Cầm trên tay bản thảo tập thơ Phố trọ với 27 bài thơ của nhà thơ trẻ Trần Lê Anh Tuấn, cảm giác ban đầu là nhẹ và mỏng. Nhưng khi đọc vào, cảm nhận có độ nặng của câu chữ và độ dày của thời gian chắt lọc. Tôi rất thích cái mỏng của sự đắn đo này.
Thiết kế: YÊN LAN |
Điều tôi thật sự ấn tượng là năng lực liên tưởng tạo nên khác biệt trong thơ Trần Lê Anh Tuấn. Ví như: Mưa rơi mềm mái chùa cổ, chỉ một chữ mềm là đã ra thơ. Nếu dùng chữ trên theo cách nói thông tin thì đơn nghĩa không có gì cho nghệ thuật, và không ai cần đến nhà thơ nữa.
Thay vì nói “đi đâu cũng nhớ quê hương” một cách mòn cũ, thì nói:
Thị trấn trong phong thư nhỏ
Anh mang theo bao nẻo mịt mù
Rõ ràng, cách nói này máu thịt hơn, khắc cốt ghi tâm hơn và không gì rứt ra được cội gốc quê nhà.
Đó là chiều sâu của ngôn ngữ nghệ thuật, tương tự như câu sau:
Tôi lặng im nhìn ông khâu kỷ niệm
Mà lòng hở ra nỗi nhớ thương
(Người sửa giày)
Chỉ với khâu và hở mà đã mở ra nhiều trường nghĩa miên man, cũng như câu:
Chóp mơ mai
Chài sương khói
Ai ở Phú Yên đều không lạ gì núi Chóp Chài với câu dân gian quen thuộc “Chóp Chài đội mũ/ Mây phủ ĐáBia…”, nhưng qua cách chiết tự của nhà thơ thì một không gian khác, một thế giới khác đã hiện ra khá lạ. Từ lạ dẫn đến ngạc nhiên, và thú vị.
Một câu thơ khác:
Nhớ em bỏng những ngón tay
Cũng thật khác lạ! Không nói nhớ người yêu trắng đêm, mà nói bỏng những ngón tay mở ra một trường liên tưởng về hình ảnh chàng trai có thể đang trực tiếp gõ phím nhắn tin với người mình yêu, cũng có thể gián tiếp đặt “em” vào thi ca, hội họa và âm nhạc với đôi bàn tay lao động nghệ thuật của mình… Và ở đó, nỗi nhớ đã ngập tràn qua từng hành động nghệ thuật của người đang yêu. Chữ bỏng ở đây thật đắc địa.
Bài thơ Phố trọ, cũng là bài mang tên tập thơ, là một trong số những bài tôi rất thích, vì nó đẹp một vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa:
Tôi trọ đã ba phố
Mỗi lần đi lỉnh kỉnh sao khuya…
Tôi trọ đã ba phố
Mỗi lần đi chất đầy gió khuya…
...Chiếc chìa khóa cũ thân quen
Giờ lần tìm từng góc xưa rêu phủ
Thật tình, ai chưa được “an cư lạc nghiệp” và phải tìm nhà đi ở trọ, thường chẳng lấy gì làm vui vẻ. Nhưng qua bài thơ này về mỗi lần trọ với những lỉnh kỉnh, chất đầy sao khuya, gió khuya, thì gia tài của nhà thơ bỗng trở nên giàu có vô cùng.
Đồ họa: YÊN LAN |
Trong giới văn chương, xưa nay nhiều nhà thơ cho rằng để có bài thơ hay đã khó, và trong bài thơ hay người ta nhớ một vài câu càng khó hơn. Tôi nghĩ trong một vài câu đó, để nhớ một chữ làm nên câu thơ cũng khó không kém, và Trần Lê Anh Tuấn đã làm được điều này. Nói đến đây lại nhớ nhà thơ Lê Đạt từng đề cao “chữ bầu lên nhà thơ”, có lẽ Trần Lê Anh Tuấn đã đạt đến cảnh giới này?
Nói vậy không phải thơ Trần Lê Anh Tuấn chỉ có từng chữ đứng đơn lẻ trong câu tạo nên sự khác lạ, mà những bài, những câu tưởng như không đầu không cuối cũng có chất keo kết dính hoàn hảo nhờ vào mạch liên tưởng không giới hạn của nhà thơ.
Nếu như “em” ở hiện tại đã có trường liên tưởng đặc biệt, thì “em” ở những vỉa tầng quá khứ càng mở ra trường liên tưởng đặc biệt hơn:
Bay như tên
Anh đi tìm em
Nhớ thương đất trời nguyên thủy
Em bây giờ là cỏ hoang, là dây leo cổ thụ
Là tiếng chiêng thì thầm xuyên đêm
Anh đi tìm em
Em bây giờsửthi
Là nghi lễ của mùa xuân
Là mù sương không cài cửa
Là ánh trăng đổ đầy rượu
Bay như tên
Anh đi tìm em.
(Đêm sử thi)
Sự hóa thân của “em” vào mọi không gian, thời gian để rồi “Em bây giờ sử thi” đã mang hàm nghĩa khái quát lịch sử, văn hóa, dân tộc… qua cách diễn đạt cô đọng và hàm súc của thi ca, lời ít - ý nhiều.
Cũng vậy, với bài Người làm gốm, những vỉa tầng văn hóa, văn minh trải qua từng bước thăng trầm của một nghề nói chung và nghề gốm nói riêng đã được nhà thơ khái quát với những câu và những cụm từ có vẻ rời rạc nhưng kết dính vô cùng:
Đêm dậy thì xuân
Mưa rơi mềm mái chùa cổ
Em khỏa thân nắng sơn dầu
Sông sâu chảy vào gốm
Này chum. Này lọ. Này ché. Này vò. Này bình vôi. Mồ hôi. Nước mắt. Này đình. Này miếu. Này vương triều. Sáo. Tiêu. Tre. Trúc. Này trăm năm. Này ngàn năm. Này vỡ. Này lành. Này rêu xanh. Cổ tích. Này cánh đồng. Này dòng sông. Này đêm. Này ngày. Này chảy. Này trôi...
Trong bài Người gác hầm Babonneau, cụm câu này cũng thật hay và ám ảnh:
Người đi từ cửa hầm
Bên kia đốm sáng lớn nhanh như thổi
Chớp mắt đã xong tuổi mình
Một tập thơ mỏng 27 bài nhưng có đến hơn 20 bài xuất hiện trên tuyển tập và các báo, tạp chí thuộc lĩnh vực chuyên về văn học nghệ thuật như báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Thái Nguyên, Văn nghệ Phú Yên, Tuyển tập thơ của Hội Nhà văn… là một bề dày đáng ghi nhận về chất lượng tác phẩm. Đó là tinh thần sáng tạo nghiêm cẩn “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” và không hề có thái độ dễ dãi với chữ nghĩa ở một tác giả trẻ. Con đường phía trước còn dài, với những gì đã có, tôi tin rằng sự dấn thân vào cõi văn (theo nghĩa rộng) của Trần Lê Anh Tuấn sẽ là một chặng đường thú vị cho cả người thơ và cho người hâm mộ.
HUỲNH VĂN QUỐC