thơ dày dặn, bìa cứng, in đẹp, được chia làm ba phần. Phần I gồm 226 bài thơ của 116 tác giả trong và ngoài tỉnh Phú Yên.  Phần II là các bài viết về đêm thơ. Phần III in một số ảnh tư liệu các đêm thơ những năm qua.

 

Đây là món quà có ý nghĩa dành cho các tác giả thơ và công chúng yêu thơ nhân dịp nhìn lại một chặng đường thơ xuân của tỉnh nhà.

 

Trong tuyển tập, có tác giả từng gắn bó với đêm thơ đã đi vào cõi vĩnh hằng như Ái Dân, Đào Khải, Lê Xuân Huy, Lê Thiện Ngân (ở Phú Yên) và ngoài tỉnh như Nguyễn Văn Phương (Huế), Trần Việt Kỉnh (Khánh Hòa)...; có tác giả mới tham gia lần đầu như Hoàng Nguyên Chương với bài Đá Bia như một làn gió lạ làm ngơ ngẩn lòng người: 

 

Có một Đá Bia dừng chân phương Nam

Lồng lộng giữa trời, uy nghi hùng vĩ

Năm tháng chờ ai bên đường thiên lý

Để lại màu mây đọng cả nghìn xưa

...

Có một Đá Bia đi vào nỗi nhớ

Một đời hóa  đá, một đời ngóng trông

Người đã xa rồi mây bay muôn thuở

Còn để vầng trăng bên núi bên lòng…” 

 

Đá Bia của Hoàng Nguyên Chương không dữ dội như bài thơ nổi tiếng Đèo Cả của cố nhà thơ Hữu Loan (cùng viết về một vùng đất), bởi cái du dương của nhạc điệu bài thơ như tiếng mẹ ru con đã tạo nên một nét duyên riêng. 

 

Trong Tuyển thơ 30 năm Nguyên tiêu Phú Yên 1980-2010 có những câu thơ điệu đàng nhưng đọc rất thích: 

 

Dẫu trăng vỡ vẫn là trăng mười sáu

Con đò nằm người bước xuống thành sông…”

(Trần Văn Lan)

 

Tôi còn nặng nợ miền biên viễn

Với rừng-với núi - với rưng rưng

Lòng nhủ lòng thôi ta lại hẹn

Vớt trăng đáy biển chở lên rừng

(Hữu Kim) 

 

Tập thơ có “chiều dài” là 30 năm nên phần lớn các tác phẩm đều phản ánh những chặng đường phát triển đời sống xã hội, những đổi thay trên quê hương Phú Yên trong quá trình đổi mới. Ở đây, thơ gắn với hơi thở cuộc sống tháng ngày đã qua và tháng ngày đang tiếp nối, như các bài: Cả vùng xanh mía Tuy Hòa (Ngọc Liên), Người chăn dê dưới chân núi Chóp Chài (Mầu Huy Hoàng), Tết quê ngày ấy (Nguyễn Kim Ngân)...

 

Đọc những câu thơ viết về một thời chưa xa ấy, với cái nhìn của ngày hôm nay, ta không khỏi bồi hồi xúc động với rung cảm chân tình của những nhà thơ yêu mến buổi ban đầu còn thiếu thốn của “đất Phú trời Yên”:  

 

Ngồi trước biển xanh với ngọn sóng bạc đầu

Thành phố cát, cây chưa xanh bóng tỏa

Nhà mới dựng còn tươi màu ngói đỏ

Đường mới thành đường, chưa kịp thành tên. 

Nhiều phố còn chưa đủ ánh đèn

Mùi mực nướng thơm vào ngõ vắng

Nước mắm nhỉ như mật ong vàng óng

Tỏa thơm lừng ngọn gió buổi ban mai.”

(Nguyễn Văn Chương) 

 

Đề tài quen thuộc nhất và cũng thu hút bao trái tim thơ nhất mỗi dịp Nguyên tiêu ở Phú Yên là núi Nhạn sông Đà với rêu phong tháp cổ, với hồn đất hồn người nơi đây. Từ Khánh Hòa, nhà thơ Phạm Dạ Thủy đã gửi về đêm thơ những lời thơ đắm đuối được nhiều người nhắc nhớ: 

 

Tuy Hòa trong tôi xanh như một ước mơ

Đêm Nguyên tiêu tự bao giờ đã thành nỗi đợi

Vần thơ năm qua ủ hoài chưa chín tới

Chờ trăng gió Tuy Hòa hong lại để hồng thêm.” 

 

Cùng với cảm xúc này, nhà thơ Liên Nam đã nói về ngọn gió thơ trên núi Nhạn như một biểu tượng của những tâm hồn thi sĩ: 

 

Như em đến để rồi em ở lại

Trong lòng anh ghe chở ánh trăng đầy

Nếu mai xa có ai lên núi Nhạn

Sẽ thấy tình tôi mang gió thổi về đây.”  

 

Cũng thật lãng mạn và đa cảm khi tác giả Đăng Nguyên viết về cây cầu Đà Rằng hăm mốt nhịp một thời được xem là dài nhất miền Trung: 

 

Nhớ hôm chào biệt tôi đi

Có chăng kỷ niệm còn gì nữa đâu

Qua rồi hai mốt nhịp cầu

Nhìn người ở lại nỗi sầu hăm hai.” 

 

Thật thú vị và bất ngờ, cây cầu đã dài càng được chắp dài thêm bởi cái nhìn mới mẻ của thi nhân!

 

Có thể nói, quê hương, cuộc sống, con người... khi vào tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và vào thơ ca nói riêng đã trở nên mới mẻ hơn, đáng yêu hơn, và dạt dào cảm xúc.

 

Với 226 bài thơ, đôi dòng cảm nhận này chỉ là sự điểm xuyết những câu thơ bất chợt. Mong rằng bạn đọc sẽ bổ khuyết những bất cập theo cảm nhận của riêng mình khi đón đọc tập thơ.q

____________________ 

 

(*) Đọc tập Tuyển thơ 30 năm Nguyên tiêu Phú Yên 1980-2010 của Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành tháng 2/2010. 

 

HUỲNH VĂN QUỐC 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thướt tha yếm thắm, áo dài
Chủ Nhật, 21/03/2010 17:13 CH
Ấn tượng Nhịp thở biển
Chủ Nhật, 21/03/2010 08:44 SA
Sẵn sàng “khai hội”
Thứ Bảy, 20/03/2010 10:30 SA
Háo hức chờ Duyên dáng Việt Nam
Thứ Bảy, 20/03/2010 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek