Lòng nhân ái của trẻ sẽ được nhen nhóm, vun đắp mỗi ngày và sẽ khơi dậy mạnh mẽ nếu được gia đình, cha mẹ che chở, dạy dỗ từ thuở còn thơ. Và lòng trắc ẩn đó được lan tỏa đến cộng đồng, xã hội, nhất là những lúc hoạn nạn, khi được giáo dục trong nhà trường.
Điều đó cho thấy lòng nhân ái, yêu thương con người đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách mỗi người.
Từ gia đình…
Bậc làm cha mẹ đâu cần dạy con về lòng nhân ái từ những gì quá xa xôi mà từ những việc rất đời thường. Đó là niềm thương cảm với những phận đời nghèo khổ; một bữa ăn dành cho những người khó; gửi tặng những tập sách cũ giúp trẻ em nghèo; nhường chỗ ngồi cho người già, tàn tật… trên các phương tiện giao thông công cộng; nhặt của rơi trả lại người mất… Những điều đó đã truyền đi ngọn lửa của sức sống, của tình yêu.
Ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, vợ chồng ông Phan Ngọc Phượng làm từ thiện bằng việc nấu cháo miễn phí cho người già bằng những đồng tiền tiết kiệm, góp nhặt. Sau đó, rất nhiều người biết đến, tin tưởng trao tiền cho vợ chồng ông làm từ thiện và mở rộng giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn ở trong, ngoài tỉnh. Đến nay, vợ chồng ông vận động giúp hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn có thêm hy vọng vươn lên trong cuộc sống. “Đây là cách mà vợ chồng tôi chọn để giáo dục con cái về lòng nhân ái, biết yêu thương những người yếu thế. Bây giờ các con tôi rất ủng hộ và cùng làm từ thiện theo ba mẹ”, ông Phượng cho biết.
Chị Mai Thị Mận (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) mỗi ngày chạy xe hàng chục cây số buôn bán nuôi các con học đại học; đồng thời dành dụm những đồng tiền lời nuôi heo đất để làm từ thiện, giúp bệnh nhân nghèo, trẻ em bất hạnh. Chị Mận chia sẻ: “Những việc làm này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp các con tôi hình thành tính cách như cha mẹ. Biết yêu thương, chia sẻ khó khăn với người khác sẽ là hành trang giúp con không bị cuốn theo cạm bẫy”.
Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình là nơi đầu tiên vun đắp cho trẻ nhận thức về tình yêu thương. Trẻ sẽ học từ cha mẹ, người thân trong gia đình trước khi học từ thầy cô, bạn bè. Bởi vậy, cha mẹ cần phải luôn ý thức được điều này khi dạy trẻ về lòng nhân ái. Đơn giản, nếu trẻ thường xuyên chứng kiến những hành động bạo lực, cãi vã to tiếng của cha mẹ, anh em họ hàng thì khả năng trẻ trở thành người có tính cách như cha mẹ, anh em chúng là điều có thể xảy ra.
Đập heo đất tiết kiệm để giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn là một cách thể hiện lòng nhân ái. Ảnh: PHONG NHÃ |
Đến nhà trường và cộng đồng
Theo các chuyên gia về gia đình, ai cũng dễ dàng nhận thấy lòng nhân ái chính là nền tảng của những mối quan hệ tốt đẹp. Nếu không có lòng nhân ái, không có tấm lòng biết nghĩ đến người khác như nghĩ đến bản thân mình thì sẽ không thể làm được việc lớn, càng không thể phát huy những điều tốt đẹp trong mỗi người. Do đó, việc gia đình, nhà trường đều dạy trẻ lòng nhân ái vừa giúp trẻ xây dựng được các mối quan hệ tốt cho tương lai vừa tạo nên một cộng đồng nhân ái.
Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão hoành hành tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng và những hoạt động cứu hộ, cưu mang, giúp đỡ người bị nạn trong những ngày qua là minh chứng sống động, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam.
Giữa những đổ nát và đau thương, nhiều nghĩa cử cao đẹp của các em học sinh đã tỏa sáng lấp lánh. Phần tiền chắt chiu từ những bữa sáng, những quyển vở mới, những bộ quần áo chưa mặc… được các em nhỏ gói ghém cẩn thận và tự tay mang đi quyên góp để gửi đến các bạn bè vùng lũ. Những món quà tuy nhỏ, nhưng chứa chan tấm lòng nhân ái của các em.
Em Cao Nguyễn Thiên Hương, lớp 7B Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa) bày tỏ: Ba mẹ em từng dạy “thương người như thể thương thân” và “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Em đã dùng số tiền tiết kiệm từ nuôi heo đất, ăn sáng để quyên góp giúp các bạn học sinh bị bão lũ ở miền Bắc. Em mong các bạn sớm vượt qua khó khăn.
Còn theo em Nguyễn Phương Nguyên, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, bài học quý giá biết yêu thương mọi người và bạn bè mà ba mẹ dạy đã được em thực hành qua việc cùng nhiều người quyên góp, chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Bắc đang chịu quá nhiều thiệt hại do bão lũ. Tuy chưa có điều kiện để góp nhiều nhưng nếu mỗi học sinh và cả cộng đồng cùng góp sức, cùng sẻ chia yêu thương thì đồng bào vùng lũ sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, các em học sinh làm việc nhỏ, tùy theo sức mình nhưng sức lan tỏa của tình yêu rất lớn. Đây là những ngọn lửa ấm áp, sưởi ấm trái tim người dân vùng lũ. Các em đã chứng minh rằng, dù còn nhỏ tuổi, nhưng lòng nhân ái và sự sẻ chia của các em không hề nhỏ bé. Những giá trị này trước tiên là được hình thành từ ngay chính trong sự giáo dục của gia đình các em. Nhà trường là nơi tiếp theo giáo dục đạo đức cho học sinh về tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn, khó khăn để sau này các em trở thành người có ích cho xã hội.
Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình là nơi đầu tiên vun đắp cho trẻ những nhận thức về tình yêu thương. Trẻ sẽ học từ cha mẹ, người thân trong gia đình trước khi học từ thầy cô, bạn bè. Bởi vậy, cha mẹ cần phải luôn ý thức được điều này khi dạy trẻ về lòng nhân ái. |
PHẠM THÙY