Thứ Hai, 07/10/2024 04:25 SA
Những đặc trưng văn hóa Hàn Quốc
Thứ Ba, 26/05/2009 10:30 SA

Cùng với áo hanbok và kim chi, Hàn Quốc còn nổi tiếng với nhiều nét văn hóa đặc trưng khác như nhạc tế lễ Jongmyo, múa mặt nạ Talchum, món kim chi, bulgogi, bảng chữ cái Hangeul...

 

KIM CHI, BULGOGI - THỰC PHẨM CÓ LỢI CHO SỨC KHỎE

 

Talchum-090526.jpg

Múa mặt nạ Talchum.

Bulgogi, có nghĩa là thịt nướng, là món ăn phổ biến của người Hàn Quốc cũng như kim chi - món rau cải thảo muối có vị cay. Bulgogi được làm từ bất kỳ loại thịt nào, song thịt bò và thịt heo là loại thịt thường được dùng nhiều nhất. Gia vị là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của món bulgogi cũng như kim chi. Kim chi có thể được làm từ nhiều loại rau khác nhau, trong đó được sử dụng nhiều nhất là cải thảo và củ cải. Các loại rau được ngâm nước muối và rửa sạch. Sau khi để ráo nước, người ta trộn gia vị vào cải thảo và củ cải. Kim chi cung cấp ít calo và cholesterol nhưng lại giàu chất xơ. Kim chi thậm chí còn cung cấp nhiều vitamin hơn cả táo. Vì vậy, người ta thường nói rằng “ăn kim chi mỗi ngày khỏi cần đến bác sĩ”.  

 

HANGEUL - BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG HÀN QUỐC

 

Bảng chữ cái Hangeul được xây dựng từ thế kỷ XV bởi vị vua anh minh triều đại Joseon - vua Sejong. Bảng chữ cái gồm 14 phụ âm và 10 nguyên âm. Sự kết hợp giữa phụ âm và nguyên âm hình thành nên âm tiết, do vậy bảng chữ Hangeul có thể tạo thàng hàng nghìn chữ và thể hiện bất kỳ âm điệu nào. Vì tương đối đơn giản và có số lượng giới hạn, Hangeul rất dễ học. Nạn mù chữ hầu như không tồn tại ở Hàn Quốc nhờ bảng chữ cái dễ sử dụng này. 

 

JONGMYO JERYEAK - NHẠC TẾ LỄ JONGMYO

 

Vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 5 trong năm, hậu duệ của dòng tộc Jeonju Yi, hoàng tộc thời Joseon (1392-1910), làm lễ thờ cúng tổ tiên tại đền Jongmyo ở trung tâm Seoul. Mặc dù nghi lễ này được cử hành theo một nghi thức ngắn gọn rất nhiều so với trước, nhưng có tới 19 loại nhạc cụ cổ điển, bao gồm chùm chuông đá, chuông đồng, các loại trống, hòa nên âm thanh đặc biệt cho buổi lễ truyền thống.

 

TALCHUM - MẶT NẠ VÀ MÚA MẶT NẠ

 

Mặt nạ, thường được gọi là “tal” trong tiếng Hàn Quốc, được làm từ giấy, gỗ, quả bầu khô và lông. Hầu hết các loại mặt nạ đều phản ánh sắc thái và cấu trúc xương của gương mặt người Hàn nhưng cũng có một số loại mặt nạ thể hiện khuôn mặt của các vị thần và con vật, bao gồm cả tả thực và tưởng tượng. Hình dáng của các loại mặt nạ thường kỳ lạ và đã được cách điệu, vì “talchum” - loại hình múa mặt nạ - thường được biểu diễn vào đêm dưới ánh sáng của các đống lửa. Múa mặt nạ về cơ bản là loại hình nghệ thuật dân gian phát triển tự nhiên trong nhân dân thời kỳ Joseon, thời kỳ mà có ít sự phân biệt giữa giai cấp thống trị và thượng lưu trong xã hội với người dân thường. Các nghệ sĩ diễn viên và khán giả cùng hòa nhập vào các điệu múa tưng bừng ở cuối mỗi buổi biểu diễn.

 

NHÂN SÂM

 

Nhân sâm được trồng rộng rãi ở Hàn Quốc vì điều kiện khí hậu đất đai ở đây rất thích hợp. Để phân biệt nhân sâm trồng tại Hàn Quốc với sản phẩm có xuất xứ khác trên thế giới, nhân sâm Hàn Quốc được đặt tên là “Goryeong Ginseng” theo tên triều đại Goryeo - triều đại đã hình thành tên Hàn Quốc trong tiếng Anh là Korea.

 

Nhân sâm được sử dụng như là liều thuốc tăng cường sinh lực và phục hồi sức khỏe. Người ta tin rằng nhân sâm giúp tăng cường chức năng của các cơ quan quan trọng trong cơ thể, ổn định tim, bảo vệ dạ dày, tăng cường khả năng chịu đựng và sự ổn định của hệ thần kinh. Nhân sâm là một yếu tố cốt lõi trong Đông y, nhưng người Hàn Quốc thường dùng nhân sâm theo cách đơn giản hơn là uống trà hay rượu.

 

DI SẢN IN

 

Nghệ thuật in trên phiến gỗ bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII ở Hàn Quốc. Bộ chữ in kim loại đầu tiên của thế giới được người Hàn Quốc phát triển trước phát minh của Gutenberg (Đức) hơn 200 năm. Thường dân triều đại Goryeo (918-1392) đã làm ra Bộ kinh Phật Koreana từ thế kỷ XIII, và được công nhận là bản khắc gỗ kinh Phật tồn tại lâu đời nhất. Bộ kinh Phật Koreana đã được UNESCO xếp vào di sản văn hóa năm 1995.    

            

Theo Hàn Quốc ngày nay

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek