Thứ Năm, 03/10/2024 09:34 SA
Đêm thơ nhạc xuân Kỷ Sửu huyện Sông Hinh lần thứ nhất:
Hội tụ những sắc màu văn hóa
Thứ Năm, 12/02/2009 19:00 CH

Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, lần đầu tiên huyện Sông Hinh tổ chức đêm thơ nhạc mừng Đảng mừng xuân, trong khi TP Tuy Hoà và các huyện khác đã tổ chức được nhiều lần và gần như trở thành truyền thống. Có thể vì “sinh sau đẻ muộn” nên Sông Hinh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các địa phương khác để tạo nên một dấu ấn khá độc đáo cho riêng mình.

 

tho-2.jpg
Tiết mục "du xuân" dựa trên nền dân ca quan họ trong đêm thơ nhạc huyện Sông Hinh - Ảnh: Ngọc Cường

 

Để tổ chức đêm thơ nhạc, Phòng Văn hóa - Thông tin và Hội Văn học nghệ thuật của huyện đã có sự chuẩn bị khá chu đáo, từ khâu chọn địa điểm đến nội dung chương trình và nhạc công, ca sĩ. Có một sự trùng hợp khá thú vị là đêm thơ Nguyên tiêu đầu tiên của tỉnh được tổ chức vào năm 1980 tại Thư viện Hải Phú, thì đêm thơ nhạc mừng Đảng mừng xuân đầu tiên của huyện Sông Hinh cũng được tổ chức tại khuôn viên thư viện huyện, bên bờ hồ trung tâm thị trấn Hai Riêng rất thơ mộng. Gió mát, trăng thanh, khung cảnh hữu tình-chưa nói đến nội dung chương trình, chỉ riêng những yếu tố đó cũng đã thu hút hàng trăm người, đủ mọi thành phần, lứa tuổi và dân tộc. Cũng nhân dịp này, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Hinh đã phối hợp với nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh tổ chức triển lãm ảnh thời sự-nghệ thuật về Sông Hinh. Nét độc đáo làm nên thành công của đêm thơ nhạc không chỉ nhờ địa điểm tổ chức mà chính là những sắc màu văn hóa đa dạng thể hiện trong từng bài thơ, điệu múa, câu hát có sức truyền cảm và hấp dẫn đối với người xem.

 

Nói đến hoạt động văn học của huyện miền núi Sông Hinh, những người am hiểu không thể không nhắc đến hai cây bút người dân tộc thiểu số đã để lại dấu ấn không chỉ trong tỉnh mà cả nước. Đó là nhà thơ Môlô Y Choi với bài thơ Cô gái vót chông đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc và nhà văn Y Điêng hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Sông Hinh. Bằng những câu thơ mộc mạc mang đậm nét văn hóa Êđê, hai nhà thơ đã gởi đến người nghe những tình cảm của nhân dân miền núi Sông Hinh đối với Bác Hồ và cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Các tác giả người Kinh hiện đang công tác và sinh sống trên địa bàn huyện cũng góp thêm một tiếng nói trong vườn hoa văn hóa đa sắc của huyện. Đó là các tác giả Ngọc Cường, Trần Đình Pháp, Lê Thị Hiền Vương, Trần Thị Ánh Nguyệt, Trần Văn Trung, Thúy Diễm, Đồng Thanh Xuân…Tác giả Phan Sơn tả cảnh chiều cuối năm trên quê hương Sông Hinh bằng những câu thơ mộc mạc: “Nắng vàng trải chút mộng mơ/ Để người thương cảm chiều quê thanh bình/ Thương em đằm thắm nghĩa tình/ Bếp chiều tỏa khói, duyên mình gặp nhau”. Ngoài đồng bào người dân tộc Êđê, Bana và người Kinh định cư bao đời nay trên vùng đất Sông Hinh, còn có nhiều người từ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc mới vào lập nghiệp trong những năm gần đây. Và lẽ đương nhiên là họ cũng mang theo vào Sông Sinh cả những nét văn hóa độc đáo của nơi chôn nhau cắt rốn. Tác giả Hà Thị Kiên, qua bài thơ Nghe hát dân ca đã mang vào vùng đất núi Hai Riêng nỗi nhớ rất cảm động về vùng quê dân ca quan họ: “Nghe người ta hát dân ca/ Mà lòng tôi nhớ quê nhà khôn nguôi/ Hát chi người ở người ơi/ Hát chi thương giận để rồi khổ nhau”. Rồi cô bé Nguyễn Ánh Ngọc, học sinh lớp 11 quê ở Cao Bằng cũng góp thêm một giọng điệu độc đáo của dân tộc Tày qua bài thơ Tiếng xuân.

 

Sự phong phú về văn hóa được thể hiện rất đậm nét qua những tiết mục ca nhạc. Ban nhạc trẻ Drai Tang (Thác Giang) đã làm sôi động đêm thơ nhạc bằng bài hát Chim kơ tia và Mùa xuân lời ru với những giai điệu trầm hùng, da diết mang đậm sắc thái của văn hóa Êđê, như đưa người nghe đắm mình vào những bản trường ca bất hủ của Tây Nguyên. Ban nhạc do chàng trai Kso Y Thư, người dân tộc Êđê, tốt nghiệp Trường Văn hóa nghệ thuật quân đội phụ trách. Anh vừa là nhạc sĩ sáng tác vừa là giọng ca chính của ban nhạc. Hòa chung với bản sắc văn hóa Tây Nguyên còn có tiết mục múa hát Tiếng chày trên sóc Bombo với các chàng trai cô gái mặc trang phục Êđê nhảy múa quanh các cối gạo và bên những ánh lửa bập bùng, gợi nhớ đến những năm tháng vô cùng gian khổ và cũng rất hào hùng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ sau đó vài tiết mục, người xem lại được đắm mình trong các lễ hội của vùng đất quan họ với những tà áo tứ thân và khăn đóng qua bài hát Du xuân của nhạc sĩ An Thuyên dựa trên nền dân ca quan họ. Điều khá lý thú là các “cô gái, chàng trai” trong trang phục Êđê và trong tà áo tứ thân của hai tiết mục kia lại là các cô, các chú tóc đã muối tiêu trong câu lạc bộ Thơ thị trấn Hai Riêng. Họ đến đây từ nhiều vùng đất khác nhau ở miền Bắc với những nét văn hóa riêng của từng vùng, nhưng đã hòa mình rất nhuyễn vào những câu ca, điệu múa trong đêm thơ nhạc của Sông Hinh.

 

Có thể nói, đêm thơ nhạc Sông Hinh mừng Đảng mừng xuân là một bữa tiệc văn hóa - văn nghệ, dẫu chưa thể gọi là sơn hào hải vị nhưng là những món ăn tinh thần bổ dưỡng với nhiều cách chế biến khác nhau, không chỉ hợp khẩu vị mà còn ngon miệng, góp phần làm cho đời sống của người dân càng thêm phong phú. Hy vọng những năm tới, với vốn văn hóa vô cùng độc đáo này, đêm thơ nhạc Sông Hinh bên bờ hồ thơ mộng sẽ trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho những người yêu văn nghệ không chỉ trong huyện mà cả trong tỉnh.

ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek