Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 đang đến gần; những người yêu thi ca háo hức chờ nghe thơ dưới ánh trăng xuân. Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 44 xuân Giáp Thìn 2024 này có gì đặc biệt?
Báo Phú Yên phỏng vấn nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, Trưởng ban tổ chức hội thơ, về hoạt động văn hóa đặc sắc này.
Ông Huỳnh Văn Quốc |
* Thưa nhà thơ, đâu là những nét mới của hội thơ Nguyên tiêu năm nay?
- Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên là một hoạt động truyền thống, mang tính kế thừa. Năm nay, tại hội thơ này, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên hưởng ứng ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 bằng những nội dung cụ thể. Từ chủ đề “Bản hòa âm đất nước” của ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, Ban tổ chức hội thơ Nguyên tiêu xuân Giáp Thìn chọn một số đoạn trong những bài thơ về Tổ quốc, về tình yêu quê hương xứ sở... đã đi cùng năm tháng của các nhà thơ lớn ở Phú Yên, như Văn Công, Nguyễn Mỹ, Liên Nam, Lương Nguyên (tên khai sinh là Lương Thúc Quý - PV).
Các nhà thơ tiền bối đã sáng tác những bài thơ về quê hương đất nước rất sâu sắc mà nhiều thế hệ đã ghi nhớ. Nhà thơ Văn Công viết về Tuy Hòa từ thập niên 60 của thế kỷ trước, trong chiến tranh lửa khói mà vẫn lạc quan, vẫn có niềm tin son sắt: “Tuy Hòa ta đó/ Sáng tươi muôn đời”, hay: “Tuy Hòa ơi! Sao mến yêu quá thế!/ Có phải đây nơi sinh đẻ tôi ra?/ Không, không phải! Nơi tôi từng chiến đấu/ Từng lớn lên dâng hiến tuổi xuân hoa”.
Trong bài thơ Tôi yêu quê mẹ khu Đông, nhà thơ Lương Nguyên có câu: “Tôi yêu quê mẹ khu Đông/ Mênh mông lòng đất mênh mông lòng người”. Sáng tác bài thơ Giấc mơ xanh vào năm 1966, nhà thơ Nguyễn Mỹ có những câu: “Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi/ Là Ô Loan, đầm mẹ sáng ngời/ Con đi, mẹ nhé, triều đang gọi/ Nâng giấc mơ lên tới đỉnh trời”. Còn trong bài thơ mang tên Tổ quốc, nhà thơ Liên Nam có những câu mở đầu rất ấn tượng: “Cách nhau một vạch đất thôi/ Bên kia Tổ quốc ngàn đời ta yêu”.
Các bậc tiền bối đã để lại những vần thơ thật hay về quê hương Phú Yên. Đây là tài sản vô giá để lại cho con cháu, cho chúng ta ngày nay. Ban tổ chức chọn những đoạn thơ thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương đất nước, tạo thành tổ khúc để đưa vào phần 1 của hội thơ, mang tên Bản hòa âm đất nước.
Chào mừng ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, chúng ta một lần nữa ôn lại những vần thơ hào sảng và tri ân các nhà thơ tiền bối. Đây là nét mới của hội thơ năm nay.
Còn phần 2 là những thi phẩm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, vẻ đẹp của mùa xuân, của xứ sở... Tình đất, tình người Phú Yên hòa vào cái chung của thơ ca Việt Nam.
Từ hội thơ năm nay sẽ không còn cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật. Thay vào đó, ban tổ chức mở rộng “sân thơ” và mời một số nghệ nhân thư pháp tham gia. Bắt đầu từ 18 giờ, trước khi thơ Nguyên tiêu khai hội, tại “sân thơ” có các hoạt động viết thư pháp, cho chữ và viết những câu thơ cổ hoặc những câu thơ mà bạn đọc yêu thích lên quạt giấy, lên nón lá hoặc vải để khán giả yêu thơ giữ làm kỷ niệm. Hoạt động này gắn với hồn chữ, gắn với thẩm mỹ của sự thể hiện những bài thơ.
* Tham dự hội thơ Nguyên tiêu, thi hữu mong gặp lại những gương mặt, những cây bút mà mình yêu mến. Bên cạnh đó, bạn yêu thơ cũng muốn có sự xuất hiện của những gương mặt mới. Hội thơ năm nay có nhân tố mới nào, thưa ông?
- Ban tổ chức hội thơ Nguyên tiêu nói chung, Ban Biên tập tập thơ Nguyên tiêu hằng năm nói riêng rất mong có những gương mặt mới, cây bút mới. Tuy nhiên, có thể ví gương mặt mới như lá mùa thu, rất khan hiếm. Những năm gần đây, có một tín hiệu đáng mừng là xuất hiện những gương mặt mới trong văn học nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng.
Năm nay có một số tác giả trẻ gửi thơ tham gia hội thơ Nguyên tiêu, tác phẩm của họ cũng rất chất lượng. Có tác giả trẻ như Nguyễn Phương Trâm, là người con Phú Yên, xa quê lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, cũng gửi tác phẩm về tham gia hội thơ. Thơ của Phương Trâm có những câu rất mượt mà, đầy nữ tính. Một tác giả trẻ khác là Nguyễn Văn Tự, trước giờ gửi về tạp chí Văn nghệ Phú Yên những bài thơ mang tính đại chúng; riêng bài thơ góp mặt trong hội thơ Nguyên tiêu lần này cho thấy tác giả tâm huyết hơn và có chiều sâu đáng kể.
Những tác giả không còn trẻ nhưng lần đầu góp mặt cũng tạo được ấn tượng. Tôi thích cách tư duy thơ, cách tạo ra cái mới trong thơ của tác giả Dương Lữ Yên, tên thật là Dương Bình Luyện, làm việc tại Sở GD&ĐT. Bài thơ của anh có tựa Hai Riêng riêng ai; đọc cái tựa là muốn đọc tiếp nội dung bài thơ. Hai Riêng riêng ai đề cập đến những địa danh, những hoạt động văn hóa trên vùng đất Sông Hinh bằng ngôn ngữ thơ.
Một số tác giả ở các tỉnh khác nhưng viết rất hay về Phú Yên. Đối với họ, Phú Yên là một vùng đất mà họ yêu mến và muốn khám phá. Và vùng đất đó, nói như nhà thơ Chế Lan Viên, là “bỗng hóa tâm hồn”, cho nên họ mới viết sâu và hay như vậy.
* Hội thơ Nguyên tiêu là một hoạt động văn hóa độc đáo, mang “thương hiệu” của Phú Yên. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh kỳ vọng điều gì ở hội thơ Nguyên tiêu lần thứ 44 xuân Giáp Thìn?
- Thông qua thơ, ban tổ chức mong muốn tạo sự gắn kết giữa văn nghệ sĩ với công chúng; giữa con người, xã hội với thiên nhiên; giữa những người làm công tác quản lý với những người sáng tạo văn học nghệ thuật. Thông qua văn học nghệ thuật nói chung, thi ca nói riêng, hình ảnh Phú Yên ngày càng tỏa sáng trong khu vực, trong cả nước. Và mọi người con Phú Yên có thể tự hào về văn học nghệ thuật quảng bá hình ảnh quê hương mình.
* Xin cảm ơn nhà thơ!
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 sẽ diễn ra vào tết Nguyên tiêu, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 tôn vinh thi ca Việt Nam và là ngày hội của các nhà thơ các dân tộc anh em. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hội mời các nhà thơ đại diện các dân tộc thiểu số từ nhiều vùng miền của đất nước về Hoàng thành Thăng Long để cùng nhau cất lên những “bài ca” về con người, về dân tộc và về những điều tốt đẹp... |
YÊN LAN (thực hiện)