Chủ Nhật, 06/10/2024 22:19 CH
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân...”
Thứ Bảy, 06/06/2009 16:00 CH

Một người thành công như ông, gần 70 tuổi vẫn “trèo hái quả, chặt cành cây trong vườn và thỉnh thoảng lại nhóm  cành lá khô nhen lửa rang lạc, luộc hạt mít...”, dù cuộc sống gia đình chẳng thiếu thốn gì. Ông viết nhiều tản văn để thể hiện những xúc cảm của riêng mình, những câu chuyện chưa kịp viết thành tiểu thuyết và đôi khi chỉ viết để tặng mình. Đó là Nguyễn Khắc Phê, một nhà văn xứ Huế mộc mạc, cần mẫn. 

 

* Thưa nhà văn, có lần ông nói: “Trước khi cầm bút phải học làm người”. Thực ra, bất kể làm gì, chúng ta cũng phải học làm  người trước. Phải chăng khi  nói câu này, ông đã rất ý thức về “sứ mệnh” của người cầm bút?

 

Nguyen-Khac-Phe-090506.jpg
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê – Ảnh: PHẠM BÁ THỊNH
- Bây giờ hình như có không ít người, nhất là bạn trẻ, không muốn khoác cho nghề văn những “sứ mệnh” này nọ, thậm chí có người cho nghề văn như là một trò chơi. Còn lớp chúng tôi, khi vào đời là tham gia xây dựng CNXH ở miền Bắc rồi chống Mỹ, lúc đó chưa nghĩ gì về “sứ mệnh” nhà văn, nhưng rõ ràng những dòng chữ mình viết ra không phải để “chơi”. Hơn nữa, quan niệm “văn dĩ  tải đạo” có ảnh hưởng lớn đến nhà văn Việt Nam từ rất lâu.

 

* Theo ông, ở Việt Nam có bao nhiêu nhà văn ý thức được “sứ mệnh” đối với văn học?

 

- Tôi nghĩ phần lớn nhà văn Việt Nam cảm thấy mình có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước qua những trang viết của mình. Tôi không muốn dùng từ “sứ mệnh”, nghe to tát quá. Người có ý thức về trang viết không đồng nghĩa là người viết nhiều và viết hay. Và nền văn học nào thì người nổi tiếng cũng ít. Chưa nói là có người nổi tiếng không hẳn viết đã hay, mà do “lăng xê” hay viết một đề tài “trúng tủ”.  

 

* Dường như ngoài những dòng chữ gai góc ở thể loại tiểu thuyết, báo chí ra, nhà văn Nguyễn Khắc Phê khá “mềm lòng” trong thể loại tản văn, đặc biệt là ở tập Tản văn chọn lọc vừa xuất bản?

 

- Cuộc sống rất phong phú, tùy đề tài, thể loại mà viết “mềm” hay “gai góc”. Trong các tiểu thuyết của tôi đã xuất bản cũng có rất nhiều đoạn viết rất “mềm”. Ngay trong tiểu thuyết đầu tay Đường giáp mặt trận (1976), những đoạn tả tình mẹ con, anh em, tình yêu giữa Sơn - Loan…, và ngay cả khi miêu tả kỹ sư Sơn kẻ “đường đỏ” cho tuyến mới qua núi đá hiểm trở, cũng viết rất “mềm”.

Đúng là nhiều người viết tản văn thường thể hiện một cách mềm mại, thậm chí như một bài thơ; tôi cũng có những bài như thế. Nhưng trong tập Tản văn chọn lọc  vừa xuất bản, nếu bạn để ý sẽ thấy giọng văn đa dạng, có cả gai góc lẫn hài hước. Tôi nghĩ tản văn nên như thế, chứ không chỉ là những dòng chữ “đèm đẹp” đọc có vẻ hay nhưng ý tứ nhạt thếch.

 

* Ông có quan tâm đến các cây bút trẻ hiện nay?

 

- Không ít tác giả trẻ hiện nay có tài năng lại chịu tìm tòi sáng tạo, đã hình thành một “dòng” văn học được dư luận chú ý. Người trong nghề, lại thuộc loại cao tuổi như tôi càng phải quan tâm, để học hỏi và thưởng thức.

 

Tôi ủng hộ mọi tìm tòi đổi mới, nhưng bản thân sự mới lạ, độc đáo về hình thức chưa làm nên giá trị tác phẩm. Tôi cảm thấy một số tác giả mới chỉ có sự ồn ào bề ngoài mà còn ít sự dấn thân bền bỉ và thầm lặng. Khác với ca sĩ, nhà văn chủ yếu làm nên giá trị trong sự thầm lặng và cô đơn, như Nguyễn Xuân Khánh mười năm “im lặng” mới làm nên tiểu thuyết Hồ Quý Ly. Có như thế mới mong sáng tạo nên tác phẩm vừa có sức nặng và tầm cao của tư tưởng, trí tuệ, vừa có độ sâu sắc của một tâm hồn thấu hiểu mọi nỗi buồn vui của kiếp nhân sinh. 

 

* Chắc ông đang ấp ủ nhiều điều và chưa kịp viết?

 

- Bảy mươi tuổi rồi, dù cũng hiểu con người ta phải biết “tri chỉ” (biết dừng lại đúng lúc), nhưng “đã mang lấy nghiệp vào thân”, vẫn cứ muốn viết. Mà cuộc sống đã qua cũng như bao đổi thay đang diễn ra đều rất đáng viết. Nhưng thôi, “nói trước bước không qua”. 

 

* Rốt cuộc, văn chương đã đem lại điều gì cho ông?

 

- Khi mới cầm bút, ít người nghĩ nghề văn đem lại điều gì mà chỉ muốn được bày tỏ ý kiến, giãi bày tâm sự trước những cảnh đời xung quanh. Sau nửa thế kỷ cầm bút, kể từ bài ký đầu tiên đăng trên báo Văn Học năm 1959, với tôi, suy cho cùng thì điều thích thú nhất đối với người viết văn vẫn là được tự do miêu tả, bộc lộ, chia sẻ những suy nghĩ của mình trước cuộc đời với bạn đọc bằng những trang viết không bao giờ giống nhau, được quyền “bày vẽ” ra mọi thứ, từ gió bão đến hạn hán, từ vĩ nhân đến quái vật, đến cả sự sống chết… với mong muốn cuộc sống của mọi người ngày một tốt đẹp hơn, nhân ái hơn. So với những người, do sự phân công của xã hội, phải làm những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, thậm chí là hàng phút, thì được làm nghề văn quả là diễm phúc. Còn danh tiếng và tiền bạc - là con người, mấy ai không màng đến, nhưng văn chương xưa nay vẫn “rẻ như bèo”.

 

* Xin cảm ơn nhà văn!

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê sinh năm1939 ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình khoa bảng (bố đậu Hoàng Giáp thời vua Thành Thái). Ông từng là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Tác phẩm chính đã xuất bản: Vì sự sống con đường (tập ký sự, 1968), Đường qua làng Hạ (tiểu thuyết, 1976), Đường giáp mặt trận (tiểu thuyết, 1976; tái bản 1985), Chỗ đứng người kỹ sư (tiểu thuyết, 1980), Miền xa kêu gọi (tiểu thuyết, 1985), Những cánh cửa đã mở (tiểu thuyết, 1986; tái bản 2006), Nếu được chết thay em (tiểu thuyết, 1989), Mười ngày và cả mười năm (tiểu thuyết, 1997), Thập giá giữa rừng sâu (tiểu thuyết, 2003)…

 

DIÊN KHÁNH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đọc sách: Ước nhớ vườn xưa
Thứ Năm, 04/06/2009 19:00 CH
Shin Min Ah cuốn hút bên biển xanh
Thứ Năm, 04/06/2009 15:12 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek