Trên đời này, có tình yêu nào thiêng liêng hơn tình mẹ, có ngọt ngào nào hơn những bế ẵm thuở nằm nôi cùng những điệu hát lời ru dìu dặt à ơi đưa con vào giấc ngủ. Những gũi gần, giản dị ấy như một mạch nguồn cứ tự nhiên mà thầm ngấm, mà lắng đọng, mà cồn cào yêu thương…
Chúng ta đều khởi nguyên từ những đứa trẻ, rồi bắt đầu những líu lo đầu đời khi đi qua tiếng hời ru của mẹ, hết hè lại sang đông, hết đêm thâu rồi lại ngày dài. Thật tiếc là ta không thể nhớ, chẳng thể hình dung mẹ đã bế bồng, hát ru, chăm bẵm ta như thế nào và gian nan ra sao. Để rồi khi làm chồng làm vợ, ta càng thấm thía hơn bao giờ hết câu nói của người đời “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”.
Niềm hạnh phúc lớn lao ấy đi kèm với đó là cơ man bộn bề, vất vả. Trong tiếng xôn xao tiếng trẻ khóc cười, ta đi qua nhiều bữa cơm ăn vội, canh cánh âu lo khi trái gió trở trời để thắc thỏm theo từng tiếng khò khè của con, triền miên bao đêm dài thiếu ngủ vì con quấy khóc… Và cũng chính nhờ con có mặt trên đời, ta mới trưởng thành hơn, sống trách nhiệm hơn, tận tường hơn một giá trị thiêng liêng vô giá và ý thức đến tận cùng công ơn trời biển của mẹ cha: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”...
Ấp iu qua tháng tháng ngày ngày, những yêu thương như ngọn lửa đượm nồng cứ thế nhóm lên giữa trùng trùng khó nhọc mà không một lời than trách. Nhìn con lớn lên mỗi ngày, đó là món quà tinh thần tiếp thêm nghị lực để mẹ cha bước qua những thiếu hụt về vật chất, cần mẫn hơn trong lao động, những mong dành cho con mọi điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình. Bản năng tự nhiên ấy đâu cần ai chỉ dạy, đâu cần ai nhắc nhở, khuyên răn.
Hôm nay chăm bẵm con mình, con mới đủ thấu cảm để thương mẹ cha biết nhường bao. Cái thời khốn khó ngày xưa ấy, mẹ lại sinh con đúng vào mùa giáp hạt, cơm không đủ no, sữa không đủ cho con bú, vừa trông con vừa phải bươn bả chợ sớm chợ chiều kiếm tiền chạy bữa. Mẹ kể, mỗi khi nồi cơm gần cạn, mẹ thường chiết nước cơm cho con uống thay sữa. Rồi chưa đầy tuổi, mẹ héo hon khi con bạo bệnh một thời gian dài, may mà vẫn bình an. Con thương thiết tha bài chính tả đầu đời khi con chọn chép những câu thơ về mẹ: “Lặng rồi cả tiếng con ve/Con ve cũng mệt vì hè nắng oi/Nhà em vẫn tiếng ạ ời/Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru…”. Đến tận bây giờ, chưa khi nào con nguôi xúc động khi chạm vào những vần thơ ấy, để rồi vẫn thường ngâm nga mỗi khi vỗ về con của mình, nó thiêng liêng làm sao, da diết làm sao!
Nếu trên đời này có tình yêu vĩnh cửu, thì chỉ có thể là nghĩa mẹ tình cha. Đó là tình cảm không thể đổi dời, ngay cả khi những đứa con lầm đường lạc lối; ngay cả khi với tài hèn sức mọn, mẹ cha vẫn một đời kinh qua hết lao lung, cơ cực vì con. Tình cảm ấy đủ sức mạnh vượt qua mọi thác ghềnh, rào cản để bảo vệ một tình yêu vô bến vô bờ mà chẳng mong cầu báo đáp.
Đêm nay, ngồi hát ru con, bất chợt những câu thơ ruột gan, ám ảnh ngày xưa cũ lại vọng về: “Những ngôi sao thức ngoài kia/Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con/Đêm nay con ngủ giấc tròn/Mẹ là ngọn gió của con suốt đời…” (Trần Quốc Minh).
NGÂN GIANG