Gia đình chính là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân được tiếp nhận trong quá trình trưởng thành, định hình nhân cách, lối sống và văn hóa ứng xử. Một khi cả vợ và chồng cùng chia ngọt sẻ bùi, chăm sóc, dạy dỗ con nên người, đó là điều hạnh phúc không gì bằng.
Tuy nhiên, việc dung hòa mối quan hệ trong gia đình (vợ - chồng, cha mẹ - con cái...) không phải là chuyện ngày một ngày hai, cũng không nên áp đặt quan điểm bắt một bên phải nhún nhường.
Không áp đặt
Vợ chồng bà Trần Thị Trúc ở xã An Hiệp, huyện Tuy An có 6 người con thì gần như đều được học hành và có việc làm ổn định. Bà Trúc nói rằng, đó là thành quả của một hành trình đầy cố gắng và nỗ lực của cả vợ chồng, cha mẹ và con cái. Trong hành trình ấy, những khát vọng của các con bà Trúc đã được chắp cánh bởi sự dày công vun đắp của vợ chồng bà.
Bà Trúc chia sẻ: “Vợ chồng tôi xác định phải dạy con sống chân thành, nền nếp ngay từ khi còn nhỏ để làm nền tảng cho cuộc sống sau này khi các con trưởng thành. Tôi không ép buộc các con phải làm thế này, thế kia mà chỉ kể về những ước mơ và cuộc sống khó khăn thời trẻ của mình để các con cố gắng hơn”.
Chị Đặng Thị Hà, con gái út của bà Trúc cho biết: Trong gia đình, cha mẹ dạy chị em chúng tôi rất nghiêm khắc nhưng nhẹ nhàng, không đánh dập, chửi mắng to tiếng... Mỗi khi chị em tôi phạm lỗi, cha mẹ thường phân tích thiệt hơn, dạy cho chúng tôi hiểu điều hay lẽ phải, đưa ra những tấm gương tốt, kể cả cách đi đứng, ăn nói... để chúng tôi học hỏi. Nhờ vậy, chúng tôi luôn đề cao việc rèn tính tự học, tự tin vững bước vào đời.
Ngày trước, lúc kinh tế còn nhiều khó khăn, túng thiếu, vợ chồng chị Lê Thị Thanh Lam ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa thường xuyên xảy ra bất hòa, lục đục. Từ ngày mở bán đồ ăn vặt, chị Lam kiếm được tiền đủ trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Chồng chị cũng bắt đầu chí thú làm ăn nên cuộc sống khá hơn, vợ chồng lúc nào cũng vui vẻ, thuận hòa, dành thời gian dạy dỗ, bảo ban con cái.
Chị Lam chia sẻ: “Trong cuộc sống, tôi không áp đặt mong muốn của mình lên con cái, chủ yếu là dựa theo năng lực của con và tạo điều kiện cho con cái phát huy sở trường, năng khiếu”. Theo chị Lam, sự gần gũi, lắng nghe, sẻ chia và đồng cảm với con giúp cha mẹ có cái nhìn toàn diện hơn. Thay vì bắt ép con làm theo ý mình, chị đưa ra cho con nhiều sự lựa chọn, giải thích cho con nghe ưu nhược điểm để con tự quyết định. Nhờ cách dạy này, cả hai con của chị đều ngoan hiền, vâng lời cha mẹ và luôn đạt thành tích học tập tốt.
Nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc
Từ xưa, ông bà ta đã thấy rõ một trong những chức năng cơ bản của gia đình là giáo dục. Quá trình xã hội hóa của con cái bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ phải chủ động dạy dỗ con cái những kỹ năng ứng xử, “học ăn, học nói, học gói, học mở”, biết “kính trên nhường dưới”, “đi thưa về trình”... Từ cách ứng xử của ông bà, cha mẹ, các giá trị văn hóa được hình thành và thẩm thấu đến tất cả thành viên trong gia đình. Rất nhiều gia đình duy trì được lối ứng xử có văn hóa đã tạo nên nền nếp gia phong lâu bền. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, những nét đẹp về văn hóa ứng xử đang dần mai một.
Theo các chuyên gia tâm lý, bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình có được thành tích học tập tốt, trở thành người có ích cho xã hội và thành công trên mọi lĩnh vực. Nhưng đôi khi sự kỳ vọng của cha mẹ lại quá lớn, vô tình tạo nên gánh nặng cho con trẻ. Vì vậy, sự lắng nghe và thấu hiểu luôn là mấu chốt trong việc dạy dỗ con cái. Các bậc cha mẹ nên nhìn từ góc độ của con để soi rọi hành vi của mình. Cùng với đó là sự gần gũi, làm bạn cùng con, tìm hiểu thế mạnh, năng khiếu, sở trường của con để có những định hướng đúng đắn, tạo động lực cho con phấn đấu đi đến thành công bằng chính đam mê, tài năng của mình.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL nhìn nhận: “Gia đình được xem là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người... Vì vậy, nguồn năng lượng tích cực từ mỗi gia đình có cha mẹ hạnh phúc là tấm gương cho các con; con cái hiếu thuận, ứng xử có văn hóa với mọi người, góp phần cống hiến cho xã hội, cho đất nước, tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, phát triển bền vững”.
THIÊN LÝ