Trời chưa hửng sáng, má đã dậy, tỉ mẩn lấy từng cái chén, tô, dĩa sành đem ra thềm giếng rửa sạch bụi, kịp nắng lên hong khô thơm gió sớm. Bao nhiêu mùa nắng mưa qua cửa, nước men sành nơi góc bếp cũng sáng lên bấy nhiêu dẫu năm tháng đã để lại vài vết mẻ!
Hình như gia tài má chỉ có ngần ấy, là chạn bếp với giỏ chén tô. Mỗi thứ chỉ có hai ba cái đồng bộ, nhưng má vẫn thường ghép lại với nhau sao trông dễ coi nhất. Dường như đã thành lệ, mỗi bận cùng má rửa chén bên thềm giếng, rửa đến cái nào thì y như rằng đều thành câu chuyện. Này là hai cái dĩa hình con gà có nước men xanh mực, cùng với chục chén men đục, chạy chỉ xanh ngoại cho lúc má lấy chồng.
Thời loạn lạc, ba bắt xe lam về quê trước còn má theo xe ngựa của những người buôn hàng xén đi sau. Xe qua sông đang mùa nước cạn, lô nhô đá, mấy bà hàng khô giục chủ xe đi nhanh để kịp về trước khi trời tối, mấy cái chén dù đã được lót rơm vẫn xô lệch, mẻ đi vài góc. Kia là chồng dĩa to nhỏ khác nhau có hình cây trúc với năm ông già là của bà nội mang theo lúc theo ông về xứ nắng hạn mưa vùi này.
Trong ký ức về tuổi thơ đầy thiếu thốn của ngày tháng cũ, tôi không bao giờ quên những lần lỡ tay làm vỡ một vài cái chén, hay chiếc dĩa sành. Sợ má la, tôi giấu khi thì nơi góc bồ lúa, lúc ở trong đống củi mục sau nhà. Nhưng trước sau gì má cũng biết. Má chẳng la, má chỉ tần ngần cầm mấy cái mảnh sành, ánh nhìn không nỡ…
Rồi những mùa lụt tháng mười, cái tháng mà má lúc nào cũng dè chừng vì lẽ “Ông tha nhưng bà chẳng tha/ Còn sợ cái lụt hai ba tháng mười”. Mưa gió liên hồi, nhà nào cũng lo chụm củi thâu đêm, làm cái gác bằng cây để những nong, sàng lúa lên trên sấy, kịp có gạo ăn giáp vận.
Thế nhưng tháng mười cũng có niềm vui riêng vì có lúa mới, lại thêm lửa củi sẵn, má kêu gom mấy cái chén “bánh bèo”, loại chén nhỏ chỉ bằng phân nửa chén ăn cơm màu trắng đục có đường men màu chàm chạy chung quanh miệng. Má tra thanh quay mới, xay ít gạo bằng cái cối đá.
Rồi má múc bột đổ vào từng chén nhỏ, hấp trên chiếc nồi cả đang sôi nước. Bột gạo chín có một xoáy nhỏ đều đặn nơi giữa chén. Ngoài trời mưa như trút, gian bếp đầy hơi khói và má rót mắm nhỉ để cả nhà ăn với bánh. Mùi bột gạo, mùi mắm nhỉ cá cơm, mùi củi ướt khói lên…, tất cả quyện vào nhau thành mùi không thể diễn tả, rất đằm sâu và lắng đọng vô cùng.
Ở quê, người dân có thông lệ hễ có vật sành sứ nào bị vỡ, họ sẽ gom lại, bỏ vào bụi một gốc cây duối to cách xa nhà. Sau này tôi mới biết rằng, ngoài việc sợ trẻ con giẫm phải mảnh vụn, những bà mẹ quê lam lũ dẫu đè nặng chuyện vén vun cửa nhà lại luôn mang trái tim hồn hậu. Những mảnh sành vỡ kia đã từng gắn liền với mỗi người, là quà cưới, là của hồi môn, là kỷ niệm… Và dẫu chẳng còn vẹn nguyên, vẫn cứ chân phương im lặng ở một góc nào.
Ngày lấy chồng, tôi xin má mấy chiếc dĩa trúc xanh. Trên nước men bóng thời gian ấy luôn phảng chiếu ánh nhìn của má. Hơn mười năm dẫu mải mê vun vén tổ ấm riêng mình nơi xô bồ phố xá, thế nhưng mái nhà xưa vẫn là nơi yên bình nhất để trở về mỗi khi sắp cạn ngày năm cũ. Mái hiên bây giờ lợp tôn thay cho những tấm liếp mưa nhỏ giọt tranh thuở nào.
Chỉ có những bữa cơm quê vẫn thanh đạm và bình yên như cũ. Má ngồi trên thềm, quần xắn ngang gối và niềm vui dâng đầy trong mắt. Má xới cơm cho từng đứa, vẫn những chén những tô những dĩa với một vài vết mẻ. Tôi cầm cái chén men trong tay như nâng niu kỷ niệm, vì biết rằng, mỗi cái chén quê kia là cả một câu chuyện của ký ức.
Rồi tôi sẽ tiếp tục kể câu chuyện của má cho con của mình, vì biết đâu trên đường đời xô bồ toan tính, sẽ có lúc tụi nhỏ mải mê áo cơm mà quên đi nguồn cội? Rồi tôi lại trở về bên má, về nhà để lau cái chạn bếp ám đầy muội khói, lau đi vết bụi thời gian trên chén mẻ quê nhà…
NGUYÊN HẬU