Thứ Bảy, 23/11/2024 12:09 CH
Nhớ ngày dựng nêu
Thứ Ba, 06/02/2024 10:28 SA

Làng tôi ở vẫn hiện hữu, nhưng nay được nâng cấp theo mô hình phố phường. Chợ làng quê ngày xưa bây giờ được xây dựng khang trang, hàng hóa buôn bán theo khu vực bài bản. Các bậc cao niên thời ông nội tôi cũng đã qua đời từ lâu, và tục lệ dựng cây nêu ăn tết của làng ở trước chợ quê chỉ còn là hoài niệm.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Lúc ông nội tôi và ông nội Chín ở xóm trong còn sống, vào chiều ba mươi tết, hai ông thường đảm nhận việc dựng cây nêu trước chợ của làng. Người làng tôi xem đó là nghi lễ quan trọng nhất trong mỗi dịp tết đến và tin rằng cây nêu như biểu tượng thiêng liêng xua đuổi những điều xui xẻo, phiền muộn của năm cũ và mang lại may mắn, an lành trong năm mới.

 

Những chiều ba mươi tết ngày ấy, khi phiên chợ làng cuối năm tan họp, mọi người đã vệ sinh sạch sẽ, cây nêu sẽ được dựng lên. Tôi nhớ, trước đó, ông nội nói về cách chọn tre làm nêu: “Cây tre có chiều dài năm đến sáu thước, thân thon tròn, thẳng tắp, khoảng cách giữa các đốt tre dài đều, đặc biệt không có mối mọt hay lỗ kiến. Quan trọng nhất phần ngọn tre không cụt, phải còn cành nhánh và lá phải xanh”.

 

Dùng rựa rong trảy cây tre, đến ngọn thì để lại một phần lá tươi, vì theo ông nội, “nó tượng trưng cho mây trời!”. Tiếp sau, ông nội Chín cột lên cây nêu một chiếc giỏ mồm (dụng cụ bọc miệng con bò), đặt vào đó một vài lá trầu, hai trái cau, một ít vôi và cột kèm một bó lá dứa có gai là loại dứa mọc hoang ở vùng đất cát quê tôi.

 

Ông tôi giải thích: “Cây nêu như là trục của vũ trụ, là cây trụ nối giữa trời và đất. Chọn cây tre để làm cây nêu vì thân tre có đốt như là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp cho cuộc sống dân làng bình yên, mùa màng tốt tươi. Bó lá dứa có gai là để xua đuổi tà ma, không bén mảng đến đất của dân làng đang sinh sống…”.

 

Xong xuôi, hai ông nội đứng nhìn, ngắm nghía chọn điểm để đào lỗ và đợi khi mặt trời sắp lặn để dựng cây nêu. Tôi và nhóm bạn cùng xóm thì có dịp tập trung nô đùa ở sân chợ. Chúng tôi lăng xăng, ríu rít xem cây nêu và chờ hai ông sai vặt việc lấy bánh, cốm để sắp ra bàn cúng dựng nêu, để khi xong lễ, chúng tôi được hai ông nội cho bánh, cho cốm. Chúng tôi còn thì thầm hò hẹn với nhau: “Chiều mùng bảy hạ nêu, bọn mình tập trung nữa nghen!”.

 

Chiều mùng bảy tết, hai ông nội thiết bàn lễ cúng để hạ cây nêu. Chúng tôi lại có dịp gặp nhau, kể nhau nghe mấy ngày qua đi chơi tết. Cây nêu được hạ, đồng nghĩa tổ tiên về lại với đất trời, con cháu trở lại cuộc sống thường ngày. Theo quan niệm, những vật dụng làm từ cây nêu rất may mắn nên sau khi hạ nêu, tre thường dùng để đan lờ, làm cần câu cá.

 

Làng tôi đã lên phố, lên phường, cuộc sống đã đủ đầy, phong tục dựng nêu ở chợ của làng để ăn tết không còn nữa. Với tôi, cây nêu tết xưa của làng là hồn tết quê nhà, nhớ lại việc dựng nêu ăn tết của làng vào chiều ba mươi tết, như dựng lại hồn cốt bầu trời ký ức nồng ấm, dậy lên muôn vàn cảm xúc vào những ngày cuối Chạp.

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek