Nhà văn Trần Quốc Cưỡng vừa ra mắt tập truyện ngắn Sự điệu đà của gió. Tựa sách mềm mại nhưng từng trang sách chứa đựng bao tâm tư mà tác giả mong muốn giãi bày.
Phóng viên Báo Phú Yên trò chuyện với nhà văn Trần Quốc Cưỡng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, về đứa con tinh thần thứ 13 của ông.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng ký tặng sách cho bạn văn. Ảnh: YÊN LAN |
* Thưa nhà văn, cái tựa Sự điệu đà của gió dễ làm người đọc nghĩ rằng đây là một tập tản văn. Vì sao ông chọn tựa sách này?
- Tên tập sách cũng là tên một truyện ngắn mà tôi thích, dù đó chưa hẳn là truyện ngắn nổi bật trong tập truyện. Truyện này tôi viết về thiên nhiên, cụ thể là về một vùng cát ở miền Trung. Nơi đây, gió làm cho cồn cát biến đổi liên tục, lúc thì có hình khối này, lúc mang hình khối khác và trở nên kỳ ảo. Cồn cát trở thành điểm du lịch thu hút đông khách.
Trong truyện có một nhân vật - một lãng tử yêu cái đẹp, đi chụp ảnh bằng điện thoại thông minh chớ không phải bằng máy ảnh chuyên dụng. Người này có tâm hồn nghệ sĩ, thích chụp ảnh để ghi lại vẻ đẹp của thiên nhiên. Truyện hướng về cái đẹp, trong đó có cái đẹp từ thiên nhiên. Qua truyện ngắn Sự điệu đà của gió, tôi mong muốn mọi người bảo tồn vẻ đẹp của thiên nhiên, đừng để thiên nhiên bị hủy hoại.
* Ông có thể chia sẻ đôi nét về đứa con tinh thần thứ 13 của mình?
- Tập truyện ngắn Sự điệu đà của gió mang hơi thở cuộc sống hiện nay, đề tài phong phú. Tôi viết về những điều mà mình trăn trở, bao gồm việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhà văn gởi gắm những suy tư của mình vào tác phẩm và có trách nhiệm đấu tranh với cái xấu, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thông qua tác phẩm của mình.
Ngoài ra trong tập sách này còn có những truyện ngắn viết về tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương đất nước… Hơn hai phần ba truyện ngắn trong tập sách Sự điệu đà của gió đã được đăng trên các báo, tạp chí ở trung ương và địa phương.
Tôi viết để giãi bày tâm tư, và biết đâu có thể góp một phần rất nhỏ làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Mặt khác, tôi muốn để lại tác phẩm cho con cháu mình. Sau này, khi mình mất đi thì con cháu còn biết mình có tác phẩm vậy.
Tập truyện ngắn Sự điệu đà của gió. Ảnh: YÊN LAN |
* Ông có thể chia sẻ về việc trước giờ in sách ra là để tặng chứ không bán quyển nào?
- Sách tôi tặng chớ không bán. Ngoài anh em bạn bè, tôi tặng sách cho những người thật sự yêu thích văn chương. Tôi quý họ lắm, có thể đem sách tới tận nhà, tặng cho họ.
Tập truyện ngắn này, ban đầu tôi nộp bản thảo đến Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, đề nghị hỗ trợ xuất bản. Sau đó, được biết là nhiều anh em cũng nộp đơn xin hỗ trợ xuất bản sách, tôi rút bản thảo và tự in để tặng bạn bè, tặng những người yêu văn chương.
* Không chỉ sáng tác truyện ngắn, ông còn viết tản văn, làm thơ, đã in 2 tập tản văn và 2 tập thơ. Đâu là thế mạnh của ông?
- Tôi thấy truyện ngắn là ưu thế của mình, chứa đựng những suy tư, nhìn nhận riêng. Về thơ, tôi thường làm thơ lục bát, chia sẻ với bạn bè trên Facebook. Tôi mê thơ lục bát. Hồi nhỏ, tôi thường được nghe mẹ hát ru. Đó là những câu 6-8. Tôi thích từ đó.
Người ta nói thơ lục bát dễ làm, khó hay. Tôi nghĩ bây giờ làm thơ lục bát thì phải có nét mới. Tôi thường sáng tác những bài lục bát ngắn, 4 câu thôi, mỗi bài thơ là một câu chuyện.
* Đối với người cầm bút, việc đọc - đặc biệt là đọc sách văn học - có ý nghĩa như thế nào, thưa nhà văn?
- Đối với người cầm bút, đọc sách văn học là việc rất quan trọng. Từ hồi trẻ tôi đã đọc nhiều, đọc đủ loại sách nhưng khi đó mình chưa cảm nhận hết. Đến giờ tôi vẫn thích đọc sách - sách in. Tôi nghĩ dù đời sống xã hội thay đổi như thế nào thì sách in vẫn có chỗ đứng riêng. Tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nicolai Ostrovsky do anh Đào Minh Hiệp dịch, gần 600 trang, tôi đọc một mạch.
Bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gồm 6 cuốn của nhà văn Hoàng Quốc Hải, tôi cũng đọc hết ngay sau khi có. Tôi rất thích truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đồng thời cũng đọc tác phẩm của nhiều nhà văn khác. Đọc sách, nhiều khi mình có thể nảy ý tưởng, đề tài mới.
* Ông muốn gửi gắm điều gì qua những trang văn của mình?
- Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta được nhiều nhưng cũng mất nhiều. Cuộc sống quá xô bồ. Tôi viết về những con người thật thà chất phác ở nông thôn, thông qua đó đề cao những giá trị cốt lõi tạo nên phẩm cách con người, nhấn mạnh đến đức tính trung thực, thật thà. Ngày trước, cha mẹ dạy mình thật thà lễ phép, không được nói láo, không được tham lam, đúng không? Qua các tác phẩm, tôi mong muốn bạn đọc hướng về những giá trị đó.
* Xin cảm ơn nhà văn!
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng (bút danh Trần Bảo Ngọc) sinh năm 1962, quê ở làng cát Hòa Hiệp, hiện sống cùng gia đình tại phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa). Ông đã ra mắt bạn đọc 8 tập truyện ngắn: Mùa bướm vàng bay (NXB Văn học, 2003), Ngựa hồng (NXB Hội Nhà văn, 2004), Hoàng hôn màu lá mạ (NXB Hội Nhà văn, 2006), Quà phóng sinh (NXB Dân trí, 2010), Ngựa trắng (NXB Phụ nữ, 2018), Thành phố vắng bóng mặt trời (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019), Xã tắc (NXB Thông tin và Truyền thông, 2021) và Sự điệu đà của gió (NXB Hội Nhà văn, 2024); 2 tập tản văn: Mái bếp và khói lam (NXB Hội Nhà văn, 2007), Quê hương nếu ai không nhớ (NXB Thanh niên, 2007); 2 tập thơ Ước nhớ vườn xưa (NXB Hội Nhà văn, 2009), Nụ cười vắt vẻo (NXB Hội Nhà văn, 2022) và tập truyện dài Khúc biến tấu dã tràng (NXB Lao động, 2014). |
YÊN LAN (thực hiện)