Chủ Nhật, 29/09/2024 23:34 CH
Cồng chiêng ngân vang mừng mùa xuân mới
Thứ Bảy, 03/02/2024 13:24 CH

Các bạn trẻ đồng bào Chăm ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, háo hức tham gia lễ hội. Ảnh: LÊ KHA

Sau mùa đông lạnh lẽo, tiết trời nắng ấm, sắc xuân lan tỏa khắp núi rừng. Đồng bào dân tộc Chăm ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa lại náo nức tấu cồng chiêng mừng mùa xuân mới.

 

Vật thiêng

Từ những năm đầu mới tụ cư lập làng, khai canh, đồng bào Chăm ở xã Cà Lúi - vùng đất giáp ranh với Gia Lai - đã biết sử dụng cồng chiêng. Nhạc cụ này mang lại sự thiêng liêng trong đời sống văn hóa của đồng bào Chăm nơi đây. Già hay trẻ đều có thể tham gia gõ nhịp cồng chiêng trong dịp về nhà mới, mừng tuổi trưởng thành cho con cháu, lễ xoay cột tế trâu cho yàng và các thần linh.

 

Điều đặc biệt hơn cả là trong những ngày đầu năm mới, hương sắc mùa xuân tràn ngập khắp nơi, thanh âm cồng chiêng như báo hiệu tết đến, xuân sang. Đón mừng năm mới, họ cùng nhau tưởng nhớ tổ tiên, tộc họ đoàn tụ, chúc mừng sức khỏe, làm ăn sung túc, bà con làng trên buôn dưới kết đoàn xây dựng quê hương ngày càng hưng thịnh.

 

Đồng bào dân tộc Chăm ở xã Cà Lúi rất quý cồng chiêng, bởi đây là nhạc cụ đã ăn sâu, bám rễ trong mọi mặt đời sống của họ. Ông K Pắ Vương, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi cho biết: Âm thanh cồng chiêng không chỉ là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mà còn là tiếng lòng yêu thương, là hồn thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Chăm, nên bà con luôn có ý thức gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này.

 

Là nhịp cầu kết nối

 

Đến với xã Cà Lúi vào mùa lễ hội mừng xuân mới, ta có thể hòa mình vào tiếng cồng tiếng chiêng, khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, trầm hùng, hòa quyện với đất trời, với tiếng lòng của cộng đồng người Chăm ở vùng đất nhiều dấu ấn lịch sử này.

 

Ông Y Lốt 70 tuổi ở buôn Ma Lăng, nghệ nhân nhạc cụ cồng chiêng, bộc bạch: Nhạc cụ cồng chiêng đã gắn liền với dân làng nơi đây từ thuở xa xưa. Những ngày đầu năm mới, ngoài rượu ché, còn phải có cồng chiêng để dân làng xích lại gần nhau, gắn bó và đoàn kết với nhau hơn.

 

Người Chăm quan niệm rằng, khi năm mới đến, cồng chiêng ngân vang rộn ràng, như hàng ngàn sợi dây âm thanh gắn kết con người với đất trời, với rừng núi, và với buôn gần làng xa bền chặt, sống cạn với nghĩa, với tình.

 

Những giai điệu cồng chiêng trong lễ hội mùa xuân ở xã Cà Lúi như mạch nước sông T’Lúi, con suối K’hay thấm đẫm vào cuộc sống của cộng đồng người Chăm nơi đây. Họ là những nhạc công mộc mạc, chất phác nhưng say sưa thể hiện tài nghệ một cách tinh tế.

 

Đồng bào Chăm ở xã Cà Lúi tham gia lễ hội cồng chiêng. Ảnh: LÊ KHA

 

Gắn kết với điệu xoang

 

Ở đâu ngân tiếng cồng, vang tiếng chiêng là ở đó có nối vòng múa xoang. Trong tiếng cồng chiêng sống động, những điệu múa xoang của các chàng trai, cô gái Chăm với đôi chân trần nhịp nhàng, đôi tay uyển chuyển làm cho mọi người tham gia lễ hội háo hức hơn, cùng hòa vào cuộc vui. Những ché rượu ủ từ gạo lúa rẫy với men làm bằng lá, rễ cây rừng nồng thơm, sắp đặt dưới cây nêu bên bếp lửa giữa làng.

 

Chị Kpă Hờ Riêu ở buôn Ma Lưng chia sẻ: “Múa xoang gắn với những lễ nghi truyền thống như lễ cưới, cúng bến nước, cầu mưa, bỏ mả, và từng vụ mùa cây trồng, đặc biệt là không thể thiếu trong lễ hội mùa xuân mới”.

 

Dân vũ này thể hiện ngôn ngữ hình thể như giã gạo, gặt lúa, đong đưa chiếc gùi lên rẫy… uyển chuyển giàu cảm xúc. Vòng xoang rộng mở gắn chặt tình người, tình đất, làm đắm say, mê hoặc lòng người. Cùng chung niềm cộng cảm theo diễn tấu tiếng cồng, tiếng chiêng, múa xoang là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.

 

Giữ lửa nhạc cụ văn hóa dân gian

 

Đến với vùng đất xã Cà Lúi vào mùa xuân, đó là mùa nhớ về mẹ cha, mừng con trưởng thành, mùa lễ hội “ăn năm uống tháng”. Ta có thể lắng nghe âm thanh cồng ba, chiêng năm, chiêng knah, chiêng gril, hoặc chiêng arap tai… trầm hùng đi sâu vào lòng đất, ngân xa đến tận núi cao, rừng sâu.

 

Ông Kpắ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi cho hay: Nhạc cụ cồng chiêng là di sản quý báu mà người Chăm vùng đất bên dòng sông Cà Lúi được thừa hưởng qua các thế hệ, gắn bó mật thiết với sự gìn giữ và phát huy văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở xã Cà Lúi.

 

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa cho biết: Nhạc cụ cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Đặc biệt là tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang vào dịp lễ hội tết Nguyên đán đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân, in đậm trong tư tưởng, tình cảm, được các thế hệ gìn giữ, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Chăm sinh sống nơi đây.

 

Trong không khí hân hoan của đất trời, của lòng người, các làng buôn ở xã Cà Lúi rộn ràng tiếng cồng chiêng mang theo những khát vọng bình yên, no ấm trong năm mới.

 

TRN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek