Thoáng thấy chiếc ô tô của Đội Chiếu phim lưu động (Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh) trùng trình chạy trên đường làng, lũ trẻ trong buôn nô nức chạy theo. Hòa trong tiếng loa thông báo về việc tổ chức buổi chiếu phim tại nhà văn hóa là tiếng nói cười í ới của lũ trẻ.
Mở rộng tầm mắt cho trẻ em vùng sâu, vùng xa
Mới 17 giờ 30, Đội Chiếu phim lưu động (CPLĐ) đã chuẩn bị nối đường dây điện, kê máy, lắp ráp thiết bị, dựng màn chiếu... Theo đúng lịch trình, 19 giờ buổi chiếu bắt đầu, nhưng trời vừa chập tối đã có rất đông già trẻ, lớn bé trong buôn có mặt tại nhà văn hóa để chờ xem phim. Khi tiếng máy nổ vang lên, chiếc bóng điện được bật sáng rực cả một góc nhà văn hóa buôn, tiếng nhạc nổi lên, tiếng cười, tiếng nói rộn ràng xua tan sự tĩnh mịch của bóng đêm, không gian yên lặng nơi núi rừng. Người đến điểm chiếu phim mỗi lúc một đông, khởi động buổi chiếu là chương trình giao lưu karaoke, sau đó phim hoạt hình Anh hùng núi Tản, phim tài liệu Một lần sống, sau đó là phim truyện Trăng đại ngàn…
Cậu bé Kso Nam 10 tuổi ở thôn Hoàn Thành (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) cười nói: “Con vui lắm khi được xem phim, thấy biển, thấy nhà cao tầng mà trước giờ con chưa thấy ở ngoài bao giờ”.
Trẻ em miền núi chẳng mấy khi biết đến điện thoại thông minh hay những món đồ chơi đắt tiền như trẻ em thành phố. Sinh ra, lớn lên nơi núi rừng, quẩn quanh bên ruộng rẫy, gác bếp, một bộ phim màu cũng làm bọn trẻ vui mấy ngày liền. Những đứa trẻ gần như không biết được thế giới bên ngoài, nhiều gia đình nghèo không có chiếc ti vi để xem. Thế giới của những đứa trẻ chỉ quẩn quanh bên những ngọn núi, quả đồi, con suối, những con bò, con heo ở buôn làng giữa trập trùng cuộc sống khó khăn. Chúng chỉ có thể mường tượng về thế giới qua lời kể của thầy cô, còn nay được tận mắt nhìn thấy qua màn ảnh rộng những ngôi nhà cao tầng, xe ô tô, dòng người tấp nập trên những đại lộ thênh thang phố thị… nên không khỏi tò mò, phấn khích.
Thông ra màn ảnh rộng, những đứa trẻ nơi miền sơn cước có cái nhìn rộng lớn hơn về thế giới bên ngoài, về những chân trời mới. Nhìn những đôi mắt lấp lánh niềm vui, những nụ cười giòn của những đứa trẻ, anh Hà Hồng Lâm, phụ trách Đội CPLĐ của Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh nghe lòng mình không khỏi xúc động. Anh thổ lộ: “Nhiều năm về miền núi chiếu phim, nhìn những đứa trẻ đen nhẻm, đôi chân trần sớm chai sạn vì đất đá, đầu không mũ nón, chúng tôi rất thương. Chúng tôi mong thông qua những thước phim mang đến niềm vui, bồi đắp ước mơ cho các em nỗ lực học tập để đến với một thế giới rộng lớn bên ngoài những cánh rừng, nỗ lực học tập biến ước mơ trở thành hiện thực vì một tương lai tươi sáng hơn”.
Anh Hà Hồng Lâm, phụ trách Đội Chiếu phim lưu động (Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh) tặng sách cho các em trong buổi chiếu phim. Ảnh: NGỌC DUNG |
Mang văn hóa đến thôn buôn
Ở nơi miền núi xa xôi, cuộc sống của người dân các buôn làng còn nhiều vất vả. Ở đó, có những cuộc đời dẫu đã đi hết hành trình đời người, thậm chí đã nối qua mấy thế hệ vẫn chật vật trong cuộc mưu sinh. Chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân miền núi, các anh em trong Đội CPLĐ cùng các anh chị của Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh còn góp tiền mua sách vở, dụng cụ học tập cho các em, tặng quần áo, vận động các salon tóc tổ chức cắt tóc miễn phí cho người dân địa phương.
Chị Hờ Mai ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) nói: Biết có Đội CPLĐ về đây chiếu phim, bà con trong buôn phấn khởi lắm, buổi chiều ai cũng tranh thủ ăn cơm sớm để đi xem. Ở đây, nhiều nhà còn khó khăn chưa có ti vi, được xem phim màn ảnh rộng bà con vui lắm, mong tháng nào các anh trong đội cũng đến đây chiếu một lần”.
Những buổi lưu chiếu này ngoài việc giải trí, còn góp phần tuyên truyền các đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới bà con. Đặc biệt, các cuốn phim tài liệu về các mô hình kinh tế còn giúp bà con học tập kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến để làm ăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, việc Đội CPLĐ của tỉnh về địa phương tổ chức chương trình chiếu phim tuyên truyền rất thiết thực, bổ ích, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương; giúp bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng thôn buôn ngày càng phát triển.
Miệt mài những chuyến đi
Ngoài mang ánh sáng văn hóa đến với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh em trong Đội CPLĐ của Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh còn chiếu phim phục vụ người dân ở các xã bãi ngang ven biển, tổ chức các tuần phim, đợt phim tại rạp Hưng Đạo để phục vụ học sinh, sinh viên và LLVT, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, Trung đoàn 910, Trung đoàn 915, Trại giam Xuân Phước, Cơ sở Giáo dục bắt buộc A1, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm, các đồn biên phòng...
Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh cho biết: Mỗi năm, trung tâm tổ chức hơn 17 đợt CPLĐ, mỗi đợt kéo dài 10 đêm phục vụ 700 suất chiếu theo chỉ tiêu của Sở VHTT&DL giao trên cơ sở quy định của Cục Điện ảnh. Các đợt chiếu phim được tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đại hội đảng các cấp, các sự kiện chính trị, xã hội của tỉnh, qua đó tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân theo các chủ đề: mừng Đảng - mừng Xuân, về Đảng - Bác Hồ, về chủ quyền biển đảo, phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc và công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, đất nước…
Đội CPLĐ hiện nay được chia thành 4 tổ, mỗi tổ có 2-3 thành viên, người lớn nhất trong đội 55 tuổi, trẻ nhất 31 tuổi, hầu hết đã lập gia đình. Anh Hà Hồng Lâm tâm sự: “Làm nghề chiếu phim lưu động khá vất vả, một năm 365 ngày thì có hơn nửa năm anh em phải sống xa vợ con để bám địa bàn cơ sở. Vì ở cơ sở dài ngày, các chuyến đi của anh em trong đội không chỉ có phương tiện máy chiếu, phong màn, mà còn có cả lương thực, thực phẩm, thuốc men dự trữ vượt hàng trăm kilomet từ TP Tuy Hòa lên với các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân…
Sau mỗi chuyến đi, đọng lại trong họ là những lời cảm ơn chân thành, tình cảm quyến luyến của người dân, những nụ cười giòn tan, những ánh mắt chờ mong của trẻ thơ… khiến bao mệt mỏi, vất vả dường như tan biến. Những tình cảm ấy đã tiếp thêm động lực giúp anh em Đội CPLĐ vượt qua khó khăn trong cuộc sống thường nhật đem đến niềm vui, hạnh phúc cho người dân trong hành trình mang ánh sáng văn hóa về cơ sở, giúp người dân, trẻ em tiếp cận với công nghệ hiện đại và ánh sáng văn minh.
Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh mong muốn thời gian tới, Cục Điện ảnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, thiết bị, phương tiện hiện đại… để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân; Cục Điện ảnh cấp nhiều phim đa dạng, phong phú hơn để nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của người dân. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiếp tục bám cơ sở, xây dựng nội dung tuyên truyền sát thực tế, phong phú, phù hợp với bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của từng dân tộc.
Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh |
NGỌC DUNG