Sáng 29/8, UBND TP Tuy Hòa tổ chức hội nghị xác định vị trí trạm Phú Vinh.
Các đồng chí: Huỳnh Lữ Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa; Nguyễn Văn Sự, Phó Trưởng ban trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND TP Tuy Hòa; đại diện Sở VHTT&DL, Bảo tàng Phú Yên; lãnh đạo xã An Phú, Bình Kiến và các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử tham dự hội nghị.
Theo tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, dưới thời chúa Nguyễn, nhà Nguyễn đã hình thành con đường thiên lý Bắc - Nam, trên địa bàn Phú Yên có 7 trạm, đặt dưới sự quản lý của Bộ Binh. Trong đó trên địa bàn TP Tuy Hòa có trạm Phú Vinh. Trạm Phú Vinh thực hiện nhiệm vụ truyền đưa công văn, là nơi bố trí ăn nghỉ, đi lại cho quan lại đi công tác, nơi dừng chân khách bộ hành và quan sát, báo cáo hoạt động giặc cướp biển trên địa bàn quản lý.
Trạm Phú Vinh qua thời gian, chiến tranh, thiên tai và sự phát triển của xã hội, di tích này hầu như không còn nhiều thực thể trên thực địa. Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, TP Tuy Hòa đã tổ chức các đợt khảo sát thực địa và nghiên cứu, sưu tầm tư liệu lịch sử để làm rõ vị trí trạm Phú Vinh.
Đồng chí Nguyễn Văn Sự, Phó Trưởng ban trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý thống nhất có một thực thể trạm Phú Vinh trên đường thiên lý xưa (Quốc lộ 1 ngày nay), tuy nhiên chưa có đủ cứ liệu khoa học để xác định chính xác vị trí của dịch trạm. Qua tham luận, hai vị trí có nhiều căn cứ lịch sử là nơi đặt trạm Phú Vinh, thứ nhất ở khu vực ven đường phía tây Quốc lộ 1 thuộc thôn Chính Nghĩa (cây số 8, xã An Phú), thứ hai là khu vực Xóm Bầu, thôn Phú Vang, xã Bình Kiến. Vị trí này trước năm 1975 là ga Minh Chính.
Lãnh đạo TP Tuy Hòa cho biết, việc xác định vị trí trạm Phú Vinh sẽ được tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để xác định đúng vị trí, giá trị, vai trò của di tích này; làm cơ sở khoa học để thành phố đề xuất bổ sung vào danh mục kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Đồng thời xác định cách ứng xử phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong giáo dục truyền thống lịch sử và phát triển KT-XH.
TRẦN QUỚI