Chủ Nhật, 06/10/2024 23:18 CH
Làm phim về cuộc sống ngành - nghề
Sơ sót là... thua!
Thứ Ba, 28/07/2009 07:18 SA

Tính chân thật của bộ phim sẽ làm thăng hoa cảm xúc của khán giả. Nhưng chỉ cần vài chi tiết mắc những lỗi sơ đẳng nhất về ngành nghề đang là bối cảnh cho câu chuyện thì phim sẽ gây phản cảm cho người xem.

 

Lap-trinh090728.jpg

Một cảnh trong phim “Lập trình cho trái tim” – Nguồn: NLĐ

 

HẤP DẪN BỞI NÉT ĐẶC TRƯNG

 

Việc khai thác bối cảnh ngành - nghề cũng như chuyện hậu trường của các ngành nghề đó được xem như một nỗ lực tìm tòi của các nhà làm phim nhằm mang đến cho khán giả món ăn tinh thần phong phú hơn. Xã hội muôn vàn công việc khác nhau, đó chính là nguồn “tài nguyên” vô tận để các biên kịch khai thác. Thêm vào đó, mỗi công việc lại có một đặc trưng sẽ giúp các biên kịch sáng tạo nhiều tình huống riêng, tránh được sự trùng lắp nhàm chán. Mặt khác, một bộ phim làm về nghề nào đó không chỉ thu hút khán giả xem truyền hình bình thường mà còn lôi kéo thêm nhóm đối tượng khán giả là những người trong nghề. Một yếu tố khác khiến những phim làm về nghề, nhất là những nghề đang “hot”, luôn kích thích trí tò mò của người xem là những chi tiết mang tính thông tin hậu trường. Đó là những lý giải dễ hiểu nhất cho xu hướng phim truyền hình khai thác người và nghề hiện nay.

 

SAI SÓT: THƯỜNG TÌNH

 

Những bộ phim gần đây bị dư luận lên tiếng chỉ trích nhiều vì những người làm phim chưa am hiểu gì mấy về chuyên môn của lĩnh vực, ngành nghề được đưa lên phim. Phim 13 nữ tù nhân, có án tử hình vì tội ngộ sát (?!), phim Lập trình cho trái tim do FPT Media - một đơn vị trực thuộc Công ty Tin học FPT- sản xuất nhưng có nhiều lỗi về nghề. Nhiều người nhận ra việc dùng CD để chuyển dữ liệu như trong phim rất tốn kém và thiếu thực tế vì có thể dùng mạng nội bộ và USB, còn dân trong nghề phát hiện trong phần thuyết trình của cuộc thi Miss IT, Vũ Vũ dùng từ “mã hóa” để nói về việc biến ý tưởng thành một phần mềm bằng cách sử dụng ngôn ngữ lập trình là sai. Đúng ra chỉ cần nói “lập trình” đằng này lại dùng từ “mã hóa” nghe cho có vẻ IT nhưng rốt cuộc không đúng.

 

Trước đây, phim Nghề báo cũng bị các nhà báo phản ứng mạnh vì mắc quá nhiều lỗi cơ bản về nghiệp vụ dù tác giả kịch bản có người nhà làm trong nghề. Ví dụ, nhân vật Thúy Bình viết bài điều tra nhưng chỉ xin tài liệu đồng nghiệp mà không hề kiểm chứng; tổng biên tập kỷ luật phóng viên bằng cách cho xuống làm lao công; phỏng vấn truyền hình trực tiếp nhưng chỉ với một máy quay phim xách tay và một người cầm micro... Xem loạt phim Cảnh sát hình sự, người trong nghề lắc đầu ngán ngẩm vì một số tình tiết quá thiếu chính xác, thể hiện sự non kém của trinh sát: theo dõi kẻ gian mà cứ đứng xa thập thò, ai nhìn cũng biết; giả tay chơi xâm nhập hang ổ bọn cướp mà như chàng nhà quê ra tỉnh. Gần đây, phim Những ngày hè xanh nói về thanh niên tình nguyện khi lên sóng bị người trong cuộc phản ứng dữ dội, đành lược bỏ một số cảnh...

 

LÀM PHIM NGÀNH - NGHỀ CỰC GẤP MƯỜI

 

Làm phim đã cực, làm phim liên quan đến ngành nghề còn cực gấp mười. Đó là cảm nhận chung của các đạo diễn từng làm phim về “ngành-nghề”. Bởi trước khi đến với bộ phim, tất cả họ hầu như là người “ngoại đạo”.

 

Bình thường làm một tác phẩm truyền hình để thuyết phục khán giả đã khó, làm một phim về nghề mà không bị dân trong nghề bắt bẻ càng gian nan hơn. Đạo diễn Tường Phương cho biết khó khăn đầu tiên khi anh bắt tay vào làm Câu chuyện pháp đình là “sự dốt nát” về kiến thức pháp đình. “Vì vậy, để giảm bớt phần nào sự thiếu hiểu biết này, tôi đọc sách và đi thực tế thật nhiều”- Tường Phương cho biết. Anh tìm gặp luật sư Trần Công Ly Tao để hiểu thêm những vấn đề liên quan đến công việc tòa án và không dưới chục lần kiên trì ngồi dự các phiên tòa. Đạo diễn Trần Ngọc Châu cũng chia sẻ kinh nghiệm, khi làm phim Taxi, trước khi bấm máy, anh phải đưa kịch bản cho những người trong nghề đọc để họ “nhặt sạn” tình tiết, lời thoại giùm - nếu có. Bên cạnh sự tìm hiểu của đạo diễn, các đoàn phim còn phải nhờ tới người cố vấn. 

 

 Thật ra, hầu hết các phim lấy đề tài ngành - nghề hiện nay cũng chỉ dừng ở mức mượn môi trường làm bối cảnh cho câu chuyện nhưng điều đó không có nghĩa cho phép người làm hời hợt, cẩu thả, không chịu tìm hiểu về đời sống của nghề mà mình muốn đề cập.               

 

(NLĐ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek