Chủ Nhật, 06/10/2024 21:26 CH
Viết ở tiền tuyến -ngời sáng đạo lý đền ơn đáp nghĩa
Thứ Ba, 28/07/2009 13:00 CH

12 truyện, ký trong tập “Viết ở tiền tuyến” Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Yên xuất bản tháng 7/2009 tiếp nối mạch cảm xúc của nhà văn quân đội Tô Phương về đề tài chiến tranh cách mạng và những vấn đề vĩ thanh liên quan đến thân phận con người sau chiến tranh.

 

xetang-090728.jpg

Mở đầu tập “Viết ở tiền tuyến” là truyện ngắn “Hai mẹ con, hai anh hùng” – một trong 23 truyện ngắn được tuyển chọn vào Tổng tập truyện ngắn Việt Nam 1945 – 2005 (trang 243) của Nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2005.

 

Hơn 30 tuổi quân, thôi mặc áo lính đã 27 năm, Tô Phương vẫn là nhà văn quân đội không quân phục. Các sáng tác của ông luôn xoay quanh thân phận người lính và những chiến sĩ cách mạng một thời đã qua và trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Những cảm xúc tươi rói của một cựu binh một thời trận mạc gợi mở nhiều vấn đề thú vị, nhiều trăn trở về chiều sâu hy sinh của nhiều thế hệ nối tiếp nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, hạnh phúc và cả khổ đau của những mảnh đời đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Có thể điểm qua ba truyện ngắn đầu sách để khái quát nội dung xuyên suốt của tập sách.

 

Truyện Hai mẹ con, hai anh hùng với bối cảnh làng Mỹ An cách quốc lộ 1A không xa khái quát rất sâu hàng trăm làng Mỹ An.

 

Vùng “xôi đậu” ngày địch đêm ta của tỉnh Phú Yên và vùng tạm chiếm miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Ngay trước mũi súng quân thù, cách mạng vẫn xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tại những căn cứ lõm ngay trong lòng địch. Cả làng Mỹ An vắt kiệt sức người sức của cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Đất nước thanh bình, những người đóng góp nhiều nhất cho cuộc chiến vẫn còn xơ xác do di họa chiến tranh. Tiêu biểu cho phong trào Mỹ An là hai mẹ con: Cụ Lê Thị Kết và mẹ Phạm Thị Là.

 

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, kẻ thù lùng sục bắt bớ, trả thù những người kháng chiến cũ và quần chúng yêu nước. Mẹ Kết dứt ruột tiễn người con gái duy nhất mới 17 tuổi “đổi vùng” lên An Lĩnh để tạm lánh. Những tên ác ôn “dê cụ” như xã trưởng Hai Nhí. Mẹ hy vọng vùng đất An Lĩnh kiên trung sẽ tạo cơ duyên cho con gái mình gặp được cách mạng.

 

Những quần chúng cách mạng ở An Lĩnh rất nghèo như Bà Bảy Xanh đã dang rộng vòng tay đón Phạm Thị Là và cưu mang như người thân ruột thịt trong gia đình. Là một cơ sở cách mạng kiên trung, bà Bảy Xanh đã từng bước giao nhiệm vụ và giác ngộ chị Là trở thành chiến sĩ cách mạng.

 

Tại chiến khu An Lĩnh, chị Phạm Thị Là đã chăm sóc cán bộ trinh sát trẻ Phạm Hoàn bị thương nặng và duyên phận đã kết nối họ nên vợ nên chồng. Tình yêu đơm hoa kết trái và bi kịch thay đứa con trai chưa kịp chào đời thì người cha chiến sĩ bị địch phục kích, hy sinh trên đường 19.

Chị Là đặt tên con là Phạm Thành để nối chí cha và xin phép bà con An Lĩnh bồng con trở về quê cũ nương nhờ bà ngoại.

 

Phạm Thành lớn lên trong vòng tay của mẹ và bà ngoại. 17 tuổi, anh xung phong vào du kích xã và sau đó thoát ly lên huyện làm lính trinh sát, nối chí người cha liệt sĩ. Trong một chuyến công tác về làng, Phạm Thành anh dũng hy sinh. Bà ngoại và mẹ khô dòng nước mắt tre già khóc măng non.

 

Đất nước hòa bình, hai mẹ con – hai người mẹ nương tựa nhau trong một túp lều xiêu vẹo. Người mẹ đã chín mươi và con gái cũng đã sáu mươi. Gần hai mươi năm sau cuộc chiến, bà Phạm Thị Là được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà con làng Mỹ An nói rằng mẹ Lê Thị Kết cũng xứng đáng là Bà mẹ anh hùng trong lòng dân. Ngôi nhà tình nghĩa của đơn vị phụng dưỡng giành cho hai người mẹ những năm cuối đời là đoạn kết có hậu, ấm áp tình đời, an ủi hai thân phận cô đơn đã hy sinh, mất mát quá nhiều trong cuộc chiến.

 

Vọng phu hóa đá là câu chuyện của hai gia đình trí thức nông thôn yêu nước tiêu biểu của làng Tân Lập: thầy giáo Phan Huy và thầy thuốc Trần Bình Trọng. Họ là hai hạt nhân lãnh đạo cuộc cách mạng tháng Tám ở quê nhà. Như duyên nợ tự nhiên, con trai duy nhất của ông Phan Huy – anh Phan Hoành phải lòng người bạn học Trần Thị Minh là con gái của bác Trần Bình Trọng – bạn chiến đấu của cha mình.

 

Mười tám tuổi, như bao chàng trai khác đang là học sinh Lương Văn Chánh, Phan Hoành xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, gia nhập bộ đội. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Phan Hoành được đơn vị cho nghỉ phép chỉ một ngày để thăm nhà và giã biệt người yêu lên đường tập kết và là một trong những sĩ quan trở vào Nam chiến đấu đợt đầu tiên.

 

Trên binh trạm Trường Sơn, tình cờ Phan Hoành gặp Mẫn – em gái của người vợ chưa cưới trong sắc áo nữ chiến sĩ ở binh trạm Trường Sơn.

 

Mẫn kể cho anh rể những đau thương thống khổ của quê nhà và gia đình trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Chị Trần Thị Minh bị địch bắt bỏ tù, đã cắn lưỡi để kháng cự hành động cưỡng bức bỉ ổi của tên trưởng quận Bùi Nhe. Những người thân trong gia đình người bị đày đi Côn Đảo, người đau buồn đổ bệnh qua đời. Ra tù, Trần Thị Minh nương nhờ cửa phật ở chùa Phật học.

 

“Tiếng gà rừng gáy lao xao dưới bờ sông Xe Ra” nhưng câu chuyện giữa hai anh em về người thân, về xóm làng như mạch nguồn không dứt.

 

Cuộc chiến khá dài, những năm tháng ở Trường Sơn, Mẫn xây dựng gia đình với đại đội trưởng công binh Trần Xuân Trường, vừa có với nhau đứa con trai thì được tin chồng hy sinh. Rồi Phan Hoành cũng hy sinh ở mặt trận Nam Bộ trong mùa hè 1972.

 

Chiến tranh kết thúc, bao vành khăn tang trên đầu những người vợ, người mẹ và trẻ thơ bé bỏng. Dù nương nhờ cửa phật, Trần Thị Minh vẫn tròn bổn phận với đời – chăm sóc người thân cuối cùng, bà mẹ anh hùng Lê Thị Mai, bà mẹ chồng huyền thoại và ngày ngày ngước nhìn khóm hoa ngũ sắc bìa rừng như nàng Vọng phu hóa đá để nhớ thương một mối tình nghẹn lại bởi chiến tranh.

 

Điều còn trắc ẩn sau chiến tranh là câu chuyện cảm động về người lính bên kia chiến tuyến về với cách mạng và anh dũng hy sinh.

 

Người chiến sĩ ấy – liệt sĩ Trần Hữu Vinh trong mắt dân làng vẫn là lính ngụy chết trận hoặc mất tích. Người mẹ già Nguyễn Thị Nghĩa sống đơn côi lay lắt bởi người con trai độc nhất đã đi xa.

Người lính già đầu bạc sau cuộc chiến – Đại tá cựu chiến binh Phan Hiền nhớ lại trong chiến tranh, tiểu đoàn ông có tiếp nhận 20 tù binh đã được giác ngộ, tình nguyện đi theo cách mạng làm bộ đội giải phóng. Qua lý lịch trích ngang, ông vui mừng nhận ra người đồng hương trẻ Trần Hữu Vinh.

 

Trắc ẩn tình đồng đội sau chiến tranh, trong những tháng cuối đời, ông đã lặn lội đi nhiều nơi làm xác nhận cho liệt sĩ Trần Hữu Vinh. Ông đột ngột qua đời nhưng điều trắc ẩn sau chiến tranh đã được giải tỏa. Ông thanh thản ra đi sau khi đã hoàn thành thủ tục trả lại danh hiệu liệt sĩ cho đồng đội. Và người mẹ già lay lắt của người liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là nguồn an ủi cuối đời của một người mẹ chịu nhiều khổ đau trong cuộc chiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Ba trong mười hai truyện ký vừa đề cập cũng đủ khái quát mạch cảm xúc chủ đạo của nhà văn Tô Phương về đề tài chiến tranh như tên gọi tập sách Viết ở tiền tuyến. Văn phong dung dị mà vẫn lay động lòng người bởi chính cốt truyện và số phận của các nhân vật. Cách mạng là một dòng sông lớn hội tụ hàng triệu tấm lòng. Và hàng triệu số phận rất riêng ấy, không ai giống ai đều có những mất mát lớn lao trong cuộc chiến. Sự hy sinh cao cả và bi tráng của các thế hệ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh mãi mãi là tượng đài vinh quang, là bệ phóng để dân tộc tiến về phía trước trong cuộc chiến chống nghèo nàn lạc hậu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một người kỹ tính và hào phóng
Chủ Nhật, 26/07/2009 07:00 SA
Thời hạn hai tuần(Phim Mỹ)
Chủ Nhật, 26/07/2009 07:00 SA
Emma Watson - “cô phù thủy” xinh đẹp
Thứ Bảy, 25/07/2009 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek