Thứ Năm, 28/11/2024 13:39 CH
Dịch giả Phạm Viêm Phương:
Tôi gặp may!
Thứ Ba, 25/11/2008 14:30 CH

Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố giải thưởng hằng năm trao cho các tác phẩm xuất bản trong năm 2007 với ba giải dành cho truyện ngắn, tiểu thuyết và một dành cho dịch thuật. Tác phẩm Tên tôi là Đỏ của nhà văn đoạt giải Nobel 2006 Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ) qua bản dịch của Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh đoạt giải. Chúng tôi đã trò chuyện với dịch giả Phạm Viêm Phương xung quanh giải thưởng lần này và công việc dịch thuật.

 

Pham-Viem-Phuong-081125.jpg
Vợ chồng dịch giả Phạm Viêm Phương - Huỳnh Kim Oanh - Ảnh: ANH VÂN

 

“TỤI TÔI CHỈ DỊCH THUÊ”

 

* Anh có bất ngờ với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho “Tên tôi là Đỏ” giữa thời thị trường sách dịch có rất nhiều “cao thủ” tham gia không?

 

- Đúng là khá bất ngờ, vì tôi không phải hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam hay hội dịch thuật nào cả. Cơ duyên nào đã khiến ban giám khảo của Hội Nhà văn Việt Nam để mắt tới dịch phẩm này thì tôi cũng không rõ. Và sau cùng, như anh thấy, làng dịch thuật có rất nhiều “cao thủ”, năm 2007 vừa qua cũng có nhiều dịch phẩm xuất sắc của nhiều nhà văn lừng lẫy thế giới được phát hành. Nên đúng là bất ngờ. Và những lý do nêu trên khiến tôi nhận ra rằng: mình gặp may. Tên tôi là Đỏ tuyệt vời là do tài năng của Orhan Pamuk (điều này cả thế giới công nhận mà), rồi Nhã Nam nhờ tụi tôi dịch cuốn này (không hề do tôi chọn, anh biết đó, tụi tôi chỉ là người dịch thuê). Ban đầu tôi rất ngần ngại vì phải dịch qua ngôn ngữ trung gian (tiếng Anh). Nhưng bên cạnh đó tôi cũng thấy an ủi ở chỗ bản dịch của chúng tôi đã làm vừa lòng nhiều độc giả.

 

* Anh đánh giá đôi chút về các tác phẩm văn học dịch trong năm 2007. Theo anh, có bao nhiêu tác phẩm có thể “cạnh tranh giải thưởng” với bản dịch “Tên tôi là Đỏ”?

 

- Năm qua có thể coi là năm khởi sắc của văn học dịch, nhờ công sức của nhiều công ty văn hóa tư nhân. Họ chọn sách có giá trị, mua bản quyền nghiêm túc, chọn dịch giả phù hợp, biên tập cẩn thận, có chiến lược tiếp thị sản phẩm chu đáo… Nhờ thế bạn đọc có cơ hội làm quen với đông đảo tác giả đang ở đỉnh cao sự nghiệp và được tìm đọc rộng rãi ở Đông cũng như Tây. Chính những nỗ lực này đã khôi phục thói quen đọc văn học nói chung, văn học nước ngoài nói riêng. Tôi làm nghề dịch cả 20 năm rồi mà chỉ vài năm gần đây mới có được điều kiện để chuyên dịch văn học. Phần lớn các công ty văn hóa và nhà xuất bản ở TP Hồ Chí Minh thường tập trung vào sách biên khảo, phi hư cấu, hầu như không xuất bản tác phẩm văn học. Với tình hình đó, tôi tin rằng có hàng chục dịch phẩm thừa sức cạnh tranh với Tên tôi là Đỏ (vì đây là “niềm tin” nên miễn cho tôi việc chứng minh nhé).

 

DỊCH THUẬT PHẢI “UỐNG NƯỚC TẬN NGUỒN”

 

toi-la-do-081125.jpg* Một dịch giả thường gắn liền với một nền văn học, anh được biết đến như dịch giả của văn học Mỹ, riêng cuốn “Tên tôi là Đỏ” lại của Thổ Nhĩ Kỳ, anh có thấy như vậy là “trái tay” với mình?

 

- Như đã nói trên, tôi rất ngại phải dịch qua một ngôn ngữ trung gian, mặc dù trên thế giới cũng có những bản dịch xuất sắc, thậm chí còn trong sáng hơn bản gốc và được chính tác giả khen ngợi, nhưng dù sao, tôi tin rằng “uống nước tận nguồn” vẫn tốt hơn. Có lẽ chính sự e ngại này đã buộc tôi phải tra cứu hết sức mình khi thực hiện bản dịch trên. May mắn là, từ sau Tên tôi là Đỏ, tôi toàn được đặt hàng dịch tác phẩm văn học Mỹ, như Giết con chim nhại vừa xuất bản gần đây chẳng hạn.

 

* Chị Huỳnh Kim Oanh, đồng dịch giả “Tên tôi là Đỏ”, là bạn đời của anh. Giữa hai anh chị, ai đầu tư công sức nhiều hơn để tạo nên tác phẩm?

 

- Vợ chồng tôi đã dịch chung cả chục đầu sách. Thường thì vợ tôi dịch số trang nhiều hơn tôi (vì tôi còn dịch tờ Economic Development Review, mỗi tháng 32 trang). Tôi dịch phần của tôi, đọc bản dịch (cả phần của tôi và của bà ấy) lần cuối, rồi tìm đọc tài liệu để viết lời giới thiệu và lời bạt cho tác phẩm. Trong quá trình dịch, chúng tôi thường xuyên trao đổi về bản thảo, kinh nghiệm dịch, thống nhất các thuật ngữ… Nhờ vậy cuộc sống chung phong phú hơn, thay vì bị bó hẹp trong chuyện cơm áo gạo tiền. Nếu tôi bảo “công bà Oanh nhiều hơn” hay “phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ” thì sặc mùi “nịnh vợ”. Và nếu tôi nói “công lao của bà ấy ít hơn tôi” thì hóa ra tôi không biết quý trọng những gì mình hiện có. Thôi cứ coi như “của chồng công vợ”. Được không?

 

* Dịch tức là đọc kỹ một cuốn sách, anh đã đọc được gì sau khi dịch “Tên tôi là Đỏ”?

 

- Sau khi dịch Tên tôi là Đỏ, tôi có ấn tượng nhất về hai khía cạnh: Công phu nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Thổ, lịch sử TP Istanbul, tác động qua lại giữa nghệ thuật Thổ với nghệ thuật phương Tây và Trung Quốc… Nếu không dày công nghiên cứu, Pamuk không thể phát hiện vấn đề (hoặc xung đột) để đưa thành chủ đề của tác phẩm. Nếu không am hiểu đạo Hồi và văn hóa phương Tây, ông không thể lồng ghép nhiều chi tiết thú vị về xung đột Đông và Tây, truyền thống cổ và hiện đại hóa… vào cuộc đời của mấy nhân vật rất tầm thường, nhỏ bé của ông.

 

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2008 trao cho Ngôi nhà xưa bên suối (tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn), Sóng chìm (tiểu thuyết của Đình Kính), Tiếng khóc của nàng Út (tiểu thuyết của Nguyễn Chí Trung) và Tên tôi là Đỏ (Orhan Pamuk, dịch giả Phạm Viêm Phương - Huỳnh Kim Oanh), không có giải cho thơ.

 

HÒA AN (thực hiện)

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khai quật di chỉ Khe Ông Dậu
Thứ Ba, 25/11/2008 07:01 SA
Sắp ban hành Thông tư về quản lý Blog
Thứ Hai, 24/11/2008 10:31 SA
Mạng lưới
Chủ Nhật, 23/11/2008 07:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek