Sớm nay, mùa gió bấc đã ghé ngang hiên nhà. Gió từ cánh đồng sau vụ gặt thổi liêu phiêu qua những rặng cây trút lá, những nếp nhà thinh lặng, những con đường xanh miên man dấu cỏ. Tất cả như đang nép mình vào bóng sương mai phủ choàng, bàng bạc tựa một giấc mộng loang dài đến hư vô. Cái lạnh đầu mùa len lén khỏa lên da thịt, gợi bao dư ba từ những mùa đông cũ.
Có những mùa gió bấc tôi đứng ở một phương trời lạ, nhận ra giữa lòng mình cũng có những ngọn gió thổi về từ miền thương nhớ. Bao giờ dừng chân giữa bao la gió lạnh, tôi cũng nhớ mẹ khôn nguôi. Hơi lạnh chầm chậm len lỏi như bồi lắng cho hình bóng mẹ dâng đầy trong tâm trí. Vào những ngày cuối thu đã xa, trước mỗi mùa gió bấc, mẹ thường chuẩn bị nhiều bó củi khô trong góc bếp lấm vương tơ nhện và tro tàn. Ngày trở gió, gian bếp của mẹ không khi nào thiếu những thanh củi nhóm lên ánh lửa liêu xiêu.
Trước khi mưa bão kéo về, cha đã chẻ thật nhiều củi từ những thân cây mục, lớp vỏ khô ngấm nắng mưa loang lổ vết địa y. Bao nhiêu thanh củi thẳng tắp được chất thành hàng, mẹ rút dần để nhen lên ánh lửa dìu dặt khuya sớm. Giữa mùa gió hun hút lạnh thổi qua làng, bếp trong nhà phải luôn được giữ ấm, soi sáng lòng tôi từ thuở nhỏ. Để rồi qua miên viễn tháng năm, ngọn lửa từ bàn tay mẹ vẫn bền bỉ cháy, đủ sức chỉ hướng cho tâm trí tôi vượt qua bao vùng tối của lòng người, của bể đời nông sâu.
Cạnh chồng củi mục là đầy ắp lá khô mẹ đã gom từ đồi cây sau làng. Những khoanh lá dương màu xám bện vào nhau, đốt thành đốm lửa để mồi cho củi cháy. Khói lá dương thoảng thơm một mùi hương thôn dã gần gụi, từng sợi đan cài chao bay như thêu thùa vào những tà gió bấc. Mùi hương dịu đằm gợi bao yêu dấu chưa từng bị bóng thời gian phủ lấp, luôn khiến lòng tôi được an ủi mỗi lần ngang qua một miền khói lá phiêu dao.
Lúc ấy, tôi nao lòng nhớ những buổi chiều cuối thu hoang hoải nắng, tôi theo mẹ vào rừng gom lá dương khô để dành cho mùa đông nhóm lửa. Từng nắm lá mượt dài đượm mùi đất cát, phủ kín dưới những tán cây ẩn mình trong thăm thẳm sương chiều. Mẹ thường gom lá đầy hai chiếc gióng rồi gánh về. Tôi phụ mẹ ôm một bó lá nhỏ được cột chặt bằng những sợi dây leo dẻo dai. Chiếc đòn gánh hai đầu trìu trĩu lá khô, nảy lên nảy xuống khẽ khàng theo nhịp đi của mẹ. Đường về ngược hướng gió, mẹ dừng lại chỉnh vành nón trên đầu, rồi lặng lẽ bước tiếp như gánh cả mùa gió trên vai.
Vào những buổi chạng vạng, từng cơn gió bấc gọi nhau qua thềm cũ, tôi nhớ mùi cơm chín tỏa thơm trong gian bếp của mẹ. Trên ngọn lửa hồng như nhảy múa, khi chiếc nắp nồi cơm khẽ động đậy, mẹ sẽ mở nắp rồi dùng cây đũa cả đảo nhẹ cơm đang sôi, rút bớt củi trong lò. Sau đó, mẹ thường múc cho tôi lưng lửng chén nước cơm nóng. Tôi háo hức thêm vào đó một chút đường, đợi chén nước cơm nguội dần là sẽ được nếm trọn vị thanh thanh của những hạt gạo xứ sở, thấy thoảng nhẹ cả mùi hương thân thuộc từ khói lá. Tiếng cơm sôi réo rắt xao động gian bếp nhỏ, để lại dư âm những tiếng nhớ, tiếng thương trong tôi khi sau này thành người xa xứ. Chén nước cơm nóng của những ngày tháng cũ khiến tôi thấy mình cần phải trở về, dù là cuộc trở về trong tâm tưởng...
Lớn lên bên mẹ, tôi đã có một gia tài ký ức. Rồi tôi xa mẹ, thành cánh thiên di neo mình ở một chân trời khác, gia tài ấy từng ngày, từng tháng cứ đầy lên mãi. Giờ đây, ngồi lặng im nghe những ngọn gió bấc thổi qua hiên, tôi nhận ra đời người luôn cần những hơi ấm. Hơi ấm từ ánh lửa dịu vợi trong đêm dài gió lạnh, hơi ấm khởi đầu từ miền yêu thương sâu thẳm. Và mẹ cũng âm thầm nhóm lên trong tâm hồn tôi một ánh lửa, ánh lửa mênh mông bóng hình nguồn cội. Để rồi, dẫu có qua bao vần vũ đa đoan, bao mưa nguồn chớp bể, lòng tôi vẫn không bao giờ nguôi nỗi nhớ quê nhà…
TRẦN VĂN THIÊN