Thứ Tư, 04/12/2024 15:41 CH
Xây dựng gia đình hạnh phúc bền lâu
Thứ Ba, 03/12/2024 10:54 SA

Gia đình là tổ ấm của mỗi người. Trong ảnh: Một gia đình tham gia hội thi Gia đình đọc sách tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội. Đây cũng chính là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người. Đảng ta đã xác định “xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội”, đồng thời nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hạt nhân của xã hội là gia đình”, “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn”.

 

Thuận vợ, thuận chồng…

 

Từng là một cô gái trẻ năng động, hết lòng vì công việc, từ ngày lập gia đình, chị Phạm Thị Lan ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) quyết định nghỉ việc tại công ty trở thành người nội trợ, mẹ “bỉm sữa” hết lòng quán xuyến việc nhà, chăm con, làm hậu phương vững chắc cho chồng.

 

Song cũng giống như những cặp vợ chồng trẻ khác, trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng chị Lan cũng xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, cả hai luôn tìm cách tháo gỡ để gìn giữ gia đình hạnh phúc.

 

Theo chị Lan, để gia đình hòa thuận không khó, quan trọng là mỗi người cần biết hạ cái tôi của mình một chút. Trước mỗi hành động hay quyết định, ai cũng nên nghĩ đến gia đình để cân nhắc điều gì tốt và xấu. Mọi việc trong gia đình nên có sự thống nhất của cả hai vợ chồng, có ý kiến chung sẽ giảm đi những quyết định cảm tính cá nhân. Khi mâu thuẫn, hai vợ chồng dành thời gian để nói rõ, giải thích để cảm thông, giải quyết bất đồng.

 

Vợ chồng trẻ này cho biết niềm hạnh phúc nhất chính là ngày đứa con đầu lòng chào đời. Sự xuất hiện của thành viên mới đã làm thay đổi cuộc sống tự do, thoải mái của vợ chồng son nhưng bù lại gia đình luôn tràn đầy tiếng cười.

 

Chị Lan chia sẻ: “Tôi thấy mình trưởng thành và dịu dàng hơn sau khi lập gia đình. Đặc biệt, từ khi có con, tôi càng hiểu ý nghĩa của gia đình, càng thấu hiểu những vất vả của cha mẹ, ông bà và càng thương yêu gia đình mình hơn. Vì thế, tôi luôn tự nhủ mỗi người một việc, tùy theo khả năng của mình làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình nhỏ”.

 

Thường ngày, vợ chồng anh Phan Xuân Thanh ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) cũng khá bận rộn với việc buôn bán. “Nhưng công việc là công việc, còn ở nhà, tôi vẫn bình đẳng và tôn trọng, chia sẻ với vợ. Tôi đảm trách việc đưa đón con đi học, nấu cơm cho gia đình. Cuối tuần, gia đình chúng tôi cố gắng tạo sự ấm cúng, hạnh phúc bằng việc đưa các con đi chơi hay cùng nhau quây quần bên bữa cơm tối tự nấu, cùng dạy con học bài, kể chuyện cho các con nghe...”, anh Thanh thổ lộ.

 

Phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình

 

Trải qua bao biến đổi của cuộc sống, giá trị này vẫn được giữ vững và phát huy. Trong cuộc sống, dù đây đó vẫn xảy ra tình trạng suy đồi về đạo đức, nhưng đó chỉ là những hạt cát nhỏ.

 

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, để con cái nên người, trước hết cha mẹ phải là tấm gương soi, gương mẫu trong từng lời nói, hành động, lối sống. Trong cuộc sống, dù lo toan với chuyện cơm áo gạo tiền, cha mẹ vẫn nên dành thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, phù hợp với từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của con.

 

Để vun đắp, phát triển hệ giá trị gia đình trong điều kiện hiện nay, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Các cấp, ngành, tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý về công tác xây dựng gia đình; tập trung xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình cần sớm được hoàn thiện theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc…

 

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người; gia đình còn là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại, phát triển đều phải biết chăm sóc, bảo vệ từng mái ấm gia đình. Nguồn năng lượng tích cực từ mỗi gia đình hạnh phúc sẽ giúp cho mỗi người cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước.

 

“Thực tế cho thấy, những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, phát triển bền vững”, bà Thái nhấn mạnh.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek