Tôi hay nghĩ về mùa xuân như một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người và vạn vật. Xuân về tết đến, muôn loài bừng lên sức sống mới, căng tràn, tươi tắn. Lòng người cũng hân hoan, rộn rã niềm vui. Trong tâm thức của người Việt từ ngàn đời nay, tết Nguyên đán luôn có ý nghĩa thiêng liêng và quan trọng nhất. Đây là tết cổ truyền, là dịp để giữ gìn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một trong những nét đặc sắc, quý báu đó là lòng kính nhớ tổ tiên khi xuân về, tết đến.
Tôi rất thích cách dùng từ “tết nhứt” của người dân quê mình. Bởi, nó vừa thể hiện ngôn ngữ mộc mạc của người xứ Nẫu vừa hàm chứa tính chất, quy mô hàng đầu của tết âm lịch. Ngay đầu tháng Chạp, đến đâu tôi cũng nghe mọi người râm ran bàn chuyện tết. Câu nói quen thuộc của nhiều người là “Tết nhứt đến nơi rồi” khiến tôi có cảm giác như tết đang cận kề bên hiên, trước ngõ, trong lòng. Những đứa con xa chợt bồi hồi, nôn nao hướng về quê nhà, nguồn cội.
Không khí tết càng rộn ràng hơn khi những người làm nghề may và nghề mộc lo chuẩn bị cúng Tổ nghề. Tôi nhớ, làng cũ Vĩnh Phú ngày xưa có nghề mộc rất nổi tiếng. Hơn 30 năm trước, thợ mộc ở quê tôi làm không hết việc, chủ yếu làm tại nhà theo đơn đặt hàng hoặc bán cho các đầu mối thu mua tại chợ Tuy Hòa. Thợ may thì đa số là các cô, dì may quần áo phục vụ cho bà con trong xóm, nhất là bọn trẻ vào dịp khai trường và mùa tết. Cứ đến ngày cúng Tổ nghề là nhộn nhịp hẳn lên.
Thợ may cúng ngày 12, còn thợ mộc cúng ngày 20 tháng Chạp. Những ngày đó, học trò mang nếp, gà, trà, rượu đến nhà thầy dạy nghề để chung lo cúng Tổ. Quan niệm của họ là kính ơn Tổ nghề để mong được Tổ đãi, công việc được hanh thông, thuận lợi, bình an, may mắn. Nếp xưa vẫn được lưu giữ mãi đến giờ. Tôi nghĩ, đây chính là nét đẹp văn hóa truyền thống rất đáng quý của người Việt, thể hiện lòng thành kính tri ân người có công khai sáng, truyền nghề.
Cha ông ta đã dạy: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Điều dạy ấy luôn được con cháu muôn đời sau ghi nhớ và thực hiện. Dễ nhận thấy nhất là mỗi dòng họ đều ấn định một ngày tảo mộ ông bà, tiên tổ. Tùy mỗi vùng miền có thể có phong tục tảo mộ khác nhau, còn ở quê tôi thì việc này luôn diễn ra trong tháng Chạp. Người quê tôi ít gọi là tảo mộ mà quen dùng cách nói bình dị là giẫy mả. Đây là cơ hội để con cháu tập trung về, cùng sửa sang lại mồ mả của ông bà cho mới mẻ, sạch sẽ, thoáng đãng trước khi đón tết.
Giẫy cỏ, phát dọn cây dại, tôn tạo những mộ phần, đơm chưng bánh, trái, đặt những chậu hoa tươi, rồi thành kính thắp hương tưởng nhớ và kính cáo tổ tiên ông bà về vui xuân đón tết cùng con cháu. Phong tục ấy là nét đẹp văn hóa của người Việt, thể hiện lòng hiếu thảo, tri ân nguồn cội; giáo dục thế hệ trẻ nhớ về tổ tiên, sống có trách nhiệm hơn với gia đình, dòng tộc. Bởi thế, hầu như con cháu đều nhớ ngày giẫy mả mà về. Trước là bổn phận của cháu con, sau là cầu mong ông bà phù hộ và cũng là cơ hội gặp lại bà con, họ hàng để thăm hỏi, động viên nhau...
Tôi không thể quên những cái tết xưa nhiều gian khó. Cả nhà tập trung đan rổ để có tiền trang trải nên nhà cửa, vườn tược còn bề bộn lắm. Tuy vậy, công việc lau chùi bộ đèn thờ là không chậm trễ, càng không thể bỏ qua. Tranh thủ ban đêm, tôi phụ giúp ba chà đèn, lau dọn bàn thờ ông bà nội.
Hồi đó, toàn làm thủ công, dùng gói thuốc pha với dầu hỏa, có khi phải dùng lá thơm, lá khóm đập dập vắt lấy nước hòa với dầu hỏa để chà. Bàn thờ được lau dọn sạch sẽ, đặt lên bộ đèn đồng sáng bóng vừa mới lau xong, chờ má cắt buồng chuối mốc sau vườn để đơm lên cổ bồng là tết cũng vừa đến. Có lần, tôi còn về giúp cậu Mười lau chùi bộ đèn thờ ở nhà ngoại.
Nay, con cái đi làm ăn xa, ba tôi cũng đã già nên có năm ông nhờ người trong xóm chà bằng máy quay mô tơ. Nhưng, ba vẫn thích tự làm, mỗi ngày một ít, ông cho rằng tự tay mình làm giống như là có tấm lòng thành với ông bà vậy. Và, thế nào ông cũng gọi điện cho tôi: “Ba chà đèn rồi nghen con”. Tôi nghẹn ngào mà vui vì nhiều nỗi và chờ mong tết đoàn viên.
Tôi cảm thấy lòng ấm áp mỗi khi trở về bên ngôi nhà cũ, mảnh vườn xưa, được nhìn thấy ba má vẫn khỏe mạnh vào ra nơi góc sân, chái bếp, hiên nhà. Và, cứ vào dịp tết, tôi chỉ ước ao anh em, con cháu sum vầy bên ba má để được nhìn thấy ông bà vui rạng rỡ, được nghe những lời hỏi han, dặn dò như thuở còn thơ ấu. Trong lòng của ba má, những đứa con như tôi vẫn chỉ là đứa trẻ mà thôi!
Mùi tết phảng phất quanh căn bếp nhỏ. Đó là mùi đậu xanh, nếp ngâm để gói bánh chưng, mùi dưa kiệu phơi nắng, mùi măng khô ngâm nước… Mấy em gái giúp má lo việc bếp núc. Tôi uống trà với ba, nghe ông mừng khoe các phần quà tết của chính quyền, rồi phụ đơm bông, đơm trái lên bàn thờ ông bà để cúng tất niên.
Mấy đứa cháu nô đùa, chạy nhảy làm rộn cả khoảng sân. Trong khói hương trầm nghi ngút, thoảng thơm ấm cúng, tôi nghe ba khấn nguyện một năm mới đất nước thanh bình, gia đình bình an, có cả lời kính biết ơn đến ông bà, tiên tổ.
PHAN HUY THÙY