Nếu có thời khắc nào trong 365 ngày dài đằng đẵng khiến người ta bất giác thao thiết lòng mình, đó chỉ có thể là chiều 30 tết. Má thường nói, con người ta thấy bình yên lúc nghe gió Chạp hiu hắt thổi về, nghe mùi tết chập chờn quẩn quanh mình. Bôn ba tha hương ngàn vạn cây số thì vẫn cố mà tìm đường về theo mùa sum vầy. Trễ lắm thì cũng 30 tết là đầy đủ những gương mặt máu mủ ruột rà.
Má người bưng biền, sóng nước phù sa nuôi trắng da dài tóc. Tía từ miệt đồng tứ giác Long Xuyên, thương hồ ghe bẹo. Bận ghé Nha Mân chỉ một lần mà mến người con gái cứ giấu mình sau chái bếp. Mối lái dạm ngõ rồi đưa xuồng rước dâu. Gá nghĩa tào khang đến tận bạc phơ mái tóc.
Năm chục năm biến thiên thời cuộc, tía má bỏ đời thương hồ lên bờ sắm công đất rồi chắt chiu ruộng vườn mà nuôi nấng ba đứa con lớn khôn. Mấy đứa con xoãi cánh thiên di thể như đám sáo sổ lồng mà bay theo ánh đèn của thị thành xa hoa. Bưng biền chỉ mình ên tía má với khói đốt đồng chiều, với chái bếp hiên sau. Thoảng khi giỗ chạp hay tết nhứt mới rổn rảng niềm vui sum vầy. Nhưng kỳ thực, đong đầy ấm áp hạnh phúc nhất chỉ mỗi mùa tết về mà thôi. Đám con bôn ba xa xứ lập thân, định danh nơi nào cũng theo tiếng gọi của mùa đoàn viên mà tìm về. Má lại được dịp tự tay nấu nướng bày biện mấy món ngon cả năm trường để dành cho đám con. Tết với tía má, nói thiệt, là mừng rớt nước mắt.
Tỉ như tía chừng giữa Chạp là bắt đầu tước lá mai. Má đón ghe bẹo hay chạy ngang con kinh Cố Giang mà mua muối Bạc Liêu ủ mắm. Tía bắt đầu quét vôi lại mấy bức tường đã bong tróc từng mảng bởi mưa thấm. Có bận anh hai về sớm, phụ tía quét vôi tường nhà. Anh hai cằn nhằn, nói tía để cất lại cái nhà mới cho rộng rãi ra chút, mình lăn tường sơn nước chống thấm. Thời này rồi ai lại quét vôi. Tía cười hề hà. Bữa cơm chiều 30 tết năm đó, khi đã say chút rượu gạo Nha Mân, tía nhắc nhớ về cái thời vừa dựng căn nhà tranh mái lá.
Thời mấy anh em còn chút xíu, tía má mỗi bận tết nhứt là đi xin mấy tờ lịch cuốn có hình nghệ sĩ diễn viên đem về dán đầy nhà. Hồi đó làm gì có tường mà quét vôi. Vậy nên, lần đầu tiên mấy đứa con xây được căn nhà tường, gạch bông, tía má cứ hít hà cái mùi vôi rồi cười rưng rức. Cái tết đầu tiên trong căn nhà mới, tía má cười rạng rỡ hơn bao giờ hết.
Mùi tết của tía là mùi vôi tường hăng hắc, còn mùi tết của má lại là dăm ba thứ món quê mùa nhưng ngọt ngào hương sắc vùng bưng. Phù sa chín nhánh sông hổng cho xứ này cái phồn hoa đô hội nhưng bù lại miệt bưng có đủ đầy những ngọt ngào hoa trái quê hương. Châu thổ mỗi mùa tết là bao nhiêu thứ hoa rực rỡ nhuộm thắm sắc trời, bao nhiêu thứ trái chín hươm thoảng mùi dậy lên sực nức. Má sên mứt từ cây dừa bao năm sinh sống cùng người Cửu Long.
Má ngào me từ thứ cây chua lè nhưng qua bàn tay khéo léo lại cho ra thứ mứt sền sệt thơm ngon. Hay như đám gừng vườn nhà, má lựa gừng già, gọt vỏ bào mỏng rồi áo một lớp đường trên bếp trấu, thành món mứt gừng cay nồng.
Mẹt mứt tết của dân châu thổ chín nhánh sông chẳng thể thiếu mứt dân dã từ hoa trái quê hương. Thức quà quê mỗi bận mấy đứa con về ăn tết, lại xúm xít tranh phần đem lên thị thành tặng bạn. Dẫu bây giờ mứt công nghiệp đầy trong các siêu thị, nhưng món mứt quê vẫn cứ len lỏi trong tâm thức của những đứa con xa xứ.
Bận đâu chừng giữa Chạp, má đã điện thoại giục mấy đứa con. Tiếng má quyện gió tết lướt qua thị thành mà ray rứt lòng. Mấy đứa con của tía má như sáo sổ lồng bay xa. Bay xa quá biết chừng có còn thương quê thèm xứ nữa hay không? Sao nghe má giục mà lòng chỉ toàn lương thưởng, chỉ toàn tất niên tiệc tùng. Có năm vội vội vàng vàng về rồi lại lên. Tết nhứt với tía má có đâu chừng dăm ba ngày. Vậy là tía má phải đợi thêm chừng mấy trăm ngày mỏi mòn mới có bữa cơm đoàn viên đủ đầy con cháu.
Nhưng có một lần, chị ba về nhà khi xuân muộn mằn tía đã hạ nêu. Mắt đỏ hoe, chị ba ùa vào ngồi ngay hiên nhà, chỗ tía má với đám cháu đang chơi lô tô. Chuyến công tác nước ngoài cuối năm khiến chị kẹt lại nơi xứ người. Quê nhà là tết, xứ người xa lắc tuyết rơi dày đặc, lạnh thấu tâm can.
Đêm 30 tết, đứa con gái Việt lang thang trên đường mà lòng thắt thẻo. Thèm thịt kho hột vịt, thèm cải mặn củ kiệu của má. Thèm cái nồi bánh tét đêm xuân lửa đỏ vờn tí tách. Hồi nhỏ đám anh em hay tranh nhau canh bánh chín, lùi củ khoai lang vào bếp lửa, đợi mùi khen khét ngòn ngọt bốc lên là thi nhau giành.
Nóng hổi vừa thổi vừa ăn, tiếng cười nắc nẻ vang cả một góc hiên nhà. Nhưng cái thú canh bánh chín thiệt tình là chỉ để được thử đòn bánh đầu tiên má vớt ra. Chờ má tét bánh điệu nghệ bằng dây lạt rồi lùa ngay khoanh bánh vào chén, chạy vòng vòng ngoài vườn mà rổn rảng cười với chiến tích của mình. Khói nhang trầm như làm nụ cười của má thêm ấm. Vậy đó, chị ba ngồi kể ròn rọt chuyện xưa cũ càng bên hiên nhà lót gạch nung chín lửa.
Nhiều năm sau, đi qua quãng đời gieo neo dâu bể của mình, mấy đứa con của tía má trụ lại với thị thành xa hoa. Đứa nào cũng có gia đình riêng. Bận mấy đứa con thấy tía má già nên ngỏ lời đưa tía má lên phố sống an hưởng tuổi già. Tía má chưng hửng rồi thở dài thườn thượt. Tía má là dân châu thổ, sóng nước phù sa gắn trọn phần đời. Dẫu đục trong bồi lở thì cũng đâu có rửa được cái cốt quê.
Đôi khi người già chỉ sống bằng kỷ niệm. Cái an hưởng của họ là chái bếp, hiên nhà, rơm rạ đồng bưng. Chừng con người ta nếm trải chua cay chát đắng thì tự hiểu lấy cái ngọt ngào thiệt tình nó hổng đâu xa. Nó nằm ngay trong chính đôi bàn tay mình. Tỉ như mấy món mứt từ bàn tay má. Đất nào cũng có thể dựng nhà, nhưng chỉ có một xứ được gọi là quê. Sau cái bận tết ngỏ lời đó, mấy đứa con thôi không còn nhắc về ý định đưa tía má lên phố thị.
Vậy nên, mỗi bận tàn cơn bấc, nước rút đồng, gió hong mấy ngọn ngọt ngào lên châu thổ, đàn con theo mùi tết mà tìm về. Như đợt này, sau cơn dịch tràn, mấy đứa con hẹn nhau về tết sớm. Về để học má làm bánh, sên mứt. Về để phụ ba quét vôi, tước mai. Về để cho mấy đứa nhỏ theo ông bà ra chợ nổi coi thương hồ mua sắm tết ở miệt bưng biền. Mấy cái ghe bẹo bán buôn nườm nượp rốp rẻng trên khúc sông quê. Câu hò câu hát giao duyên ghẹo nhau ngọt như phù sa xứ này. Châu thổ đâu có buồn như vọng cổ tình xuân.
Châu thổ đồng bưng, phù sa trổ chín nhánh sông, nhưng trăm con nước thì cũng xuôi dòng về biển mẹ. Người châu thổ đi trăm ngàn nơi, qua muôn dặm nẻo, nhưng kỳ thực chẳng ai quên lối về khi mỗi bận xuân sang. Bên cái hiên xuân, mấy đứa con châu thổ hay nghe tía má kể chuyện cũ càng. Nghe trong muôn dặm đời xa vẫn ấm một lối về nhà. Nghe riết thành thuộc, thuộc rồi nhưng vẫn cứ thích nghe.
TỐNG PHƯỚC BẢO