* 24 tỉ đồng đầu tư tôn tạo mộ, đền thờ Lương Văn Chánh
Trong hai ngày 20-21/3 (tức mùng 5, mùng 6 tháng 2 năm Canh Dần), tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh ở thôn Long Phụng, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), UBND huyện Phú Hòa phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên tổ chức lễ rước sắc, tế cáo yết và rước linh vị từ mộ về đền thờ ông theo nghi thức cổ, dâng hương tưởng niệm danh nhân và tổ chức hội đền Lương Văn Chánh.
Lãnh đạo tỉnh và nhân dân dự lễ dâng hương tưởng niệm Lương Văn Chánh - Ảnh: D.T.XUÂN
Các đồng chí Phạm Đình Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Văn Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các vị lão thành cách mạng, lãnh đạo Mặt trận, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Phú Hòa đã đến dự lễ kỷ niệm.
Tại buổi lễ, các vị đại biểu đã nghe diễn văn ôn lại công lao to lớn của danh nhân Lương Văn Chánh trong việc tổ chức, lãnh đạo nhân dân khai khẩn đất hoang, mở mang vùng đất Phú Yên từ những năm cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Danh nhân Lương Văn Chánh sinh vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ XVI tại Thanh Hóa. Mùng 6/2/1597, Lương Văn Chánh được chúa Nguyễn Hoàng giao nhiệm vụ đưa lưu dân vào khai khẩn vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả (tức Phú Yên ngày nay). Ông cùng các phụ tá đã tổ chức cho dân khai khẩn đất đai gắn liền với quy dân lập ấp, tập trung trồng cây lương thực, làm thủy lợi; đồng thời khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi của vùng đất châu thổ các sông Cái, Đà Rằng, Bàn Thạch được phù sa bồi đắp, màu mỡ để khai khẩn, tổ chức sản xuất… Nhờ thế, vùng đất này phát triển thành một vùng nông nghiệp trù phú, cuộc sống của nhân dân nhanh chóng ổn định... Với tài năng, công lao của Lương Văn Chánh, cùng ý chí sức mạnh của nhân dân địa phương, những năm đầu thế kỷ XVII, vùng đất trấn biên đã trở nên trù phú, xóm làng đông đúc, trải dài từ Cù Mông đến núi Đá Bia, là cơ sở để chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa vào năm 1611. Sau khi Lương Văn Chánh mất vào ngày 19/9 năm Tân Hợi (tức năm 1611), tại thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, ông được nhân dân địa phương suy tôn là “Thành hoàng” và lập đền thờ để ghi nhớ công lao to lớn của ông đối với vùng đất Phú Yên. Đền thờ và mộ danh nhân Lương Văn Chánh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996.
Dâng lễ vật tại lễ tưởng niệm danh nhân Lương Văn Chánh - Ảnh: K.CHI
Nhân dịp này, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: bắt lươn dưới sông, kéo co, cưỡi trâu giật cờ… đã được tổ chức, thu hút hàng ngàn người dân tham gia và cổ vũ.
* Hiện nay, UBND tỉnh Phú Yên, huyện Phú Hòa đang đầu tư mở rộng, tôn tạo Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh với tổng vốn đầu tư khoảng 24 tỉ đồng, phục vụ tổ chức kỷ niệm 400 năm Phú Yên, Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 và cũng là kỷ niệm 400 năm ngày mất danh nhân Lương Văn Chánh(1611-2011). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Kim Anh cho rằng mở rộng đền thờ Lương Văn Chánh là một trong những công trình quan trọng trong các công trình kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành phát triển, chào đón Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011.
KIM CHI