Với tôi, đêm thơ xuân trên núi Nhạn vào rằm tháng Giêng năm 1995 để lại nhiều xúc cảm ngọt ngào và vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.
Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên luôn thu hút sự quan tâm của những người yêu thơ trong và ngoài tỉnh. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Đầu năm 1995, khi đang học lớp 12 Trường THPT Trần Quốc Tuấn, thầy giáo dạy Lịch sử là Đào Tấn Phần đã giới thiệu sơ lược để học sinh biết về đêm thơ xuân truyền thống của tỉnh Phú Yên và thông báo việc ban tổ chức rất mong nhận thơ của bạn thơ trong, ngoài tỉnh. Tôi háo hức viết liền 2 bài gửi cho thầy Phần.
Thật tình, tôi chưa hiểu gì lắm, nghĩ sao viết vậy, đến giờ không nhớ rõ khi đó mình viết gì, chắc chắn là rất ngây thơ, chưa phải là thơ. Tôi không ngờ sau đó thầy Phần trực tiếp chuyển giấy mời của ban tổ chức hội thơ xuân đến tôi và dặn dò: “Dù được chọn hay không thì bạn vẫn cố gắng dự đêm thơ cho vui” (thầy Phần luôn gọi học sinh là bạn). Nay nhớ lại, tôi còn thấy ngại ngại nhưng vui lắm. Đó là kỷ niệm ngọt ngào, sáng mãi trong lòng tôi.
Bởi yêu thích thơ văn, chưa vướng bận điều gì, tuổi thơ quá quen với núi Nhạn, rủ bạn học cùng xóm nhưng chẳng ai đi nên tôi đạp xe 7km một mình xuống Tuy Hòa, gửi xe đạp ở dưới rồi lên núi nghe thơ. Cứ ngỡ như xem phim, xem hát phải có vé mới được tham dự nên tôi khư khư giữ giấy mời trong túi áo, ai hỏi sẽ đưa ra, có vẻ hãnh diện lắm. Nhưng không gian ấy chào đón tất cả bạn yêu thơ đến thưởng thức. Đến nay, tôi vẫn giữ giấy mời ấy như kỷ vật đẹp.
Giấy mời tham dự hội thơ xuân lần thứ 15 - năm 1995. Ảnh: PHAN HUY THÙY |
Hồi nhỏ, dịp tết tôi theo bạn bè lên núi Nhạn. Trên đó, tôi nhìn ngắm tháp cổ rêu phong, dòng sông Chùa, chiếc cầu sắt bắc qua sông Đà Rằng quanh co uốn lượn, ngó ra núi Chóp Chài sừng sững, hướng mắt về đỉnh Đá Bia uy nghi, xa xa phía tây có dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía đông là biển khơi sóng vỗ, những cánh đồng lúa mướt xanh và phố xá Tuy Hòa nhấp nhô như thu hết vào tầm mắt. Năm ấy, tôi có cảm giác thích thú, mới lạ hơn vì lần đầu dự đêm thơ. Đèn điện lung linh, trăng soi vằng vặc, tháp cổ trầm mặc như bừng tỉnh giấc xuân. Bạn yêu thơ khắp nơi tìm về, già trẻ gái trai đều nô nức.
Đêm thơ Nguyên tiêu 1995 lại đúng lễ Tình nhân 14/2 nên người lên núi Nhạn đông hơn, chật kín. Đêm ấy, tôi thấy có thầy Đào Tấn Phần, nhà thơ Nguyễn Tường Văn và nhà thơ Huỳnh Văn Quốc còn rất trẻ. Dù thơ của tôi không được chọn nhưng tình yêu thơ ca bắt nguồn từ đó. Lòng tôi cứ lâng lâng, vui thích chẳng thể nào diễn tả nổi.
Nơi sơn thủy hữu tình, linh thiêng và thơ mộng, huyền diệu và lãng mạn, rất lý tưởng để tiếng thơ, tiếng nhạc du dương, lắng đọng. Những vần thơ ca ngợi mùa xuân, tình yêu, tuổi trẻ; ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; ca ngợi con người và vùng đất Phú Yên trù phú, nghĩa tình… cứ thế ngân nga. Quý ở chỗ, không phân biệt trí thức hay bình dân, nghệ sĩ hay lão nông, thi nhân hay bạn thơ thuần phác, hễ cứ yêu thơ thì ai cũng có thể làm thơ, đọc thơ, bình thơ, ngâm thơ. Quý nữa là, dù tỉnh Phú Yên lúc đó còn nhiều khó khăn nhưng là một trong những địa phương khởi nguồn và duy trì đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống, từ 1980 đến nay. Đến năm Quý Mùi 2003, Hội Nhà văn Việt Nam mới chọn rằm tháng Giêng là ngày Thơ Việt Nam và tổ chức lần đầu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tôi nghĩ, thơ ca có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Việt. Thơ là tiếng lòng, chuyển tải những thông điệp giàu tính nhân văn. Thơ nuôi dưỡng tâm hồn, giúp ta thêm lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống. Thơ nâng đỡ và xoa dịu lòng người trong cảnh gian nan…
Rồi tôi trở thành thầy giáo dạy văn. Yêu thơ nhưng 26 năm sau mới dám gửi lại bài. May mắn được chọn in vào các tuyển tập, từ năm 2021 đến nay. Đó là động lực, là niềm vui rất lớn với tôi. Không khí hội thơ Nguyên tiêu đang đến gần, lòng tôi hướng về núi Nhạn và chẳng thể nào quên đêm thơ xuân ngày ấy!
Nơi sơn thủy hữu tình, linh thiêng và thơ mộng, huyền diệu và lãng mạn, rất lý tưởng để tiếng thơ, tiếng nhạc du dương, lắng đọng. |
PHAN HUY THÙY